VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ tư, 29/1/2025

Hay đầy bụng, ợ hơi sau bữa ăn có phải đau dạ dày không ạ? Tôi thấy nhiều người mách ăn tỏi nướng chữa đầy hơi, cách này có tác dụng không bác sĩ? Tôi nên làm gì để cải thiện tình trạng này?

Văn Nam, 29 tuổi, Hà Nội

BS.TS Vũ Trường Khanh

Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Chào bạn!

Đầy bụng sau ăn có thể là triệu chứng của rất nhiều bệnh như: loét dạ dày, loét hành tá tràng, khó tiêu chức năng... Vậy để hạn chế tình trạng này thì đầu tiên bạn cần điều chỉnh chế độ ăn và chế độ sinh hoạt. Hạn chế sử dụng thực phẩm cay, chua; ngủ đủ giấc, sinh hoạt khoa học. Nếu bạn đã thay đổi nhưng tình trạng vẫn còn thì bạn nên đi khám chuyên sâu để có chỉ định chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Chúc bạn mau khỏe!

Tư vấn tiêu hóa
 
 

Em bị chứng trào ngược dạ dày khoảng 3 năm trước nhưng hai tuần gần đây phát bệnh mạnh hơn, cứ ăn xong là ói, cơ thể mệt mỏi. Bác sĩ cho em hỏi bệnh này có nguy hiểm không và nên điều trị thế nào ạ?

Ngô Lệ Thy, 41 tuổi, Hải Phòng

BSNT Đào Trần Tiến

Bác sĩ Khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội Thành viên Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam

Chào bạn!

Bệnh trào ngược dạ dày rất nhiều người bị, đây không phải là bệnh nguy hiểm. Bệnh có triệu chứng đau thượng vị, ợ nôn... rất dễ nhầm với các bệnh lý tiêu hóa khác như co thắt tâm vị, loét thực quản, ung thư thực quản... Vì vậy, nếu bạn có triệu chứng tái phát, bạn cần được bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh trào ngược dạ dày thực quản hay nhầm lẫn với các bệnh khác. Nếu chẩn đoán đúng bệnh, liệu cách điều chỉnh lối sống của bạn đã tốt chưa. Một trong những lý do khiến bệnh tái phát vì lối sống, chế độ sinh hoạt thiếu khoa học như ăn thức ăn nhiều chất béo, sử dụng nhiều chất kích thích... Ngoài ra, một số trường hợp bệnh gây tổn thương, biến chứng, bạn cần điều chỉnh lối sống đồng thời sử dụng một số thuốc bài tiết dịch vị... Bạn nên đến khám các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa để được điều trị hợp lý.

Thân mến!

Em năm nay 28 tuổi, tình cờ đi xét nghiệm máu và kết quả cho thấy chỉ số men gan Ast: 43, Alt: 71, Ggt: 184, chẩn đoán men gan cao. Em có uống rượu bia thường xuyên do đặc thù công việc, không hút thuốc. Bác sĩ cho em hỏi trường hợp của em nếu tiếp tục uống bia thì có nguy hiểm không, ...

Phạm Tâm, 28 tuổi, Hải Phòng

BSNT Đào Trần Tiến

Bác sĩ Khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội Thành viên Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam

Chào bạn!

Trong trường hợp của bạn, các chỉ số đều tăng. Các chỉ số này nói lên tế bào gan của bạn bị tổn thương. Trường hợp của bạn được bác sĩ chẩn đoán bị viêm gan. Bạn uống rượu nên đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến bạn bị viêm gan. Tuy nhiên, bạn có thể đi khám để xác định được nguyên nhân chính xác, có thể viêm gan do viêm gan B, C hay do sử dụng các loại thuốc gây viêm gan, các bệnh lý gan do thoái hóa mỡ... Bạn cũng cần được bác sĩ đánh giá, liệu viêm gan của bạn đang ở giai đoạn nào, giai đoạn cấp tính hay mãn tính; chức năng gan của bạn có bình thường hay không? Chính vì vậy, bạn nên đến khám tại các cơ sở uy tín, có khoa Tiêu hóa - Gan Mật - Tụy để bác sĩ tìm nguyên nhân gây viêm gan, chức năng gan ở mức độ nào để có phương án điều trị phù hợp. Hiện tại, bạn nên ăn uống lành mạnh, hạn chế rượu bia để tránh gây tổn thương gan.

Nếu bạn có thắc mắc thêm, xin vui lòng liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh qua số điện thoại 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng!

Tôi bị barrett thực quản và viêm dạ dày trào ngược, uống thuốc liên tục 3 tháng thấy đỡ, bác sĩ cho nghỉ uống nhưng mới dừng uống thuốc 10 ngày lại đau lại. Bác sĩ cho tôi hỏi giờ tôi nên làm gì tiếp theo, có nên uống thuốc tiếp không? Tôi có cần kiêng khem gì sau khi khỏi bệnh để tránh bị ...

Trúc Quyên, 46 tuổi, Hải Phòng

BSNT Đào Trần Tiến

Bác sĩ Khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội Thành viên Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam

Chào bạn!

Bệnh dạ dày trào ngược thực quản là bệnh lý tiêu hóa phổ biến nhưng rất dễ tái phát. Một trong những nguyên nhân khiến bệnh dễ tái phát là do lối sống và tuân thủ thuốc. Những trường hợp liên quan đến lối sống thường rất khó thay đổi, có thể do chế độ ăn: ăn nhiều chất béo, bánh kem, sử dụng chất kích thích như cà phê, thuốc lá... hay sử dụng một số thuốc, stress. Một yếu tố khác do tuân thủ thuốc có đúng hay không? Ví dụ như thuốc ức chế dịch vị, cần tuân thủ uống trước khi ăn hoặc liều thuốc sử dụng. Trong trường hợp của bạn đã điều trị thuốc trong 3 tháng và tái phát lại khi dừng thuốc, chúng tôi khuyên bạn nên đi khám để bác sĩ có thể đánh giá bệnh, xem bệnh có biến chứng hay chưa. Từ đó, có cơ sở điều chỉnh thói quen sinh hoạt hoặc sử dụng thuốc ức chế bài tiết dịch vị hoặc phối hợp một số thuốc khác.

Chúc bạn mau khỏi bệnh!

Em bị đau dạ dày 3 năm nay. Em đi nội soi thì được bác sĩ chẩn đoán viêm dạ dày viêm thượng vị. Em đã nằm viện điều trị trong một tuần, sau đó bác sĩ cho về nhà uống thuốc nhưng được một tháng em lại bị đau trở lại. Vậy bác sĩ cho em hỏi làm sao chữa được dứt điểm viêm ...

Ngọc Trâm, 45 tuổi, Nghệ An

BSNT Đào Trần Tiến

Bác sĩ Khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội Thành viên Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam

Chào bạn!

Trong trường hợp của bạn, bạn có biểu hiện đau do viêm dạ dày, viêm thượng vị, đây là biểu hiện của chứng khó tiêu chức năng. Thông thường, nguyên nhân của chứng khó tiêu chức năng có thể do chế độ ăn uống như bạn ăn quá nhanh, nhai không kỹ, ăn nhiều đồ cay nóng, thực phẩm nhiều tinh bột, chất béo... Ngoài ra, có thể một số nguyên nhân như căng thẳng, sử dụng một số loại thuốc... cũng gây ra bệnh. Về điều trị, bạn có thể điều chỉnh chế độ ăn, nhai kỹ hơn, hạn chế sử dụng các chất kích thích, thuốc lá, các chất cay nóng... Một số ít các trường hợp không cải thiện khi thay đổi lối sống có thể sử dụng một số thuốc ức chế axit, thuốc điều hòa nhu động ruột. Để chẩn đoán chính xác bệnh, bạn có thể đến khoa Tiêu hóa - Gan Mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được bác sĩ tư vấn, đưa ra phác đồ điều trị hợp lý.

Chúc bạn mau khỏe!

Đợt Tết vừa rồi, gia đình tôi đi du lịch nên chế độ ăn khá nhiều chất đạm như tôm, cua, ghẹ, cá... Sau thời gian đi du lịch, tôi thường xuyên bị đau bụng, tiêu chảy, người mệt mỏi, giảm cân, chán ăn. Thỉnh thoảng, tôi thấy đau gần hoặc xung quanh hậu môn. Bác sĩ có thể tư vấn giúp tôi cách chữa ...

Trúc Anh, 41 tuổi, Hà Nội

BS.TS Vũ Trường Khanh

Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Chào bạn!

Thường đối với người ăn quá nhiều chất đạm sẽ gây nên tình trạng thừa, tức là cơ thể không thể tiêu hóa hết sẽ dẫn đến rối loạn hệ vi khuẩn trong ruột. Đó có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng đi ngoài phân lỏng. Hoặc cũng có thể trong quá trình đi du lịch, gia đình bạn ăn phải những thực phẩm bị nhiễm khuẩn cũng có thể gây nên triệu chứng. Để hạn chế tình trạng này, đầu tiên gia đình phải cân bằng các chất bổ sung cho cơ thể, giảm ăn các thực phẩm nhiều đạm. Nếu tình trạng không đỡ, cần tới cơ sở y tế có chuyên khoa tiêu hóa để kiểm tra xem có nhiễm khuẩn đường ruột hay không và đồng thời loại trừ các bệnh nguy hiểm. Từ đó, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng của bạn.

Chúc bạn mau khỏe!

Tư vấn tiêu hóa
 
 

Tôi năm nay 32 tuổi, gần đây hay lo lắng, bồn chồn, cồn cào ruột gan, ăn nhanh no và nhanh đói, đi đại tiện thì bị phân sống. Tôi muốn đi khám tiêu hóa thì cần thực hiện những xét nghiệm gì? Mong bác sĩ giải đáp.

Ái Mỹ, 32 tuổi, Lạng Sơn

BS.TS Vũ Trường Khanh

Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Chào bạn!

Dấu hiệu cồn cào khi đói có thể là triệu chứng của bệnh dạ dày nhưng đôi khi chỉ bị bệnh chức năng. Bệnh chức năng tức là khi bạn đi nội soi sẽ không phát hiện tổn thương hoặc chỉ phát hiện viêm, lúc đó bạn cần sử dụng thuốc giảm tiết axit thì tình trạng sẽ thuyên giảm. Tuy nhiên, trường hợp của bạn có biểu hiện lo lắng kèm triệu chứng rối loạn phân. Chính vì vậy, có thể bạn mắc chứng khó tiêu chức năng kết hợp hội chứng ruột kích thích. Ở những người trẻ dưới 40 có nguy cơ bị bệnh ác tính nhưng tỷ lệ này rất thấp. Để hạn chế tình trạng này, việc đầu tiên bạn cần điều chỉnh chế độ ăn, chế độ sinh hoạt. Nếu tình trạng không thuyên giảm, bạn nên tiến hành kiểm tra sức khỏe, thực hiện một số phương pháp chẩn đoán như nội soi dạ dày, đại tràng để loại trừ nguyên nhân không nguy hiểm và điều trị.

Chúc bạn mau khỏi bệnh!

Tư vấn tiêu hóa
 
 

Tôi năm nay 32 tuổi, đã sinh con thứ hai được gần hai năm. Tình trạng trĩ của tôi tuy không đau, không ngứa nhưng búi trĩ bị sa ra ngoài. Tôi từng uống nhiều loại thuốc nhưng búi trĩ không co lại, lấy tay đẩy búi trĩ lên nhưng lại bị sa xuống. Xin bác sĩ cho biết, tôi có cần phải phẫu thuật ...

Mỹ Nhi, 32 tuổi, Hà Nội

BS.TS Vũ Trường Khanh

Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Chào bạn!

Đối với người mắc búi trĩ sau khi sinh con sau đó hết viêm, hết đau thì có thể tạo thành những búi da thừa, nó luôn luôn ở đó chứ không bị sa ra. Nhưng cũng có trường hợp đó là búi trĩ nội và đang có tình trạng sa ra ngoài chứ không phải trĩ ngoại. Như vậy, với trường hợp trĩ không có triệu chứng thì bạn cần hạn chế các nguyên nhân gây nên trĩ như ngồi nhiều, táo bón. Nếu như tính chất công việc của bạn cần ngồi nhiều thì bạn cần vận động, cứ khoảng hai tiếng đứng dậy đi lại một lần. Bên cạnh đó, chế độ ăn cần bổ sung nhiều chất xơ, ăn uống đủ chất và khoa học để hạn chế táo bón. Nếu triệu chứng vẫn còn thì bạn nên đi kiểm tra tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tiêu hóa. Khi có kết quả chẩn đoán, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng bệnh của bạn.

Chúc bạn mau khỏe!

Tư vấn tiêu hóa
 
 

Gần đây em hay bị ợ hơi, đau bụng phần trên và nóng rát cổ họng, nôn trớ nếu ăn quá no. Vậy có phải là triệu chứng của bệnh đau dạ dày không? Em có thể kiểm tra dạ dày bằng phương pháp nào?

Minh Quân, 36 tuổi, Hà Nội

BS.TS Vũ Trường Khanh

Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Chào em!

Triệu chứng sau khi ăn mà đầy bụng, đặc biệt là ăn nhiều mà ợ nóng lên tận cổ thường là biểu hiện của trào ngược dạ dày thực quản. Tức là khi thức ăn ở trong dạ dày có dịch axit trào vào thực quản, gây ra triệu chứng khó chịu và nóng rát ở thực quản. Đầu tiên, em cần điều chỉnh lối sống trước, hạn chế ăn no nhiều hoặc ăn xong đi nằm ngay. Trường hợp đã điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt rồi mà không hết thì em nên đi kiểm tra xem có thực sự tổn thương ở thực quản hay dạ dày không. Mong rằng sau khi em điều chỉnh chế độ ăn thì mọi chuyện sẽ tốt lên, nếu không em nên đi kiểm tra chuyên khoa về tiêu hóa để phát hiện bệnh và điều trị.

Thân mến!

Tôi là nữ văn phòng, 37 tuổi. Sau Tết có thể do ăn uống và ngủ nghỉ không đúng giờ nên tôi thấy thường xuyên đau lâm râm bụng dưới kèm tiêu chảy. Thỉnh thoảng tôi bị đau quặn lên ở phần đại tràng. Phần bụng thỉnh thoảng có cảm giác bị đầy, ăn không thấy ngon. Xin bác sĩ tư vấn cách điều trị ...

Minh Trang, 37 tuổi, Hà Nội

BS.TS Vũ Trường Khanh

Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Chào bạn!

Đối với một người 37 tuổi thì nguy cơ bị bệnh nặng, ác tính không nhiều ví dụ như ung thư đại tràng, nhưng các bệnh chức năng rất hay gặp. Bệnh chức năng thường xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, đi ngoài phân lỏng, táo bón. Khi xuất hiện những triệu chứng này, bạn phải lưu ý để điều chỉnh. Đặc biệt là chế độ sinh hoạt thất thường như thiếu ngủ hoặc căng thẳng không ngủ được, làm việc quá sức, lo lắng vì công việc sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn. Tuy nhiên, nếu bạn chưa bao giờ soi đại tràng thì cũng nên làm để chắc chắn rằng mình không bị các bệnh nguy hiểm. Nếu soi đại tràng hoàn toàn bình thường thì chúng ta có thể yên tâm để chẩn đoán bệnh chức năng. Còn trước mắt nên điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt, tức là ngủ nghỉ, sinh hoạt điều độ một chút. Cũng có thể ngày Tết chúng ta ăn rất nhiều thức ăn, ăn quá so với bình thường. Nếu triệu chứng giảm rồi thì thôi, còn nếu không thì bạn phải đi khám chuyên khoa để kiểm tra cho chắc chắn, chẩn đoán và điều trị bệnh.

Trân trọng!

Tư vấn tiêu hóa