VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ năm, 19/9/2024

Em có thai 35 tuần. Em đã xét nghiệm PCR dương tính CT15. Em sốt 1 ngày, ngày sau thì mệt mỏi, ngày 3 mất vị giác. Giờ em nên nhâp viện hay ở nhà theo dõi ạ? Đã tuần thai 35 thì em bé có bị ảnh hưởng không bác sĩ?

Mai Thi, 35 tuổi, Bình Thạnh, TPHCM

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi

30 thì bệnh hầu như ko có khả năng lây lan. \r\n\r\nChúc bạn và bé mạnh khỏe. Nếu có thêm thắc mắc gì bạn có thể đặt lịch \"\"khám online\"\" với các bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh qua Tổng đài 0287 102 6789, website tamanhhospital.vn hoặc qua fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được hỗ trợ. Thân mến!\""}">Chào bạn,

Trường hợp F0 không triệu chứng thì có thể tự theo dõi ở nhà, nếu thấy: mẹ khó thở nhiều, sốt cao, ho đàm nhiều, tiêu chảy... hoặc có ra huyết âm đạo, ra nước liên tục rỉ rả (vỡ ối), đau bụng từng cơn với khoảng 3-4 cơn đau trong 10 phút liên tục kéo dài, hoặc hoa mắt, chóng mặt, mờ mắt, tiểu ít; hoặc thai máy rất ít/không máy... thì nên vào bệnh viện Từ Dũ hoặc bệnh viện Hùng Vương khám và khai báo là có xét nghiệm PCR dương tính (vì đây là 2 bệnh viện được Sở Y tế phân công điều trị Covid-19, nên thai phụ sẽ vào đó).

Thường thai không bị ảnh hưởng gì nên bạn đừng quá lo lắng, cần theo dõi thai máy và kiểm tra thai theo lịch hẹn của bác sĩ. Bên cạnh đó, bạn xét nghiệm PCR lại lần 2 sau 7 ngày, so với lần1, nếu kết quả PCR có CT tăng >30 thì bệnh hầu như ko có khả năng lây lan.

Chúc bạn và bé mạnh khỏe. Nếu có thêm thắc mắc gì bạn có thể đặt lịch "khám online" với các bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh qua Tổng đài 0287 102 6789, website tamanhhospital.vn hoặc qua fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được hỗ trợ. Thân mến!

Chào bác sĩ!
Bé nhà em tính đến nay được tròn 13 tuần tuổi và có dấu hiệu biếng ăn đã 3 ngày nay. Lượng sữa hằng ngày bé bú giảm gần một nửa so với bình thường. Trước đây bé từng tiêu chảy, có thăm khám tại bệnh viện Tâm Anh và được chẩn đoán là bất dung nạp Lactose. Lúc đó bé ...

Trân Hồ, 29 tuổi, 102 Phan Văn Hớn, P. Tân Thới Nhất, Q. 12

BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang

Chào em,
Theo những gì em mô tả con em từng bị bất dung nạp lactose, hiện tại bé bú sữa công thức hoàn toàn và biếng bú 3 ngày nay.

Có nhiều nguyên nhân làm bé biếng bú như: bệnh đường hô hấp - tai mũi họng (như nghẹt mũi sẽ làm bé khó bú, đau tai), bệnh lý đường tiêu hóa, nhiễm siêu vi... Theo bác sĩ, khả năng nhiều nhất là bé có vấn đề ở đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, viêm ruột ... Em kiểm tra xem bé có bị chướng bụng sau bú, ọc hoặc trớ sữa, quấy, khó chịu hơn so với ngày thường không.

Con em sau khi đổi sữa công thức bình thường 15 ngày bé mới bắt đầu có biểu hiện biếng bú, không phù hợp với tình trạng bất dung nạp lactose ở trẻ em. Các triệu chứng của bất dung nạp lactose (như tiêu chảy, đầy bụng, buồn nôn, nôn) thường xuất hiện ngay sau khi bé uống sữa thường.

Vì là mùa dịch nên với tình trạng con em biếng bú nhưng vẫn ngủ tốt, chơi bình thường, em có thể tiếp tục theo dõi bé vài ngày (2-3 ngày) xem bé có xuất hiện thêm triệu chứng khác không: sốt, ho, nghẹt mũi, các triệu chứng tiêu hóa đã nêu trên. Trong thời gian này vẫn uống sữa công thức cũ, không đổi sữa. Chú ý các dấu hiệu cần đưa bé đi khám ngay: sốt, đừ, thở mệt, tím, co giật, ói, tiêu máu... Nếu tình trạng biếng bú của bé cải thiện thì tốt. Nếu bé vẫn không cải thiện, em cho bé đi bệnh viện để được thăm khám cụ thể.

Ngoài ra em có nêu bé tiêu phân xanh đậm, mùi nồng (vẫn ngủ tốt, chơi bình thường), tình trạng này có thể do bé không tiêu hóa được hết lượng sắt trong sữa công thức, em nên chờ đợi cho hệ tiêu hóa bé thích nghi. Tuy nhiên nếu phân bé có nhầy máu, bé sốt, quấy, có thể bé bị nhiễm trùng đường tiêu hóa, em nên cho bé đi khám ngay.

Giai đoạn dịch bệnh này mặc dù đi lại bất tiện, tuy nhiên bé con em mới 13 tuần, nếu tình trạng biếng bú kéo dài, em cân nhắc cho con đi khám sớm để con được theo dõi sát sao và chẩn đoán bệnh kịp thời (nếu có). Thân chào em!

Con trai tôi sinh năm 2016, cháu hiện bị suy dinh dưỡng nặng 13kg. Cháu có hiện tượng nếu mới ăn mà khóc là sẽ bị ói ra hết. Xin bác sĩ tư vấn giúp, cảm ơn bác sĩ nhiều.

tdqp.c3bauham, 43 tuổi, Trảng Bom, Đồng Nai

BS.CKI Ngô Hà Lệ Chi

Chào bạn,
Đọc thông tin bạn chia sẻ, Bác sĩ hiểu bạn đang rất lo lắng với tình trạng của con mình.
Hiện con bạn được 5 tuổi, cân nặng 13kg, theo chuẩn thì con bạn bị suy dinh dưỡng nặng.

Tuy nhiên thông tin của bạn cung cấp quá ít để có thể chẩn đoán nguyên nhân bé bị suy dinh dưỡng là do cháu có bệnh lý đi kèm, do chế độ ăn không phù hợp hay do bé biếng ăn. Trong tình hình dịch bệnh hiện tại, thật khó khăn cho bạn trong việc đưa bé đi thăm khám điều trị trực tiếp. Bạn có thể cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bé bằng cách:
• Chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày thành nhiều bữa và lưu ý khoảng cách giữa các bữa ăn nên cách nhau ít nhất 4 giờ. Đối với bé 5 tuổi, một ngày có thể ăn 3 bữa chính, 2-3 bữa phụ. Bữa chính đảm bảo đủ 4 nhóm đạm, đường, béo, trái cây; bữa phụ có thể là sữa, sữa chua, bánh flan, trái cây,...

Bạn cần chú ý một số thực phẩm nên hạn chế cho bé ăn như:

- Thực phẩm nguyên hạt, khó tiêu (ngô, gạo nếp…).
- Thực phẩm thấp năng lượng mà chiếm dung lượng lớn như khoai củ...
- Thực phẩm chế biến sẵn: đồ hộp, xúc xích, lạp xưởng...
- Thức ăn nghèo dinh dưỡng: snack, kẹo, nước ngọt…

• Lượng sữa nên đảm bảo 500-600ml/ngày. Sử dụng các loại sữa công thức phù hợp tuổi, lựa chọn hương vị mà trẻ thích uống, phối hợp thêm sữa cao năng lượng vào cữ cuối cùng trong ngày. Tránh uống sữa cao năng lượng cả ngày, sẽ khiến bé no lâu, bỏ ăn, và cũng gây ra một số vấn đề về tiêu hóa như táo bón, đầy bụng, khó tiêu,...

Ngoài ra, bạn cần tập cho bé thói quen tập trung vào bữa ăn: ngồi ăn tại bàn ăn cùng với gia đình, không xem tivi, điện thoại, không chơi trong giờ ăn để tránh việc nhai không kỹ, ăn lâu, ngậm thức ăn. Thời gian mỗi bữa ăn không quá 30 phút. Cần chú ý không cho bé vặt trước bữa ăn. Đặc biệt khuyến khích bé tham gia vào bữa ăn, không la mắng, hù dọa, không nên ép bé ăn quá nhiều, gây nên triệu chứng đầy bụng, trào ngược hay tâm lý sợ hãi. Đảm bảo bé được tham gia vận động ít nhất 30 phút/ ngày và ngủ đủ giấc 8-10 giờ/ ngày.

Về hiện tượng bé ói ra nếu bé khóc ngay sau khi mới ăn xong là hiện tượng thường gặp và không phải do bệnh lý, do đó bạn không nên quá lo lắng. Bạn cần chú ý không tiếp tục cho bé ăn ngay sau khi bé ói. Để hạn chế bé tiếp tục ói do quấy khóc, bạn nên nhẹ nhàng, không lớn tiếng khiến bé sợ hãi. Bên cạnh đó, thực hiện vuốt nhẹ ở lưng hoặc ngực theo chiều từ trên xuống kết hợp với trò chuyện vui vẻ để bé có thể quên đi cảm giác sợ hãi và hành động nôn trớ. Có thể cho bé ăn uống lại khi bé thấy thoải mái và hợp tác.

Với tình trạng suy dinh dưỡng của bé, bé cần một kế hoạch can thiệp dinh dưỡng và theo dõi sát, để đảm bảo bé cải thiện được cân nặng, chiều cao, bắt kịp tốc độ phát triển theo tuổi phù hợp với bé. Do đó, ngay khi có điều kiện, bạn nên đưa bé đến bệnh viện để được Bác sĩ thăm khám kiểm tra, xác định nguyên nhân gây suy dinh dưỡng và có phương pháp can thiệp phù hợp nhất cho bé. Mến chào bạn.

Thưa Bác sĩ,
Bé trai nhỏ nhà em năm nay 7 tuổi, bé cao 119cm nặng 20kg. Bé đã thay 2 răng cửa hàm dưới. Cách đây 1 tháng bé lung lay và nhổ 1 răng cửa hàm trên nhưng đến nay nướu chỗ đó thì lành hẳn mà không thấy mầm răng. Bác sĩ cho em hỏi như vậy là do nguyên nhân ...

Minh Trang, 34 tuổi, 66 Huỳnh Thị Hai, p Tân Chánh Hiệp, quận 12

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa

Chào bạn,
Thông thường, khoảng 6 tuổi trẻ sẽ bắt đầu thay răng sữa bằng các răng vĩnh viễn; răng sữa sẽ lung lay rồi gãy rụng, sau đó răng vĩnh viễn mới mọc lên. Răng sữa rụng bao lâu thì răng vĩnh viễn sẽ mọc tùy thuộc vào cơ địa của từng trẻ, nhưng thường sẽ dao động từ 1-2 tháng.

Răng mọc chậm có sao không tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể với nhiều nguyên nhân khác nhau:

• Tình trạng răng mọc ngầm, mọc lệch: Những chiếc răng này không mọc lên đúng ở khoảng trống trên cung hàm mà có xu hướng mọc đâm vào răng bên cạnh nên sẽ mọc lên rất chậm.
• Nướu của trẻ bị xơ hóa: Nếu gặp phải tình trạng này thì răng trẻ sẽ khó trồi lên được bởi lớp nướu trên răng đã bị xơ hóa, trở nên dày hơn.
• Thiếu mầm răng: Trường hợp này có thể do bẩm sinh hoặc mầm răng đã bị tổn thương khi trẻ vô tình bị va đập.
• Răng vĩnh viễn bị cứng khớp: tình huống này khá hiếm gặp. Đó là chân răng vĩnh viễn dính hẳn vào xương và không dịch chuyển được.
• Thiếu dinh dưỡng: Các chất dinh dưỡng cần thiết cho nếu không được cung cấp đầy đủ sẽ khiến thời gian thay răng sữa ở trẻ bị kéo dài, đặc biệt là lượng canxi cung cấp cho răng.
• Thói quen xấu ở trẻ: Các thói quen như mút tay, đẩy lưỡi, bú bình, nghiến răng cũng sẽ khiến răng trẻ mọc chậm.

Bé của bạn nhổ răng sữa cách nay 1 tháng và răng vĩnh viễn chưa mọc thì chưa có gì phải lo lắng. Bạn có thể chờ thêm một thời gian nữa khi tình hình dịch bệnh ổn định, nếu răng vẫn chưa mọc thì nên cho bé đi khám để nha sĩ tìm nguyên nhân và có hướng xử trí thích hợp.
Mến chào bạn!

Chào bác sĩ. Bé nhà em được gần 5 tháng. Da bé dạo này hay bị rôm sảy, tình trạng có vẻ nặng hơn (da đỏ, ngứa, thành mảng, dạng kiểu giống nhiễm khuẩn, viêm nhiễm). Tối ngủ dậy, bé gãi chảy máu ạ. Em có dùng nước tắm thảo dược lau mặt, nhưng có vẻ nặng hơn. Hiện e có dùng kem thoa ...

Pham Xuan Vinh, 31 tuổi, 304/107 Phạm Thế Hiển p3 q8

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa

Chào bạn,
Tình trạng da đỏ, ngứa, thành mảng như bạn mô tả có thể là biểu hiện của viêm da cơ địa. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng khô da như dị ứng, viêm da do nguyên nhân khác... Trong giai đoạn hiện nay nếu chưa thể đi khám được bạn có thể áp dụng một số cách chăm sóc da cho bé tại nhà để cải thiện tình trạng da của bé hiện tại, giúp bé dễ chịu hơn:
Tắm rửa:
● Nên tắm cho trẻ bằng nước ấm, tắm nhanh dưới 15 phút.
● Dùng sữa tắm không chứa xà phòng và hương liệu. Bạn không nên dùng nước tắm thảo dược khi chưa có ý kiến của bác sĩ vì không biết loại nước tắm đó có phù hợp với da của bé hay không.
● Sau khi tắm xong, dùng khăn thấm khô nhẹ nhàng, tránh chà xát mạnh lên da bé.

Bạn có thể sử dụng thêm các loại sữa dưỡng ẩm phù hợp với tuổi bé

● Thoa sản phẩm dưỡng ẩm lên da bé ngay sau khi tắm xong.
● Thoa sản phẩm dưỡng ẩm 2-3 lần mỗi ngày lên vùng da bị khô ngứa, trong đó một lần ngay sau khi tắm.
Ngoài ra, bạn nên chọn quần áo thoáng mát và cắt móng tay ngắn cho bé.
Khi điều kiện cho phép hoặc tình trạng da của bé không cải thiện và có các dấu hiệu nặng hơn như lan rộng, rỉ dịch vàng, sốt, bỏ ăn...; bạn nên cho bé đi khám để bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh của bé và có hướng xử trí phù hợp.

Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Chào bác sĩ, bé gái nhà em 4 tuổi, cân nặng 18kg, cao 1m, với chiều cao như vậy có thấp hơn so với chuẩn không ạ? Và em nên bổ sung thêm gì để bé có thể phát triển chiều cao ạ. Bé ăn uống bình thường, ngày uống 470ml sữa, 1 hũ sữa chua.
Với sau mỗi bữa ăn bé hay kêu ...

Thanh Thao Ngo, 37 tuổi, Bà Rịa Vũng Tàu

BS.CKI Ngô Hà Lệ Chi

Chào bạn,
Qua thông tin bạn cung cấp thì ở một bé 4 tuổi với cân nặng và chiều cao hiện tại, theo chuẩn là bé nằm trong giới hạn bình thường. Về vấn đề chiều cao của bé, mặc dù nằm trong giới hạn cho phép (93.9 cm đến 110.8 cm) nhưng so với chiều cao trung bình của các bạn trai cùng tuổi thì bé thiếu 2.3 cm (trung bình 102.3 cm).

Về chế độ dinh dưỡng thì lượng sữa của con bạn như vậy là rất tốt vì đã đảm bảo được lương calci cần thiết, bạn nên tiếp tục duy trì chế độ ăn đó. Tuy nhiên để tối ưu được chiều cao của bé phù hợp lứa tuổi, bạn cần lưu ý đảm bảo các yếu tố sau đây:
- Ăn đầy đủ nhu cầu năng lượng, đa dạng các nhóm thực phẩm.
- Bạn cũng nên lưu ý bổ sung vitamin D, kẽm, K2 trong chế độ ăn của bé để giúp bé ăn ngon, giúp hấp thu và sử dụng nguồn calci trong cơ thể hiệu quả hơn. Một số thực phẩm giàu kẽm, sắt và calci như sữa, tôm đồng, tép nhỏ, cá nhỏ nguyên xương, lươn, hàu, sò, thịt bò, lòng đỏ trứng gà, ngũ cốc nguyên hạt...
- Đảm bảo bé ngủ sớm, ngủ đủ, và sâu giấc: Nên cho bé đi ngủ sớm trước 21h, ngủ đủ 10-13h/ ngày, và ngủ sâu giấc, vì từ 22h đến 2h sáng là thời gian hóc môn tăng trưởng tiết ra nhiều nhất, kích thích tăng trưởng chiều cao, cũng như phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ cho bé.
- Tăng cường chơi thể thao, chọn các môn thể thao tăng kích thích sụn đầu xương như: chạy xe đạp, bơi, nhảy dây, bóng rổ,... Thời gian tập 30-45 phút liên tục và nên tập mỗi ngày.

Còn về vấn đề tinh trạng đau bụng, hay đi cầu sau mỗi bữa ăn có rất nhiều nguyên nhân; theo những thông tin bạn chia sẻ thì không biết bạn có thay đổi món ăn mới hay không? Lượng thức ăn có nhiều quá đối với bé? Chất lượng thực phẩm và chế biến thức ăn ra sao? Tình trạng này của bé đã xảy ra bao lâu rồi? Bé đau bụng nhiều hay ít, sau đi cầu bé có hết đau bụng hay không?

Trong tình hình giãn cách hiện nay, nếu bạn đảm bảo mọi thứ đều tốt, bé sau đi cầu thì hết đau bụng, vui chơi bình thường thì bạn có thể theo dõi thêm tình trạng này bé ở nhà. Bạn cũng nên tập cho bé thói quen đi vệ sinh đều đặn mỗi ngày, vệ sinh tay cho bé trước khi ăn, lựa chọn món hợp khẩu vị với lượng ăn phù hợp với bé, không ép bé ăn quá nhiều, vì nhiều khi việc than đau bụng sau ăn là một cách để bé từ chối không ăn nữa.

Tuy nhiên, bạn nên tiếp tục theo dõi tình trạng tiêu hóa của bé một thời gian, nếu tình trạng đau bụng của bé còn kéo dài hoặc kèm theo một trong các dấu hiệu đau bụng tăng, tiêu phân bất thường: như phân sống, phân lẫn máu, tiêu lỏng,… bạn nên đưa bé đến bệnh viện ngay khi có thể để được bác sĩ thăm khám, tìm ra nguyên nhân và có phương pháp điều trị tốt nhất cho con bạn nhé.

Hi vọng những chia sẻ ở trên có thể giúp ích cho bạn. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng.

Chào bác sĩ,
Con em sinh non lúc 28 tuần nặng 1,4kg. Nay bé gần 23 tháng nặng 13kg, nhưng cao khoảng 81cm. Như vậy bé có quá lùn không ạ. Bé hay đổ mồi hôi đầu nhiều, ngủ rất ít và không sâu giấc. Rất mong bác sĩ chỉ giúp em cách để cải thiện ạ. Cảm ơn bác!

Trần Thị Phương Sương, 42 tuổi, Quận 7, HCM

BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang

Chào em,
Bé sanh non 28 tuần, nay bé gần 23 tháng, như vậy tuổi hiệu chỉnh của bé là 20 tháng. Bác sĩ sẽ đánh giá sự phát triển thể chất của bé dựa vào tuổi hiệu chỉnh của bé.
Đối với bé 20 tháng, cân nặng và chiều cao dao động trong khoảng sau thì phù hợp:
● Nếu là bé trai:
○ cân nặng 9.1-14.2 kg (trung bình là 11.3kg);
○ chiều cao 78.6-89.8 cm (trung bình là 84.2 cm);
● Nếu là bé gái:
○ cân nặng 8.4-13.7 kg (trung bình là 10.6kg);
○ chiều cao 76.7-88.7 cm (trung bình là 82.7 cm);

Đối với chiều cao của con em là 81 cm, hơi thấp hơn chiều cao trung bình theo tuổi nhưng vẫn nằm trong khoảng dao động cho phép; vì vậy em đừng quá lo lắng.

Để đánh giá sự phát triển chiều cao của con cần dựa trên nhiều yếu tố như: di truyền và biểu đồ thay đổi chiều cao của bé trong một khoảng thời gian (ví dụ: lúc sanh, chiều cao đo được của từng tháng). Con em vẫn còn tăng trưởng, em nên tập trung cho bé có chế độ dinh dưỡng hợp lý, vận động phù hợp, ngủ đủ giấc, như vậy sẽ giúp bé phát triển chiều cao.

Về vấn đề đổ mồ hôi đầu, ngủ ít và không sâu giấc: có nhiều nguyên nhân, nhưng nếu bé vẫn ăn giỏi và hoạt động bình thường, không có biểu hiện bệnh khác em có thể cải thiện bằng các cách sau:
● Để phòng ngủ thoáng mát;
● Giữ cơ thể bé luôn mát mẻ, mặc quần áo rộng rãi, thấm hút mồ hôi;
● Cho bé uống nhiều nước mỗi ngày;
● Không nên ăn no trước khi ngủ 30-60 phút;
● Trong ngày em tập cho bé ăn ngủ có giờ giấc, ngủ ban ngày vừa đủ để bé có giấc ngủ ban đêm trọn vẹn;
Hy vọng vài thông tin chia sẻ trên sẽ giúp em được phần nào. Chúc bé nhà em ăn ngoan, chơi tốt, ngủ sâu giấc và đặc biệt là khỏe mạnh. Mến chào em!

Bé của em được 3 tháng 2 ngày, lúc sinh được 2,7kg. Tháng đầu và tháng thứ 2 bé tăng cân tốt, mỗi tháng 1,2kg. Nhưng bắt đầu từ tháng thứ thứ 2 tới nay bé không tăng cân, biếng bú. Bé trai, dài 61cm. Bé vẫn hoạt bát, tươi tỉnh, đang tập lật. Mong bác sĩ tư vấn trường hợp này.

Ngô Tường Anh, 31 tuổi, TP.HCM

BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang

Chào em,
Bé trai con em 3 tháng hơn, nặng khoảng 5,1 kg, dài 61 cm. Ở tháng tuổi này cân nặng dao động trong khoảng 5kg - 8kg, chiều cao trong khoảng 57.3cm - 65.5cm là bình thường. Như vậy, về chiều cao thì bé phát triển trong chuẩn bình thường, riêng cân nặng thì ở ngưỡng cần chú ý để can thiệp tìm nguyên nhân.
Có nhiều nguyên nhân khiến bé lười bú, như:
● Về phía bé:
○ Sức khỏe bé có vấn đề: bé bị nghẹt mũi, đau tai, đau họng, loét họng, nấm miệng hoặc đầy bụng, chướng bụng... Những bệnh lý này khiến bé không thoải mái khi bú sữa, khiến bé lười bú.
○ Có thể bé đang trong giai đoạn học tập kỹ năng mới như lật, nằm sấp... nên lười bú. Tuy nhiên tình trạng này cũng không kéo dài cả tháng.
● Về phía mẹ:
○ Dinh dưỡng: Nguyên nhân trẻ lười bú mẹ có thể do chế độ dinh dưỡng hàng ngày của mẹ thay đổi đột ngột, khiến sữa mẹ có vị lạ. Em nên tránh thức ăn có chứa quá nhiều gia vị, nặng mùi, quá cay hoặc quá chua vì có thể làm ảnh hưởng đến mùi vị sữa mà bé bú.
○ Hạn chế/ tránh thoa kem dưỡng lên vùng xung quanh bầu ngực, có thể tạo ra mùi khiến bé không thích.
○ Tốc độ tia sữa không đều: có thể tia sữa xuống quá mạnh khiến bé ngợp không kịp bú, hoặc nếu tia sữa quá yếu, bé cũng sẽ lười ti. Khi nhận thấy lượng sữa về quá nhiều, em có thể dùng 2 ngón tay kẹp sơ đầu vú để giảm lượng sữa, còn sữa ít thì em xoa bóp nhẹ nhàng cho sữa về.
● Ngoài ra tư thế bú không đúng cũng sẽ làm cho bé khó chịu. Em có thể thay đổi tư thế bú cho bé.
● Nếu bé bú sữa công thức mẹ có thể cân nhắc đổi sữa có vị bé thích.
● Em có thể cho bé bú thường xuyên hơn, tập cho bé bú ngủ đúng giờ, sau bú vỗ lưng hoặc ẵm cho bé ợ hơi, chú ý mặc đồ bé thoáng mát, thay tã thường xuyên tránh để bé khó chịu, cố gắng khiến bé cảm thấy thoải mái nhất lúc bé bú.

Nếu áp dụng những cách trên trong 1 tuần mà bé không cải thiện, em nên cho bé đi khám để bác sĩ tìm nguyên nhân và can thiệp sớm, tránh để bé bị suy dinh dưỡng. Chúc bé trai nhà em bú giỏi và khỏe mạnh! Thân chào em!

Cháu tôi năm nay 7 tuổi bị đái rát, đau khi đái. Xin hỏi bác sĩ cách chữa bệnh. Cảm ơn bác sĩ.

Pham Xuân Hồng, 70 tuổi, 229/55 F Bùi Đình Túy, P.24 Q.Binh Thanh

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa

Chào bạn,
Tiểu rát, đau khi đi tiểu thường là do bệnh lý đường tiết niệu, đa số là do nhiễm trùng tiểu, một số ít trường hợp do sỏi đường niệu, chấn thương niệu đạo (nếu là con trai) hoặc viêm âm hộ do xà phòng (nếu là con gái, nguyên nhân do một số xà bông tắm/ chất tạo bọt cho vào bồn tắm, hoặc trẻ sử dụng khăn lau sau khi đi vệ sinh có xà phòng có thể gây kích ứng làm vùng âm hộ bị đỏ và đau).

Dù là nguyên nhân gì thì trẻ bị tiểu đau đều cần phải được thăm khám và làm thêm xét nghiệm, đặc biệt là thử nước tiểu. Bạn nên đưa cháu đến bệnh viện để được thăm khám, thực hiện một số xét nghiệm, từ đó bác sĩ sẽ có hướng điều trị và chăm sóc thích hợp,
Thân chào bạn!

Chào Bác sĩ,
Con gái em 5 tuối rưỡi, nặng 18 kg, khoảng 1 tháng nay bé cứ đi tiểu liên tục 10 -15 phút một lần. Trước khi đi ngủ buổi tối thì mỗi 5 phút lại đi, đi cả chục lần thì mới chịu ngủ, em chưa cho bé đi khám được. Kính mong bác sĩ tư vấn và cho toa thuốc ...

Nguyễn Thị Thuý Phượng, 45 tuổi, 30 Nguyễn Văn Trỗi Đả Lạt

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa

Chào bạn! Xin cám ơn những thông tin bạn đã chia sẻ về tình trạng của con bạn.

Tình trạng bé đi tiểu liên tục mỗi 5-10 phút, nhưng bạn không cho biết cháu có bị đau khi đi tiểu không? nước tiểu có màu gì? lượng nước tiểu mỗi lần bé đi tiểu. Nếu cháu thường xuyên đi tiểu nhưng mỗi lần chỉ có ít nước tiểu không kèm theo đau rát khi đi tiểu nhiều khả năng bé bị rối loạn đi tiểu dạng tiểu lắt nhắt ban ngày. Triệu chứng của tiểu lắt hắt ban ngày là trẻ cảm thấy muốn đi tiểu nhiều hơn bình thường, trẻ có thể đi vệ sinh 15 phút đến nửa giờ một lần, và mỗi lần chỉ có một ít nước tiểu.

Nguyên nhân gây ra tình trạng này thường là do tâm lý, trẻ có thể cảm thấy căng thẳng trước một thay đổi lớn trong cuộc sống, chẳng hạn như lần đầu tiên đi học, có thay đổi môi trường sống, hay thay đổi thành viên trong gia đình... Một số ít trẻ có triệu chứng tiểu lắt nhắt do tăng lượng calci trong nước tiểu, rối loạn lo âu hay mắc một số bệnh lý thận, thần kinh.

Nếu con bạn chỉ có biểu hiện tiểu lắt nhắt đơn thuần, không kèm theo các dấu hiệu bất thường khác như đau khi đi tiểu, nước tiểu nặng mùi, sẫm màu hoặc có màu bất thường, sụt cân, uống quá nhiều nước gây tiểu nhiều,... bạn có thể tìm hiểu thêm xem có vấn đề gì làm cho bé bị căng thẳng dẫn đến tình trạng tiểu lắt nhắt không.

Nếu tình trạng tiểu lắt nhắt còn kéo dài, khi tình hình dịch ổn định, bạn nên cho bé đi khám bác sĩ để có chẩn đoán và hướng can thiệp phù hợp. Trong trường hợp bé có các biểu hiện bất thường khác đi kèm, bạn nên thu xếp cho bé đi khám sớm để tìm nguyên nhân và có hướng điều trị cho bé. Thân chào bạn!

Xin chào bác sĩ, con tôi năm nay 8 tuổi, da bé hơi xanh xao nhưng thỉnh thoảng da bé trở nên vàng vọt đến mức tôi giật mình. Bé rất hay bị ợ hơi và xì hơi rất to. Ngoài ra bé còn hay tằng hắng và nhổ nước bọt. Tôi rất lo không biết bé có bị thiếu máu, thiếu chất gì ...

Tran Thi Hoang Minh, 37 tuổi, 12/3 Dang Minh Khiem, Q11, Tp HCM

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa

Chào bạn,
Xin chia sẻ với những lo lắng của bạn. Bé có nhiều triệu chứng ở các cơ quan khác nhau, và các triệu chứng này là biểu hiện của một bệnh hay nhiều bệnh đi kèm thì cần phải có thêm thông tin và thăm khám bé trực tiếp mới có thể có hướng chẩn đoán.

Nếu bé bị thiếu máu nặng cũng có thể có biểu hiện đường tiêu hóa với các triệu chứng như nhợn ói, khó tiêu... Mặt khác, có những bệnh đường tiêu hóa có thể làm cho bé thiếu máu và có biểu hiện tằng hắng và hay khạc nhổ.

Tuy nhiên không phải tất cả các bệnh lý đường tiêu hóa đều cần phải nội soi mà bác sĩ phải thăm khám, khai thác thêm một số thông tin trước khi quyết định cần cho bé làm xét nghiệm gì. Do đó, khi điều kiện cho phép, bạn nên đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ tư vấn cụ thể cho trường họp của bé. Mến chào bạn!

Dạ bác sĩ cho em hỏi bé gái nhà em năm nay được 8 tuổi, bé hay kêu đau lưng, nhất là vào buổi tối khi đi ngủ bé hay kêu đau dọc sống lưng, tuy bé còn nhỏ nhưng mỗi lần bé duỗi người chéo chân là lưng kêu rộp rộp, mặc dù bé không vận động nhiều, không mang đồ nặng và ...

Phan Hoài Phương, 39 tuổi, 153/7a Linh Đông, Thủ Đức

BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang

Chào em,
Có nhiều nguyên nhân gây ra đau lưng ở trẻ em như căng cơ, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống, nứt đốt sống, cong vẹo cột sống hoặc bệnh lý toàn thân ...
Bé con em 8 tuổi, thường nguyên nhân đau lưng sẽ tập trung vào những nhóm bệnh sau:
● Nhiễm trùng - ở trẻ dưới 10 tuổi hay gặp các nguyên nhân sau: Nhiễm trùng đĩa đệm, viêm tủy xương, viêm bể thận, nhiễm trùng sau phúc mạc...
● Rối loạn bẩm sinh (ví dụ vẹo cột sống).
● Các bệnh ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể như: bệnh hồng cầu hình liềm, viêm khớp thiếu niên thể ít khớp...
● Hiếm gặp: bệnh lý ác tính, u xương hoặc tủy sống.
Trong đó nhóm bệnh nhiễm trùng và ung thư thường sẽ gây đau về đêm.
Em nên đưa con đến bệnh viện ngay khi có những dấu hiệu sau:
● Tình trạng đau lưng kéo dài hơn bốn tuần.
● Đau lưng khiến bé không thể làm được mọi việc.
● Nếu bé cảm thấy mệt mỏi và / hoặc sốt hoặc sụt cân.
● Nếu cơn đau ngày càng nặng hơn.
● Nếu bé có cảm giác tê hoặc yếu chân.
● Nếu phát hiện cột sống bất thường (cong, vẹo).
● Nếu bé bị cứng khớp hoặc khó cử động.
Trong thời gian đợi sắp xếp đưa bé đi khám, em tạm thời có thể cho bé uống Paracetamol để giảm đau (liều lượng nếu em không rõ, em sẽ liên hệ với tổng đài để cung cấp cân nặng, bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể).
Hy vọng bé được thăm khám sớm để tìm ra nguyên nhân, giúp bé có giấc ngủ ngon và khỏe mạnh. Thân chào em!

Kính gửi bác sĩ! Bác sĩ cho e hỏi về tình trạng của con em như sau:
- Số tuổi: 64 tháng, con trai
- Cân nặng: 16.5 kg
- Chiều cao: 108 cm
- Ăn uống: mỗi bữa ngoài thức ăn, rau cháu ăn được 1 bát cơm đầy, uống sữa, sữa chua và hoa quả
- Tuổi xương cổ tay tương đương ...

Phạm Thị Hồng Hiệp, 41 tuổi, 16 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

BSNT Phan Thị Thu Minh

Xin chào bạn,
Bé trai của bạn 64 tháng, bé nặng 16,5 kg, cao 108 cm và bé đã được đo tuổi xương tương đương với tuổi thực là 28 tháng, như vậy là bé có chậm tăng trưởng. Chúng tôi chưa thể xác định được nguyên nhân vì sao bé lại bị chậm tăng trưởng chỉ qua những thông tin bạn đã cung cấp, bạn cần đưa bé tới thăm khám với bác sĩ để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng của trẻ.

Nguyên nhân liên quan đến vấn đề tăng trưởng rất đa dạng, có thể do bé thiếu hormone tăng trưởng, hoặc bé mắc các bệnh nội tiết, chuyển hoá di truyền khác gây nên, nguyên nhân có thể đến từ các cơ quan khác trong cơ thể như bé có bệnh lí ở cơ quan tim mạch, thận, huyết học, tiêu hoá, nhiễm trùng mạn tính, nhiễm kí sinh trùng mạn tính. Việc tiên lượng chiều cao tuổi trưởng thành của bé phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân gây ra tình trạng chậm tăng trưởng của trẻ. Vì vậy bạn cần đưa bé đi khám sớm để có thể bảo toàn và giúp bé tăng trưởng tốt.

Chúc bé của bạn chóng lớn.

Con em 10 tháng 14 ngày, cháu cân nặng 9kg. Hiện nay cháu bị đi ngoài, ngày đi 2 lần, phân lúc lỏng lúc sệt, màu vàng sậm. Đi xét nghiệm phân thì không thấy nhiễm khuẩn gì, các chỉ số bình thường chỉ có hạt mỡ là ++. Cháu bị tình trạng như trên đã lâu. Lúc đầu là do cháu uống kháng ...

Vũ Thị Thương, 34 tuổi, TP Nam Định

BSNT Phan Thị Thu Minh

Chào bạn,
Bé của bạn 10 tháng 14 ngày, nặng 9 kg, như vậy cân nặng của bé rơi vào khoảng bình thường. Nhưng việc đánh giá sự tăng trưởng của trẻ ngoài căn cứ vào một thời điểm cắt ngang so với biểu đồ tăng trưởng chúng ta cần theo dõi cả quá trình của bé. Nếu trong vòng 3 tháng nay bé không tăng cân, bạn cần đưa bé đến với bác sĩ.

Việc bé đi ngoài ngày từ 3 lần trở nên mới được định nghĩa bé có tiêu chảy, do vậy bé của bạn xét nghiệm phân không có nhiễm khuẩn cũng rất hợp lí, vì nếu có nhiễm khuẩn trong phân bé sẽ đi nhiều lần hơn, xét nghiệm phận của bé có hạt mỡ, bạn cần cho chúng tôi xem hình ảnh phân, xem thật sự về mặt đại thể phân của bé có phù hợp với lâm sàng không, và bé có không tăng cân hay sụt cân hay không để chúng tôi định hướng tìm nguyên nhân cho bé.

Chỉ số vi khuẩn gram âm 20%, gram dương 80%, tức là bé có loạn khuẩn, nguyên nhân có thể do kháng sinh, hoặc chế độ ăn chưa hợp lí với bé. Và nếu bạn dừng kháng sinh, và bạn điều chỉnh chế độ ăn phù hợp bé của bạn sẽ nhanh chóng hết loạn khuẩn bạn nhé.

Việc bạn uống sữa dành cho trẻ tiêu chảy bạn chưa nói rõ, nếu bạn uống sữa không có đường lactose gọi là free lactose, thì khi bạn dừng sữa bạn phải giảm từ từ rùi mới dừng hẳn bạn nhé. Nếu bạn dùng sữa đạm thuỷ phân là sữa dành cho bạn dị ứng đạm sữa bò thì chỉ trong trường hợp con bạn dị ứng với đạm sữa bò thì việc dùng sữa mới cải thiện được tình trạng đi ngoài của con bạn. Nếu con bạn đi ngoài ngày 2 lần phân vàng lúc sệt lúc nước, mà con vẫn tăng cân bình thường thì bạn không lo ngại bạn nhé, việc này cũng phổ biến ở các bé. Chúc bé của bạn hay chóng lớn hết đi ngoài phân lỏng bạn nhé. Cảm ơn bạn đã tin tưởng chúng tôi.

Em có sàng lọc sau sinh cho trẻ nhỏ, và nhận được kết quả "Nguy cơ cao" bị thiếu men G6PD và cần xét nghiệm khẳng định lại. Cho em hỏi nếu bị bệnh này trẻ nhỏ có biểu hiện và biến chứng gì về sau không ạ?

Dao Kim Cuc, 26 tuổi, Lao Cai

TS.BS Đỗ Hữu Thiều Chương

Chào anh chị,
Bé cần được xét nghiệm để xác định chẩn đoán thiếu men G6PD. Trong trường hợp bé thực sự thiếu men G6PD, bé hoàn toàn có thể phát triển bình thường miễn là được chăm sóc đúng cách để tránh nguy cơ bị tán huyết. Khi bé trong giai đoạn bú sữa mẹ, mẹ cần hạn chế sử dụng thuốc hoặc thức ăn không dùng được cho người thiếu men G6PD (đậu fava, và các loại đậu khác, một số loại kháng sinh, thuốc hạ sốt giảm đau, gia đình không nên dùng băng phiến ở nhà,...).

Bé cần được tiêm chủng đầy đủ, và được giữ vệ sinh trong chăm sóc để hạn chế mắc các bệnh nhiễm trùng. Gia đình không nên tự ý mua thuốc cho bé mà nên hỏi ý kiến bác sĩ. Và khi bé lớn, gia đình nên thông báo tình trạng thiếu men G6PD của con cho nhà trường và các tổ chức. Anh chị có thể cho bé mang theo danh sách các loại thuốc và thực phẩm cần tránh cho người thiếu men G6PD để mọi người lưu ý giúp bé. Khi bé có tình trạng da xanh xao, vàng da, tiểu sậm màu,... do tán huyết vì thiếu men G6PD, gia đình nên cho bé đến ngay cơ sơ y tế khám và theo dõi kịp thời. Thân mến!

Xin chào bác sĩ, cháu tôi 30 tháng cao 85cm nặng 12,5 kg. Cháu rất lười ăn, ngủ tốt, mẹ cháu nuôi theo phương pháp easy, sinh hoạt theo chuẩn. Mong bác sĩ tư vấn cho tôi làm sao cháu ăn được nhiều hơn ạ . Xin cám ơn bác sĩ.

Phạm hoàn, 62 tuổi, Hoàng quốc việt hà nộ

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương

Xin chào bạn.
Việc bạn nuôi con theo phương pháp EASY chứng tỏ bạn là một bà mẹ hiện đại, và đã bỏ rất nhiều thời gian tìm hiểu việc nuôi con, lợi ích của việc nuôi theo phương pháp này sẽ giúp bạn thiết lập được một thời gian biểu sinh hoạt nề nếp có nhịp điệu cho bé, và giúp bé:

Thứ 1: tập thói quen ăn uống tốt, ăn lúc đói, không ăn vừa ăn vừa chơi;

Thứ 2: giúp bé ngủ đúng thời điểm, dễ đi vào giấc ngủ, ngủ đủ ban ngày cũng như ban đêm; Thứ 3: giúp bé kết nối với mẹ, có khả năng chủ động thể hiện nhu cầu bản thân.

Việc bé của bạn ngủ tốt là dấu hiệu rất tốt, chúc mừng bạn. Bé của bạn lại rất lười ăn đó là vấn đề cẩn thảo luận rõ hơn. Trước tiên phải xem lại bạn đã thật EASY chưa, tức là bé có ăn lúc đói thật sự hay không, bé 30 tháng một ngày thường sẽ có 5 bữa gồm 3 bữa chính và 2 bữa phụ, khoảng cách từ bữa chính với bữa phụ ít nhất là 2h-3h.

Và đôi khi có tuần wonder week bé có thể biếng ăn sinh lý bạn nhé. Việc thứ 2 là cần định nghĩa rõ ràng bé có biếng ăn không, bé sẽ biếng ăn khi ít nhất có 2 dấu hiệu trong các dấu hiệu sau: trẻ ăn ít hơn ½ khẩu phần ăn theo tuổi, hoặc bữa ăn kéo dài quá 30 phút, trẻ từ chối khóc lóc, gào thét chạy trốn, nôn oẹ khi thấy đồ ăn, trẻ ngậm thức ăn không nuốt, không tăng cân trong vòng 3 tháng liên tục.

Bé của bạn 30 tháng cao 85 cm, năng 12,5 kg, như vậy là bé có chiều cao thấp hơn chuẩn, cân nặng vẫn trong giới hạn bình thường, nhưng nếu tốc độ tăng trưởng thấp thì bé của bạn dễ nhanh chóng rơi vào vùng nhẹ cân.

Vậy bạn xem lại việc có bị áp lực quá về cân nặng chiều cao, biếng ăn của bé không, nếu có bạn nên đổi người khác cho bé cho ăn, những "bác" mát tay khi chăm trẻ con sẽ có thể giúp ích cho bạn. Bạn xem lại cách cho bé ăn có đa dạng các thành phần khẩu vị cho bé không nhé. Bạn xem con bạn đã vận động đủ chưa, nhiều khi vận động thiếu đứa trẻ sẽ không cảm giác đói đâu.

Và nếu bé không cải thiện nhanh chóng chiều cao, và việc lười ăn bạn buộc phải đến gặp bác sĩ để tìm các nguyên nhân thực thể về một số bệnh liên quan đến biếng ăn, và đánh giá việc việc thiếu vi chất của trẻ có hay không bạn nhé. Chúc bé của bạn hay ăn chóng lớn nhé. Cảm ơn bạn đã tin tưởng chúng tôi

Bé trai nhà em được 17 tháng, bé cao gần 80cm, nặng 11kg, mới mọc được 6 răng và thóp chưa đóng hết, liệu bé có đang bị thiếu canxi không ạ?

Phạm Thị Thu Hiền, 33 tuổi, Mễ Trì- Nam Từ Liêm - Hà Nội

BSNT Phan Thị Thu Minh

Bé trai 17 tháng nặng 11 kg, cao 80 cm được đánh giá là phát triển bình thường, trong thông tin bạn cho là gần 80 cm thì được rõ ràng, nếu bé trai 17 tháng 77 cm thì sẽ bị thấp còi, nếu bé được 82 cm là chiều cao trung bình, khoảng 77-82 cm là khoảng -2SD trung bình, trên biểu đồ tăng trưởng là khoảng bình thường.

Nhưng để đánh giá thêm về các chỉ số chiều cao cân nặng bạn cần theo dõi dọc em bé, một thời điểm cắt ngang cũng chưa đủ thông tin đánh giá, khi theo dõi dọc nếu chiều hướng tăng trưởng đi lên là dấu hiệu tốt, đi ngang trong 3 tháng liền bạn nên đưa bé đến bác sĩ.

Bé thường bắt đầu mọc rang lúc 6-8 tháng, khi 17 tháng thông thường sẽ có 11-13 chiếc răng. Bé của bạn có 6 chiếc răng là hơi ít so với bình thường, nhưng chưa đủ chứng cứ nói bé bị thiếu canxi. Bé thường đóng thóp vào 12-18 tháng, bé của bạn 17 tháng chưa đóng thóp nhưng thóp còn rất bé và đóng vào 18 tháng thì bạn không có gì phải lo ngại về cái thóp.

Nhưng nếu 17 tháng thóp bé còn rộng rõ ràng, thì bạn cần đánh giá thêm chỉ số vòng đầu của bé, việc đo vòng đầu gọi là chu vi đầu là đo phần rộng nhất của trán, ngay sát trên tai, điểm giữa chỗ gồ cao nhất phía sau đầu, gọi là ngang ụ chậm phía sau, cho kết quả, nhưng bạn lưu ý nhé vì không để ý các điểm đo, dễ cho kết quả sai, thường việc đo dành cho những bạn nhân viên y tế đã thực hành nhiều lần ít sai sót hơn.

Bé 17 tháng chu vi vòng đầu thường 45-50 cm, nếu chu vi đầu quá to hơn hoặc nhỏ hơn, bạn cần đưa bé đến khám với bác sĩ. Thực tế có một số bạn chu vi đầu to giống bố hoặc mẹ nhưng phát triển mọi mặt về tinh thần vận động vẫn bình thường. Việc bé mọc răng ít, thóp rộng bé có thể bị thiếu canxi hoặc vitamin D, nhưng không thể khẳng định ngay bé thiếu canxi, vì nếu bé có trương lực cơ bình thường, và các mốc vận động vẫn trong chuẩn thì có nhiều bé không thiếu gì cả. Vả lại có bé chỉ thiếu vitamin, không thiếu canxi, nên bạn cần đưa bé đến bác sĩ kiểm tra cụ thể, và nếu cần thiết sẽ làm các xét nghiệm kiểm trac ho bé. Bạn tuyệt đối không tự bổ sung canxi cho trẻ.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng chúng tôi, chúc hai mẹ con một ngày vui khoẻ, bé hay ăn chóng lớn.

Con trai tôi 14 tuổi, dạo gần đây cháu cứ ăn vào là bị đau bụng đi ngoài. Tôi muốn hỏi bác sĩ cháu bị như vậy là dấu hiệu bệnh gì ạ? Cháu cần đi khám bệnh gì?

Trần Thị Huyền, 40 tuổi, 11 Võ Thị Sáu Ngô Quyền - Hải Phòng

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương

Xin chào bạn, bạn cần cho chúng tôi biết cháu nhà bạn bị đau bụng bao lâu rồi, phân bé đi như thế nào? Đi ngoài xong còn đau bụng không? Có nôn không? Đau bụng vùng nào? Nhà có ai bị dạ dày không? Cháu có lo lắng thi cử không? Chúng tôi cần biết tất cả triệu chứng trên để xem cháu đau bụng cấp hay mạn mới khu trú được nguyên nhân.

Đau bụng còn cần khám xem có gì đặc biệt không nữa. Nên tốt nhất bạn nên mang con đi khám vì có những nguyên nhân rất đơn giản như hội chứng ruột kích thích nhưng cũng có khi có các nguyên nhân cần điều trị như viêm dạ dày hoặc nguyên nhân cần can thiệp phẫu thuật như nang niệu rốn, lồng ruột mạn... Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi, thân mến!

Em bị động kinh 20 năm nay, em đang điều trị tại bệnh viện Tâm Anh được 2 năm. 2 năm nay em không có cơn. Đợt vừa rồi, em lấy chồng, cũng đang muốn có con. Dịch như thế này, em không lên khám được. Em muốn hỏi bác sĩ giờ em muốn có bầu thì nên đổi thuốc nào ạ. Em thuộc ...

Phạm thị hiên, 32 tuổi, Bồ xuyên ,thái bình

PGS.TS.BSCKII Nguyễn Văn Liệu

Chào bạn,

Để có thể tư vấn chính xác hơn, chúng tôi cần biết thông tin loại thuốc bạn đang sử dụng. Bạn đã dùng thuốc 2 năm nay rồi nếu chưa đi khám lại thì cũng nên làm xét nghiệm máu để xem tình trạng hiện tại thế nào, có vấn đề gì không. Nếu không xuống khám được tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thì bạn có thể đến bệnh viện tỉnh có khoa thần kinh để được tư vấn và chỉ định thay/giảm liều thuốc, không nên tự ý giảm liều hay đổi loại thuốc khác.
Chúc bạn sức khỏe.

Thưa bác sĩ, con em 2 tuổi rưỡi bé bị ngứa trên da, ngứa hết cả người rất nặng, nhất là ban đêm, da của bé lúc ngứa thi màu đỏ, có cái thì giống như mụn bọc. Xin hỏi bác sĩ có thuốc nào để bôi cho bé đỡ ngứa và giúp da bé được bình thường trở lại không. Xin cảm ơn ...

Sang lam, 37 tuổi, 417 Trần Hưng Đạo B, Phường 14 Quan 5

BS.CKI Ngô Hà Lệ Chi

Chào bạn,
Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến chúng tôi. Qua những gì bạn cung cấp thì có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng da của bé như: nhiễm trùng da, viêm da cơ địa, dị ứng đạm sữa bò,...

Tuy nhiên thông tin bạn chia sẻ quá ít chúng tôi chưa nắm rõ được tình trạng da của bé: Không biết tình trạng da bé bị nổi mẩn ngứa liên tục hay có khi nào tự biến mất không? Tình trạng này của bé xuất hiện từ lúc nào? Sang thương da tập trung nhiều nhất ở những vị trí nào? Tình trạng viêm mủ có nhiều không? Nơi bé ngủ, chơi có thông thoáng, có lẫn lông thú mèo, mặt nhà có hay nấm mốc không? Bạn có mới đổi sữa hay thay đổi chế độ ăn của bé hay không? Bé có kèm sốt, biếng ăn, rối loạn giấc ngủ không?...

Hiện chúng tôi không thể kết luận con bạn là nguyên nhân gì? Tuy nhiên, nếu thể trạng bé khỏe mạnh, chơi giỡn, ăn, bú bình thường, tăng cân tốt, ngủ được, chăm sóc da cho bé đúng cách có thể giảm bớt tình trạng ngứa của bé tại nhà:
- Vệ sinh tắm rửa nước ấm cho bé để giảm ngứa, và tránh bội nhiễm, không tắm lá, đắp lá, hay thuốc gì lên sang thương, sử dụng các loại sữa tắm dịu nhẹ, tránh dùng xà phòng.
- Mặc đồ thông thoáng, thoát mồ hôi, vệ sinh tay chân và môi trường sống xung quanh bé
- Lựa chọn thực phẩm phù hợp với bé: tránh các thức ăn gây dị ứng, gây bé ngứa nhiều hơn, da nổi mẩn đỏ nhiều hơn, bạn nên theo dõi thử từng món ăn và theo dõi tình trạng da của bé đáp ứng như thế nào.
- Ăn đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung nhiều nước, nâng cao đề kháng.
- Vệ sinh sạch sẽ bàn tay của bé, không để móng tay dài, ngứa sẽ khiến bé gãi nhiều và làm cho tình trạng viêm da của bé trở nên nặng hơn, thậm chí gây nhiễm trùng, có thể đánh lạc hướng sự tập trung chú ý của bé khi bé đang ngứa và gãi nhiều, như chơi trò chơi, xem TV,... - Thường xuyên sử dụng kem dưỡng ẩm ít gây kích ứng da.

Nếu tình trạng da bé không cải thiện, ngứa, khó chịu, nhiều mụn mủ da hoặc kèm sốt, sang thương da chảy dịch, nứt nẻ,... Bạn nên đưa bé đi khám ngay khi có thể. Bác sĩ có thể phải kê thuốc cho bé uống và thuốc bôi để giảm viêm ngứa, và tìm nguyên nhân cho bé.