VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ sáu, 20/9/2024

Vợ em mới sanh em bé được 3 tháng, mới vừa tiêm vaccin AstraZeneca, sau đó 1 tuần thì bị vết thương ở chân phải uống thuốc kháng sinh, cho em hỏi uống thuốc kháng sinh như vậy có làm giảm tác dụng của vaccine không? em cảm ơn.

Bon, 30 tuổi, Phạm Hùng, phường 4, quận 8, TP.HCM

BS.CKI Trần Nguyễn Phương An

Chào bạn,
Việc sử dụng kháng sinh sau 1 tuần tiêm vaccine AstraZeneca không làm ảnh hưởng đến tác dụng của vaccine. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc kháng sinh cần theo đúng toa hướng dẫn của bác sĩ. Bạn cần theo dõi thêm sức khỏe của vợ và nếu có bất thường nên đến bệnh viện khám ngay và mang theo các loại thuốc đang sử dụng nhé.

Chúc bạn sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Thai của em được 21 tuần tuổi, em mới chích ngừa uốn ván hôm 12/8/2021. Đã siêu âm hình thái học bình thường. Cho em hỏi em có thể chích vaccin ngừa COVID-19 vào thời điểm nào? Có ảnh hưởng gì tới em bé sau này không?

Thu Hà, 32 tuổi, Tân Bình

BS.CKI Trần Nguyễn Phương An

Chào em, sau tiêm ngừa uốn ván, em vẫn có thể tiêm vaccine ngừa Covid-19 được nhé. Hiện nay chưa có dữ liệu nào trên thế giới khẳng định vaccine ngừa Covid-19 gây ảnh hưởng đến thai.

Chúc em sức khỏe!

Bác sĩ cho em hỏi. Con gái em được 1 tháng 13 ngày, lúc sinh bé được 2,8kg đến bây giờ tăng được lên 4kg thôi. Bé bú sữa công thức gần như hoàn toàn, mỗi cữ bú rất ít chỉ khoảng 50,60ml có khi 30ml thôi. Cách cỡ 2,3 tiếng bú một cữ. Em muốn tăng lượng sữa bé bú lên từ từ ...

Tứ Phương, 32 tuổi, Đồng Nai

BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang

Chào em,
Trong 3 tháng đầu sau sinh, trẻ có thể tăng 1kg/ tháng. Tuy nhiên con gái em sanh 2,8kg, hiện tại gần 1,5 tháng bé được 4kg vẫn trong tốc độ tăng trưởng bình thường và cần theo dõi thêm cân nặng những tháng tiếp theo. Bé 1-2 tháng tuổi, lượng sữa bú mỗi cữ có thể dao động từ 60 – 90 ml/ cữ, mỗi 3-4 giờ; như vậy lượng sữa con em bú là khá ít. Để tăng lượng sữa mỗi cữ, em cần chú ý những yếu tô sau: tư thế ngậm bình vú của bé, kích cỡ núm vú phù hợp với bé, bé có phù hợp với sữa đang bú không, và quan trọng là em nên cho bé đi kiểm tra tổng quát xem bé có bệnh lý gì (như tai mũi họng, tim mạch...) khiến bé không bú đủ lượng sữa.

Những triệu chứng như vặn mình, giật mình, tóc dựng đứng,... như em mô tả chưa chắc là triệu chứng thiếu canxi. Đây có thể là biểu hiện của giai đoạn thích nghi của trẻ với môi trường ngoài tử cung, ngủ không sâu giấc có thể do bé chưa đủ lượng sữa, ... Tạm thời giai đoạn này chưa đến bệnh viện thăm khám được em không nên bổ sung Canxi cho bé, em nên cố gắng tìm nguyên nhân và điều chỉnh để lượng sữa bé bú mỗi cữ tăng dần. Hy vọng bé phát triển tốt như em mong đợi! Thân chào em!

Em sinh em bé được 3 tháng. Em đang nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn. Vậy khi em chích vaccine Covid-19 về có ổn không? Em có thể dùng những loại thuốc hạ sốt không? Những loại thuốc nào không ảnh hưởng đến việc cho trẻ bú ạ? Khi em chích vaccine về vẫn cho bé bú bình thường được không? Bé có ...

Út Như, 28 tuổi, Xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa

Chào bạn,
Trước tiên, xin có lời khen ngợi bạn đã cho bé bú mẹ hoàn toàn vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, giúp trẻ đạt mức tăng trưởng tối ưu về thể chất và phát triển trí não. Không chỉ cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển chiều cao và não bộ, trẻ bú sữa mẹ ít có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng do trong sữa mẹ có kháng thể có thể giúp bảo vệ trẻ khi sức đề kháng của trẻ còn yếu.

Mặc dù có một số loại thuốc hoặc vaccine không được khuyên dùng trong thời kỳ cho con bú vì chúng có thể truyền qua sữa mẹ và ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh; tuy nhiên, các thông tin khoa học hiện nay cho thấy các vaccine Covid-19 đang được sử dụng an toàn với bà mẹ và cho trẻ đang bú mẹ.

Bạn đang cho con bú và được chích vaccine, ngoài vấn đề lợi ích phòng ngừa bệnh Covid-19 cho bạn thì lợi ích còn có thể cho con bạn đang bú mẹ. Đây là lợi ích kép khi chích vaccine.Theo các nghiên cứu khoa học hiện nay, kháng thể được tạo ra từ người mẹ sau khi tiêm vaccine Covid-19 có thể được truyền qua dòng sữa để đến được đứa con đang bú mẹ và giúp bảo vệ trẻ.

Sau khi chích vaccine về bạn vẫn có thể cho bé bú bình thường. Nếu bạn có một số biểu hiện như sốt, nhức đầu, nhức mỏi cơ thể sau khi chích vaccine thì bạn có thể sử dụng các loại thuốc thuộc nhóm Acetaminophen để làm giảm triệu chứng; thông thường các triệu chứng này sẽ biến mất trong vòng 36- 48 giờ.

Chúc bạn sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP.HCM: 028 7102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế thì phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên mới được tiêm vaccine, nhưng em lỡ chích vaccine Covid-19 của AstraZeneca mũi 2 xong đc 2 ngày rồi mới phát hiện mình đã có thai, và hiện tại thai đc 7 tuần. Vậy có ảnh hưởng gì đến bé sau và gây dị tật gì ...

Thaotungphuong91, 30 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội

Xin chào bác sĩ, em sinh con được hai tháng, em bé đang ăn bình thường thì tự nhiên em bé cứ ăn được một nửa thì không ăn nữa mặc dù em bé vẫn còn đói mà làm cách nào cũng không để bé ăn tiếp được. Em rất lo lắng không biết bé nhà em bị làm sao, mong bác sĩ tư ...

Huỳnh thị diệu Hiền, 32 tuổi, C1-303 ccan suong pthtq12

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa

Chào bạn!
Rất chia sẻ với tình trạng con bạn đang gặp phải. Về tình trạng con của bạn đang bú bình thường tự nhiên bú ít đi hay bỏ bú có rất nhiều nguyên nhân gây ra, có thể về phía bé hoặc về phía mẹ. Để giúp bé bú hiệu quả, bạn nên chú ý một số vấn đề. Bạn nên cho trẻ bú khi trẻ đói (dấu hiệu trẻ muốn bú: trẻ nằm không yên, há miệng, quay đầu sang hai bên, đưa lưỡi ra vào, mút ngón tay....) và đảm bảo bà mẹ và bé đều ở tư thế thoải mái, thư giãn. Bạn có thể kiểm tra bé bú mẹ đủ và hiệu quả hay không qua các dấu hiệu: bé tự tỉnh giấc đòi bú khoảng 8-12 lần/ngày, tiểu 5-6 tã/ngày, Bé lên cân, phát triền chiều dài phù hợp tuổi. Bạn cần chú ý tránh cho bé bú vặt, bú lắt nhắt, trẻ sẽ bú không hiệu quả, và nếu trẻ bú mẹ thì không tận dụng được tối ưu dòng sữa cuối của mẹ để tăng cân. Ngoài ra bạn nên chọn không gian yên tĩnh, thông thoáng, tránh kích thích gây tiếng ồn.

Một số bé có bệnh lý đi kèm như nghẹt mũi, chướng bụng, táo bón... cũng có thể gây khó khăn cho bé trong việc bú mút hoặc cản trở việc bú liên tục cữ bú. Nếu bạn thấy bé có các bieur hiện bất thường kèm theo thì nên cho bé gặp bác sĩ để được thăm khám và được tư vấn điều trị. Hi vọng những chia sẻ ở trên có thể giúp ích cho bạn.

Xin chào bác sĩ, con em năm nay 3 tuổi, 4 hôm nay bé đi phân lỏng có máu, sau đó đi phân sệt ngày 2 lần. Em có mua thuốc về cho bé uống nhưng không khỏi. Trường hợp bé nhà em như vậy có sao không thưa bác sĩ.

Kim Quyên, 34 tuổi, Tp hcm

BS.CKI Phạm Ngọc Tường Vy

Chào bạn! Xin cám ơn những thông tin bạn đã chia sẻ về tình trạng của con bạn.

Con bạn 3 tuổi, đi phân lỏng có máu 4 hôm nay, sau đó đi phân sệt ngày 2 lần. Bạn không đề cập đến những dấu hiệu nguy hiểm nào khác thì chắc bé vẫn ăn uống và sinh hoạt bình thường. Với tình trạng của con bạn, có thể bé đi phân máu do một số nguyên nhân sau đây:
- Hậu môn trẻ có vết nứt: vùng hậu môn của trẻ mỏng và dễ bị tổn thương, do vậy có thể xuất hiện vết nứt. Nếu hậu môn xuất hiện vết nứt ở niêm mạc, trẻ có thể sẽ đi ra ngoài ra chất nhầy kèm theo máu. Tình trạng này sẽ biến mất nếu vết nứt không còn ở hậu môn.
- Dị ứng thực phẩm: do ăn phải đồ ăn không phù hợp cũng có thể khiến trẻ đi ngoài ra nhầy và máu.

Trong tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp và nếu con bạn không có những dấu hiệu nguy hiểm nào khác, bé đã tiêu lại phân sệt 2 lần/ ngày, ăn uống sinh hoạt bình thường thì bạn có thể theo dõi con tại nhà và làm một số cách để khắc phục tình trạng bệnh của bé như:
- Cho trẻ ăn chín, uống sôi, ăn các thực phẩm sạch sẽ, bổ sung nước lọc, hoa quả cho trẻ.
- Không cho trẻ ăn đồ ăn có dấu hiệu ôi thiu, không để ruồi bám vào thức ăn.
- Dạy con rửa tay thường xuyên và đúng cách trước khi ăn.
- Đảm bảo môi trường xung quanh trẻ luôn vệ sinh sạch sẽ.

Tuy nhiên bạn cần theo dõi sát các biểu hiện của con, xem con có bị đau bụng, sốt, mệt mỏi và mất nước, đi tiêu phân nhiều máu hơn thì cần đưa bé đến bệnh viện ngay để thăm khám vì ngoài các nguyên nhân vừa kể trên tiêu máu ở trẻ em còn có thể gặp ở một số bệnh lý tiêu hóa nguy hiểm như kiết lỵ, lồng ruột, viêm đại tràng, tiêu chảy do vi trùng..
Chúc bạn sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Xin chào bác sĩ, em mới phát hiện có thai được khoảng 7 tuần và có triệu chứng nghén liên tục. Ngửi mùi gì cũng buồn nôn và rất khó ăn uống. Em lại có tiền sử đau dạ dày nữa. Mong bác sĩ tư vấn giúp cách khắc phục ạ. Em xin cảm ơn.

Thảo Phúc, 26 tuổi, TP. Thủ Đức, TP. HCM

BS.CKI Trần Nguyễn Phương An

Chào bạn,
Nghén là một triệu chứng thường gặp ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu. Để giảm nghén, bạn có thể áp dụng một số cách sau: Chia nhỏ cử ăn với lượng ít, uống nước ấm, có thể uống trà gừng hoặc ngậm kẹo gừng, không ăn các món có mùi tanh, món ăn sống, tái.

Bạn nên đến khám để được kiểm tra chính xác tình trạng thai và nghén, nếu cần thiết bác sĩ sẽ kê thêm thuốc nghén trong thai kỳ cho bạn. Trong giai đoạn đầu thai kỳ bạn nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt acid folic, calci, sắt...

Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.

Em đang mang thai 18 tuần tuổi, đi khám thai bác sĩ nói em có nguy cơ cao tiền sản giật ở tuần 36, kê cho em uống thuốc aspirin liều thấp 81mg, mỗi ngày uống 2 viên vào lúc 9h tối, uống hết tuần 36. Ngoài ra đài bể thận phải của thai nhi giãn 1,7mm. Mong bác sĩ tư vấn giúp em ...

Hòa, 28 tuổi, Hà Nội

ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê

Chào bạn!
Tôi không rõ là bạn có tiền sử bệnh lý trước khi mang thai như thế nào mà thai 18 tuần đã có nguy cơ tiền sản giật. Bạn có bị béo phì hay không hay trong lần mang thai trước cũng bị tiền sản giật hoặc các bệnh lý về thận; hoặc bạn có các bệnh lý khác có khả năng dẫn tới nhiễm độc thai nghén; hoặc khi siêu âm có hình ảnh doppler động mạch tử cung bệnh lý cho nên bác sĩ có tiên lượng nguy cơ bị tiền sản giật?

Tuy nhiên nếu bác sĩ đã có tiên lượng nguy cơ tiền sản giật, đã cho bạn dùng thuốc Aspirin liều dùng 2 viên/ ngày, tôi nghĩ bạn nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Bạn cũng lưu ý là, Aspirin thường chỉ định dùng đến 34 tuần là ngừng, không dùng kéo dài sau 34 tuần, nên bạn cần làm rõ lại thông tin về chỉ định dùng thuốc.

Nhưng bạn phải lưu ý là chỉ sử dụng Aspirin không có khả năng ngăn ngừa tiền sản giật, mà bạn cần định kỳ thăm khám thường xuyên: đo mạch, huyết áp, làm xét nghiệm máu, nước tiểu... để xem có nguy cơ bất thường trong quá trình mang thai không.

Về đài bể thận của thai nhi bình thường có kích thước dưới 6mm nên nếu dưới kích thước này thì không có gì phải lo ngại bạn nhé. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi và chúc bạn có thai kỳ khoẻ mạnh!

Xin chào bác sĩ, em sẩy thai đầu tháng 12/2020, đến nay 13/8/2021 em vẫn chưa có thai lại mặc dù em không dùng biện pháp tránh thai nào. Em cũng chưa đi khám vì dịch và đang giãn cách. Cho em hỏi giờ em nên làm sao để mang thai? Em xin cảm ơn bác sĩ.

Dương minh liên hoa, 34 tuổi, 413 Lê văn quới, Phường bình trị đông a, quận bình Tân, hcm

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế thì chỉ nên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho thai phụ mang thai từ 13 tuần, nhưng em đã lỡ tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca được 1 tuần rồi mới phát hiện mình đã có thai 5 tuần. Vậy thai nhi có bị ảnh hưởng gì không ạ?
Đối với mũi tiêm thứ 2 (2 tháng sau mũi ...

Phạm Thị Thêm, 27 tuổi, Hà Nội

PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng

Chào bạn! Cảm ơn anh/ chị đã đặt câu hỏi. Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 3802/QĐ-BYT về Hướng dẫn tạm thời Khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine phòng Covid-19, có bổ sung về việc tiêm vaccine cho phụ nữ có thai > 13 tuần. Để đánh giá cho sản phụ có đủ điều kiện không, bạn cần đến khám sàng lọc tại cơ sở/ trung tâm tiêm chủng để đánh giá nguy cơ trước tiêm. Bác sĩ sẽ khám, đánh giá tình trạng sản phụ, tình trạng thai, các yếu tố tiền sư dị ứng, bệnh lý toàn thân, giải thích các lợi ích cũng như nguy cơ của việc tiêm vaccine covid 19.

Trường hợp của bạn thì hiện tại chưa có một bằng chứng nào vê việc vaccine Covid-19 gây ảnh hưởng đến những thai nhi dưới 12 tuần. Tuy vậy trường hợp của bạn cần được theo dõi thai kì sát và làm đầy đủ các xét nghiệm về sàng lọc dị tật thai. Hiện tại các loại vaccine Covid-19 tại Việt Nam đều có thể sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú vì vậy nếu mũi 1 bạn tiêm vaccine AstraZeneca thì mũi 2 bạn hoàn toàn có thể tiêm vaccine AstraZeneca theo đúng lịch hẹn.

Em có kế hoạch mang thai trong thời gian tới và cũng đã đăng ký tiêm vacxin ngừa covid-19. Trong thời gian bao lâu sau tiêm, em có thể mang thai, để vacxin không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi? Ngoài vacxin trên, có các loại vacxin nào khác cần tiêm chuẩn bị trước khi mang thai và thời gian giãn cách ...

Bao Khanh, 28 tuổi, Bình Thạnh, TP. HCM

Mong bác sĩ tư vấn về nguy cơ khi mang thai tuổi 40 và cần lưu ý những gì để chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho mẹ và bé. Tôi sinh mổ bé đầu năm 2016. Trân trọng cám ơn bác sĩ!

Vũ Hà, 40 tuổi, TP Hải Dương

PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng

Cảm ơn chị đã đặt câu hỏi. Ở độ tuổi của chị khi mang bầu thường gặp một số nguy cơ như: tỉ lệ mắc đái thái đường thai cao gấp 3 lần so với phụ nữ bình thường. Ngoài ra chị có thể gặp các bệnh lý về xương khớp, giãn tĩnh mạch, tăng huyết áp, tiền sản giật. Còn có thể gặp các nguy cơ thai lưu sẩy thai, hoặc đẻ non,...

Trường hợp của chị đã có mổ đẻ cũ năm 2016 có thể đi kèm với các nguy cơ rau tiền đạo, rau cài răng lược,... Ngoài ra đối với thai nhi cũng phải đối mặt với nguy cơ dị tật thai cao hơn các thai kì bình thường khác.

Vì vậy trong quá trình mang thai chị cần lưu ý môt số điểm sau: Cần thăm khám tổng quát về chức năng sinh sản, bổ sung vitamin tổng hợp đặc biệt là axit forlic. Khi phát hiện có thai cần được theo dõi thai định kì và dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ. Trong quá trình mang thai cần làm tất cả các xét nghiệm cần thiết để kiểm tra tình trạng sức khỏe của mẹ cũng như sức khỏe của thai.

Em muốn hỏi em đang mang thai tuần 11, có nhiễm virus viêm gan B thể ngủ, gan nhiễm mỡ thể nhẹ, không dùng thuốc. Em muốn hỏi là với tình trạng sức khỏe như trên, em có thể tiêm vaccine Covid-19 sau 13 tuần không? Nếu được thì trước khi tiêm có cần làm xét nghiêm sàng lọc gì không. Mong bác sỹ tư ...

Nhu, 38 tuổi, TP Thủ Đức

Em xin chào bác sĩ, em đang mang thai 16 tuần, lúc thai 4 tuần em không biết có thai nên đã uống thuốc kháng sinh trị cảm 5 ngày vậy có ảnh hưởng gì đến em bé không ạ? em đo độ mờ da gáy bé bình thường. Giờ em có nên đi chích vaccine Covid-19 không ạ? Em xin cảm ơn bác ...

Dương thị nghĩa, 34 tuổi, 36/31A đường số 4 phường hbc thủ đức

Dạ em xin chào bác sĩ,
Em xin nhờ bác sĩ tư vấn về bệnh của con em như sau : Bé gái 4,5 tuổi, bé đang uống thuốc điều trị hen phế quản buổi tối được 3 tháng, theo bác sĩ chuẩn đoán bé bị hen suyễn dạng trung bình. Hiện tại, trong 3 tháng uống thuốc này liên tục thì bé khỏe ...

Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, 42 tuổi, 287/21/9 Âu Dương Lân , phường 2, quận 8, Tp.HCM

BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang

Chào em,
Như em mô tả con em bị suyễn mức độ trung bình và đang điều trị thuốc trong 3 tháng nay và bé không lên cơn trong thời gian này; đây là một điều tốt. Để đánh giá bé có thể ngừng thuốc hay không bác sĩ cần hỏi kỹ thêm các điểm sau: triệu chứng hen (như ho, khò khè...) ban ngày, ban đêm, bé có dùng thuốc cắt cơn trong 3 tháng nay không, hoạt động của bé có bị ảnh hưởng gì không...

Theo các khuyến cáo là không giảm bậc điều trị trong giai đoạn đại dịch COVID-19, trừ khi con em có điều kiện thuận lợi rõ ràng, cân nhắc kỹ lợi ích/nguy cơ, và con em có cơ hội tiếp cận y tế dễ dàng. Do đó, theo bác sĩ, tốt nhất em nên cho bé tiếp tục dùng thuốc hiện tại đến khi dịch ổn định và bé được thăm khám đầy đủ. Chúc bé khỏe và cả gia đình em bình an qua mùa dịch này. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng! "

Chị gái em 36 tuổi. Chu kỳ kinh đều, khoảng 28 ngày. Kinh cuối ngày 8/7/2021. Ngày 23/7 chích ngừa AstraZeneca mũi 1. Ngày 13/8 thử que lên 2 vạch. Như vậy có ảnh hưởng đến thai nhi không ạ? Cảm ơn bác sĩ ạ.

Kim Huynh, 28 tuổi, Bình Định

BS.CKI Trần Nguyễn Phương An

Chào bạn,
Theo khuyến cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) thì vẫn tiêm vaccine Covid- 19 cho phụ nữ mang thai và cho con bú và chưa có bằng chứng nào ghi nhận về ảnh hưởng của vaccine lên sức khỏe của thai nhi. Do đó sau khi tiêm vaccine Covid-19 xong mới phát hiện mình mang thai thì cũng không nên lo lắng.

Bạn cần khám lúc thai 7 tuần để kiểm tra tim thai và đừng bỏ qua giai đọan khám thai 11 tuần - 13 tuần 6 ngày, đây là giai đoạn tầm soát bất thường về lệch bội nhiễm sắc thể thai nhi. Để thai nhi phát triển khỏe mạnh bạn cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ đặc biệt là axit folic, sắt, canxi, vitamin, ăn uống đa dạng thực phẩm, ăn nhiều trái cây và rau xanh, kiêng không uống cafe, rượu, bia. Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.

Em mang thai lần 3, từ tháng thứ tư em hay bị đau dây chằng, đến giờ gần 35 tuần thì đau nhiều hơn. Hai lần đầu em không bị đau. Xin hỏi bác sĩ có bài tập gì giúp đỡ đau không ạ. Em cảm ơn ạ.

Lê Trương, 38 tuổi, 11 Triệu Việt Vương, phường 4, TP.Vũng Tàu

BS.CKI Trần Nguyễn Phương An

Chào bạn,
Khi mang thai, do ảnh hưởng việc tăng trọng lượng cơ thể, thai nhi làm tăng sức nặng lên cấu trúc nâng đỡ ở cơ sàn chậu sẽ làm cơ sàn chậu suy yếu dần và gây nên hiện tượng đau dây chằng. Đau dây chằng thường xuất hiện từ giữa và cuối thai kỳ, đặc biệt đau tăng với các trường hợp mang thai nhiều lần, mẹ lớn tuổi, thai to...do các cấu trúc nâng đỡ bị yếu đi.

Bạn có thể tự tập một số bài tập thư giãn các khớp, đi bộ nhẹ nhàng, thay đổi các tư thế một cách nhẹ nhàng và chậm rãi, chườm ấm, kê gối nhỏ dưới bụng khi ngủ, nằm nghiêng 1 bên... Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hiện có phòng tập sàn chậu với các bài tập được thiết kế riêng cho sản phụ trước sanh và sau sanh nhằm hạn chế các triệu chứng khó chịu khi mang thai như đau dây chằng, đau thắt lưng, són tiểu khi mang thai. Bạn có thể đến khám để được đánh giá chính xác mức độ đau cũng như được hướng dẫn cách tập luyện các bài tập một cách cụ thể hơn. Thân ái!

Em mang thai được 5,5 tuần, đi khám thai có kết quả thai động O20 có sao không bác sĩ? Có chích vaccine COVID-19 được không ạ? Em cảm ơn.

Nguyễn Thị Ngọc Bích, 33 tuổi, Thiên Phước, phường 9, quận Tân Bình, TP.HCM

BS.CKI Trần Nguyễn Phương An

Chào bạn,
Trong giai đoạn đầu thai kỳ, có thể bị đau bụng âm ỉ hoặc ra huyết ít âm đạo, có hiện tượng động thai. Bạn cần nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng, tránh các món ăn tái, sống có thể ảnh hưởng đến thai. Hiện tại Bộ Y tế đã cho phép tiêm vaccine đối với phụ nữ mang thai >13 tuần. Do đó bạn nên đến tái khám sớm để kiểm tra lại tình trạng thai và khi thai >13 tuần bạn có thể đăng ký chích vaccine nhé. Chúc bạn có 1 thai kỳ khỏe mạnh.

Bé trai nhà em được 17 tháng, bé cao gần 80cm, nặng 11kg, mới mọc được 6 răng và thóp chưa đóng hết, liệu bé có đang bị thiếu canxi không ạ?

Phạm Thị Thu Hiền, 33 tuổi, Mễ Trì- Nam Từ Liêm - Hà Nội

BSNT Phan Thị Thu Minh

Bé trai 17 tháng nặng 11 kg, cao 80 cm được đánh giá là phát triển bình thường, trong thông tin bạn cho là gần 80 cm thì được rõ ràng, nếu bé trai 17 tháng 77 cm thì sẽ bị thấp còi, nếu bé được 82 cm là chiều cao trung bình, khoảng 77-82 cm là khoảng -2SD trung bình, trên biểu đồ tăng trưởng là khoảng bình thường.

Nhưng để đánh giá thêm về các chỉ số chiều cao cân nặng bạn cần theo dõi dọc em bé, một thời điểm cắt ngang cũng chưa đủ thông tin đánh giá, khi theo dõi dọc nếu chiều hướng tăng trưởng đi lên là dấu hiệu tốt, đi ngang trong 3 tháng liền bạn nên đưa bé đến bác sĩ.

Bé thường bắt đầu mọc rang lúc 6-8 tháng, khi 17 tháng thông thường sẽ có 11-13 chiếc răng. Bé của bạn có 6 chiếc răng là hơi ít so với bình thường, nhưng chưa đủ chứng cứ nói bé bị thiếu canxi. Bé thường đóng thóp vào 12-18 tháng, bé của bạn 17 tháng chưa đóng thóp nhưng thóp còn rất bé và đóng vào 18 tháng thì bạn không có gì phải lo ngại về cái thóp.

Nhưng nếu 17 tháng thóp bé còn rộng rõ ràng, thì bạn cần đánh giá thêm chỉ số vòng đầu của bé, việc đo vòng đầu gọi là chu vi đầu là đo phần rộng nhất của trán, ngay sát trên tai, điểm giữa chỗ gồ cao nhất phía sau đầu, gọi là ngang ụ chậm phía sau, cho kết quả, nhưng bạn lưu ý nhé vì không để ý các điểm đo, dễ cho kết quả sai, thường việc đo dành cho những bạn nhân viên y tế đã thực hành nhiều lần ít sai sót hơn.

Bé 17 tháng chu vi vòng đầu thường 45-50 cm, nếu chu vi đầu quá to hơn hoặc nhỏ hơn, bạn cần đưa bé đến khám với bác sĩ. Thực tế có một số bạn chu vi đầu to giống bố hoặc mẹ nhưng phát triển mọi mặt về tinh thần vận động vẫn bình thường. Việc bé mọc răng ít, thóp rộng bé có thể bị thiếu canxi hoặc vitamin D, nhưng không thể khẳng định ngay bé thiếu canxi, vì nếu bé có trương lực cơ bình thường, và các mốc vận động vẫn trong chuẩn thì có nhiều bé không thiếu gì cả. Vả lại có bé chỉ thiếu vitamin, không thiếu canxi, nên bạn cần đưa bé đến bác sĩ kiểm tra cụ thể, và nếu cần thiết sẽ làm các xét nghiệm kiểm trac ho bé. Bạn tuyệt đối không tự bổ sung canxi cho trẻ.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng chúng tôi, chúc hai mẹ con một ngày vui khoẻ, bé hay ăn chóng lớn.