Em bị đau phần dạ dày và trào ngược thực quản. Ra tiệm thuốc thì dược sĩ kê toa omeprazole và sucrafale để uống. Ở nhà em còn dùng thêm nghệ với mật ong. Hiện tại, em đã bớt đau dạ dày, bụng không còn sôi và ợ chua, ợ nóng, nhưng em đi ngoài phân màu vàng, có một chút nhớt màu hồng thì ...
Chào bạn!
Bạn có triệu chứng trào ngược và đau bụng, tuy nhiên chưa được tái khám và nội soi chẩn đoán, việc điều trị của bạn là thuốc được dược sĩ kê toa gồm Omerprazole và sucrafate. Đây là những thuốc không nên dùng kéo dài và cần uống theo chỉ định của bác sĩ sau khi đã thăm khám và nội soi có chẩn đoán phù hợp. Nếu lạm dụng thuốc kéo dài có thể có một số tác dụng bất lợi đối với cơ thể. Bạn đi tiêu phân vàng có nhớt hồng chưa đủ khẳng định là tiêu máu, có thể phụ thuộc vào thức ăn như dưa hấu, thanh long ruột đỏ... nếu xác định là tiêu máu lẫn theo phân vàng tái phát nhiều lần có thể do tổn thương kèm theo ở vùng hậu môn trực tràng như bệnh trĩ, nứt hậu môn, viêm trực tràng... Như trên đã nói, nghệ và mật ong chỉ là thực phẩm hỗ trợ thêm, không có tác dụng chữa lành bệnh và cần được lưu ý sử dụng đúng cách. Vì vậy, bạn cần đến cơ sở y tế uy tín được bác sĩ thăm khám, nội soi dạ dày và nội soi đại tràng để chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Trân trọng!
Chào bạn!
Bạn đã có triệu chứng ợ chua trên 5 năm, tuy nhiên chưa ghi nhận bạn có được khám, nội soi và điều trị gì trước đây không, vì vậy chưa có chẩn đoán chính xác.
Theo mô tả của bạn, ngoài ợ chua bạn còn bị nóng ruột, triệu chứng bạn mô tả phù hợp với bệnh trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày tá tràng hoặc khó tiêu chức năng. Bạn uống liên tục Esomerprazole 20 mg một viên vào buổi tối và men tiêu hóa không phù hợp với triệu chứng hiện tại của bạn, vì vậy có thể không những không điều trị được bệnh mà còn có hại cho bản thân. Vì Esomerprazole là một thuốc thuộc nhóm ức chế tiết acid dạ dày mạnh nhất và có hiệu quả kéo dài nhất hiện nay. Thuốc có hiệu quả nhất khi dùng vào buổi sáng và trước ăn 30 phút để đạt được hiệu quả tối đa. Nếu dùng kéo dài không đúng chỉ định của bác sĩ sẽ gây các triệu chứng bất lợi như đau đầu, tiêu chảy, đau bụng, đầy hơi, và gây một số bệnh lý như viêm gan, viêm thận kẽ do thuốc, viêm teo niêm mạc dạ dày mãn tính, tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng nguy cơ gãy xương. Vì vậy, bạn không nên tự ý sử dụng kéo dài các thuốc trên. Trước hết, bạn cần đến cơ sở y tế có uy tín để được các bác sĩ thăm khám, nội soi tiêu hóa trên, có chẩn đoán chính xác bệnh và từ đó sẽ có chế độ điều trị thích hợp hơn.
Trân trọng!
Cho em hỏi, em bị trào ngược dạ dày và H.P đã điều trị hết cách đây 6 tháng. Gần đây em thấy có triệu chứng tức ngực, buồn nôn, đau dạ dày, bị bủn rủn chân tay, mệt lả người, đổ mồ hôi, tim đập nhanh, người mệt như sắp xỉu, đầu óc lân lân đi không vững, cảm giác như bị hạ đường ...
Chào bạn!
Đối với tình trạng hiện tại, bạn nên tái khám và có thể làm một số xét nghiệm như điện tâm đồ, đường huyết, xét nghiệm kiểm tra HP qua hơi thở hoặc nội soi dạ dày lại để biết chính xác nguyên nhân.
Nếu bạn có thắc mắc thêm, xin vui lòng liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh qua số điện thoại 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng!
Chào bác sĩ, em bị hôi miệng, lưỡi trắng quanh năm, đi khám tổng quát thì chỉ bị mỗi trào ngược dạ dày, hôi miệng thì do dạ dày nhưng trắng lưỡi thì em ko biết lý do. Đợt em được tư vấn có khi bị hở van dạ dày nhưng đi nội soi rồi mà không thấy nói gì cả. Cho em hỏi nội ...
Chào bạn!
Để chẩn đoán hở van dạ dày cần phối hợp các phương tiện như nội soi, chụp X-quang có cản quang, CT hoặc MRI. Bạn cần thăm khám lại với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, xem xét cần làm những gì để chẩn đoán và chữa trị cho bạn nhé. Chúc bạn mau khỏe.
Chào bạn!
Tình trạng đi tiêu ra phân đen cần phân biệt có phải là tiêu ra máu hay do các loại thức ăn, nước uống có thể làm màu phân bị đen hoặc do táo bón. Nếu đen và lỏng, bóng, tanh thì có thể là máu đã qua quá trình tiêu hoá. Bạn nên đi khám lại để chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Còn về viêm loét dạ dày, nếu bạn bị viêm loét mạn tính, lâu ngày có thể dẫn đến ung thư. Chúc bạn mau khỏe.
Chào bạn!
Bạn đang sử dụng thuốc thì nên liên hệ bác sĩ trực tiếp điều trị để có xử trí hợp lý vì chúng tôi không khám cho bạn và cũng không biết bạn đang uống những loại thuốc nào nên không thể tư vấn cụ thể hơn cho bạn.
Chúc bạn mau khỏe!
Chào bạn,
Bản thân nhiễm HP không hẳn gây triệu chứng nhưng HP có thể gây viêm, loét dạ dày tá tràng nên khi người bệnh bị viêm, loét dạ dày tá tràng thì sẽ có triệu chứng. Triệu chứng có thể rõ ràng hoặc mơ hồ như: ăn uống kém, buồn nôn, đau thượng vị... Nếu chẩn đoán lần đầu thì bạn nên nội soi dạ dày, bạn không cần uống thuốc xổ, chỉ cần nhịn ăn uống trước khi nội soi trên 8 tiếng.
Trân trọng!
Chào bác sĩ, hôm trước em có đến bệnh viện làm nội soi và được chẩn đoán dương tính H.P và viêm xung huyết niêm mạc hang vị, khoảng một năm rưỡi trước nội soi thì âm tính H.P và viêm loét dạ dày tá tràng. Bình thường em ăn uống rất kĩ, cũng do dịch nên cũng ít ăn uống chung. Nửa năm trở ...
Chào bạn!
Nhiễm vi khuẩn HP có thể được điều trị khỏi hoàn toàn nhưng vẫn có thể bị tái lây nhiễm. Với tình trạng của mình, bạn nên tái khám để xác định xem đã hết HP hay chưa, bác sĩ có thể xét nghiệm hơi thở để biết đã hết HP sau điều trị chưa nhé.
Nếu bạn có thắc mắc thêm, xin vui lòng liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh qua số điện thoại 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng!
Mẹ em năm nay 60 có bệnh tiểu đường, dạo gần một tháng nay ăn vô là mệt, khó tiêu. Mẹ em đã khám nhiều nơi rồi mà không hết, nội soi thì bác sĩ nói là trào ngược dạ dày và hang vị. Mẹ em nói không bị đau hay khó chịu, chỉ có mệt và không tiêu thôi. Mong bác sĩ tư vấn ...
Chào em!
Với tình trạng hiện tại của mẹ em thì em nên đưa bà đến khám tại chuyên khoa tiêu hoá và nội tiết. Việc nội soi hay không thì cần bác sĩ khám và xem xét thêm mới đưa ra chỉ định phù hợp. Phương pháp nội soi hiện nay có kèm theo gây mê nên người bệnh sẽ không cảm thấy đau và khó chịu. Em có thể liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được tư vấn và hướng dẫn đặt hẹn khám nhé.
Chúc mẹ em mau khỏe!
Cho em hỏi, em hay ợ hơi, khó thở, thường hay đau tức hai bên ngực xuyên ra sau lưng, hay ho nhất là buổi sáng và tối. Em còn bị đau họng, ăn vô hay muốn ói, đau bụng, ăn vào hơi cảm giác nghẹn chỗ giữa hai bên ngực. Vậy có phải là em bị trào ngược dạ dày không ạ? Nếu đi ...
Chào em!
Theo như em mô tả thì có khả năng em bị trào ngược dạ dày và viêm loét dạ dày tá tràng. Tuy nhiên, em cần đi khám tiêu hoá và tai mũi họng để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Khi đi khám, em có thể liên hệ đặt hẹn trước và cần nhịn ăn sáng để nội soi thực quản dạ dày nhé.
Nếu em có thắc mắc thêm, xin vui lòng liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh qua số điện thoại 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Thân mến!
Tôi hay khạc ra dịch trắng ở cổ họng, lúc trước thì đặc bây giờ thì loãng hơn, cảm giác rát họng rất khó chịu. Tối nhiều khi dịch tiết ra phải đi khạc mới ngủ được. Cho tôi hỏi đây có phải là dịch do trào ngược dạ dày không bác sĩ? Có cần đi nội soi không thưa bác sĩ
Chào bạn!
Bạn nên đến khám tại chuyên khoa hô hấp để xem có bệnh gì liên quan khí phế quản hay không. Sau đó có thể khám thêm tiêu hoá, do khả năng triệu chứng trên là biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Cần nội soi dạ dày thực quản để xác định biến chứng trên thực quản và khảo sát tổn thương khác ở dạ dày.
Chúc bạn mau khỏi bệnh!
Em bị trào ngược dạ dày, ợ chua lâu rồi nhưng thấy không ảnh hưởng gì nên không đi khám. Gần đây em bị đau thượng vị, bụng lúc nào cũng sôi ọc ọc, ăn hay uống nước vào là cứ bị trào ngược lên cổ lại, hay bị nấc cụt, mỗi lần như vậy em thấy rất chua, tiêu chảy nhiều. Đặc biệt, dạo ...
Chào em!
Theo như em mô tả thì khả năng cao là em bị trào ngược dạ dày - thực quản, có thể kèm theo viêm loét dạ dày tá tràng hoặc hội chứng ruột kích thích. Em nên đi khám tổng quát và khám tại chuyên khoa tiêu hoá để được chẩn đoán chính xác bệnh.
Nếu em có thắc mắc thêm, xin vui lòng liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh qua số điện thoại 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Chúc em mau khỏe!
Chào bạn!
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên có thể thật sự có tổn thương gì đó tại họng hoặc thực quản hoặc viêm loét niêm mạc thực quản. Một số nguyên nhân có thể gặp như: dị vật trong thức ăn bị mắc kẹt ở đó, bị biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản với sự hiện diện chất tiết dịch vị bị trào ngược lên thực quản gây kích ứng, kích thích, gây viêm, thậm chí loét thực quản. Các dấu hiệu có thể thấy là cảm giác vướng ở cổ, nghẹn ở cổ họng, nóng rát họng hoặc sau xương ức.
Nguyên nhân bệnh trào ngược dạ dày thực quản gồm nhiều yếu tố như: tâm lý căng thẳng thường xuyên, thể tạng mập/béo phì, thức ăn nước uống khó tiêu hoặc bám dính vùng họng, thực quản; hoặc acid từ dạ dày dư thừa trào ngược...
Vi khuẩn H.pylori ở dạ dày là một trong các nguyên nhân làm tăng nồng độ acid dịch vị, cũng như thuốc giảm đau chống viêm... Bạn nên đến khám với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể và có hướng điều trị phù hợp.
Chúc bạn mau khỏe!
Chào bác sĩ, một tháng nay em bị chướng bụng, ăn ít mà bụng cũng to ra, ợ chua, trong miệng em lúc nào cũng chua, bị vướng cổ họng, ợ chua nhiều gây đau họng nữa. Bác sĩ tư vấn giúp e với ạ. Em hay ăn cay, trước khi bị vấn đề này em uống detox cam khóm liên tục 4,5 ngày.
Chào bạn!
Có nhiều khả năng bạn bị chứng trào ngược dạ dày thực quản hoặc viêm loét dạ dày kèm theo âm thầm trước đó mà bạn không chú tâm và bỏ qua nên sau khi uống detox vài ngày thì bệnh trở nên rõ ràng hơn. Trước mắt, bạn nên tạm ngưng việc ăn uống thức ăn chua khi bụng đang trống (bụng đói). Nếu được bạn đến khám chuyên khoa tiêu hoá để được xác định rõ hơn, cũng như có phương án chữa trị thích hợp.
Chúc bạn mau khỏe!
Bác sĩ cho em hỏi, đối với người bị trào ngược dạ dày, phải kiêng đồ chua thì mùa dịch này làm thế nào để bổ sung vitamin C ạ? Em chân thành cảm ơn.
Chào bạn!
Bạn có thể bổ sung vitamin C qua thức ăn rau xanh tươi sống, trái cây như cam quýt, hoặc viên vitamin C. Tuy nhiên, khi bạn có tiền sử viêm dạ dày trào ngược, bạn có thể dùng vitamin C ngay sau bữa ăn sáng hoặc trưa, không nên dùng buổi tối. Nếu bệnh đang tiến triển với các triệu chứng nặng thì tạm ngưng vitamin C dạng viên sủi hoặc viên có hàm lượng cao 500-1000mg, do acid ascorbic có thể gây kích ứng dạ dày làm nặng thêm triệu chứng dạ dày thực quản. Cần phân biệt chất chua và vitamin C, vitamin C có vị chua, thức ăn có vị chua chưa hẳn có chứa vitamin C nhé bạn! Thông thường, thức ăn rau quả xanh tươi có thể cung cấp đủ vitamin C mỗi ngày cho bạn, đôi khi không cần nổ sung thêm vitamin C dạng viên. Trong trường hợp bị sốt, người bệnh thường mất vitamin nhiều hơn nên cần bổ sung và trong ngắn hạn chứ không phải liên tục uống vitamin C kéo dài.
Trân trọng!
Chào bạn!
Đối với những người bị táo bón lâu ngày thì đầu tiên phải thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt. Thứ nhất là bạn phải ăn nhiều rau và chất xơ, thứ hai là tăng cường vận động. Đối với những người có triệu chứng xuất hiện từ lâu, ảnh hưởng đến cân nặng cũng như thể trạng thì cũng không nên quá lo lắng. Nhưng với người mới xuất hiện táo bón thì phải cảnh giác xem táo bón này thực sự là một bệnh chức năng hay một bệnh thực thể. Ví dụ, chúng ta phải loại trừ những bệnh liên quan đến u gây tắc nghẽn gây ra triệu chứng táo bón, hay gặp ở những người trên 45-50 tuổi.
Nếu bạn có thắc mắc thêm, xin vui lòng liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh qua số điện thoại 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng!
Bác sĩ ơi, em đang mang bầu bé thứ hai và tình trạng trĩ sưng khá to, mỗi lần đi đại tiện thường gây đau, có lần chảy rất nhiều máu khiến em vô cùng lo lắng. Trước khi mang thai bé thứ nhất thì em cũng đã từng bị trĩ nhưng sợ phẫu thuật nên chưa làm. Tình trạng trĩ khi bầu bé thứ ...
Chào bạn!
Trĩ là một loại bệnh mãn tính, những người ngồi nhiều hoặc trường hợp tăng áp lực ổ bụng như phụ nữ có thai thì có thể mắc các bệnh tổn thương như trĩ. Nhưng trĩ là bệnh lành tính hoàn toàn, không có khả năng ác tính như bệnh ung thư. Chính vì vậy, bạn không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, trĩ lại gây ra các triệu chứng như viêm, đau, đi ngoài ra máu khiến bệnh nhân rất lo lắng. Thế thì làm cách nào để chúng ta có thể giảm được các triệu chứng?
Thứ nhất, chúng ta phải tránh để táo bón bằng cách ăn nhiều rau và chất xơ. Đặc biệt ở những người phụ nữ có thai, ít vận động thì vấn đề táo bón lại nặng thêm. Áp lực ổ bụng sẵn có thai đã tăng rồi, ngồi nhiều thì áp lực càng tăng khiến trĩ nặng thêm. Chính vì vậy, nếu chúng ta điều chỉnh chế độ ăn thì triệu chứng bệnh sẽ đỡ đi. Những trường hợp đã điều chỉnh rồi vẫn không đỡ thì phải đến khám chuyên khoa, các bác sĩ sẽ dùng thuốc không ảnh hưởng thai nhi nhưng giúp người bệnh giảm các triệu chứng.
Tôi mong rằng sau khi bệnh nhân điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt, trước mắt đơn giản như thế, thì sẽ mau hết các triệu chứng. Còn nếu không, bạn sẽ phải đi khám, gặp bác sĩ chuyên khoa.
Chúc bạn mau khỏi bệnh!
Em bị táo bón từ rất lâu rồi, khoảng 3-4 năm trở lại đây. Khoảng một tuần em mới đại tiện 1-2 lần mặc dù đã cố gắng ăn rất nhiều rau và bổ sung đầy đủ nước. Em có nên sử dụng men tiêu hóa, men vi sinh không thưa bác sĩ vì e sợ lạm dụng men tiêu hóa, men vi sinh về ...
Chào bạn!
Táo bón biểu hiện bằng việc đi ngoài khó, tần suất đi ngoài rất thấp dưới 3 lần/tuần, phân cứng, có thể nhỏ. Có rất nhiều nguyên nhân gây táo bón, chẳng hạn do dùng thuốc, chế độ ăn, lối sống. Một số trường hợp phụ nữ có thai, người có bệnh lý đại tràng hoặc hội chứng ruột kích thích cũng dễ xuất hiện táo bón. Điều trị táo bón phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Trong đó, người ta thường nói đến việc sử dụng hai loại men là men tiêu hóa và men vi sinh, nhưng nhiều người rất hay nhầm lẫn giữa chúng. Men tiêu hóa chỉ bổ sung ở những người thiếu hụt men tiêu hóa như trẻ nhỏ, người mắc các bệnh lý rối loạn bài tiết dịch tụy, còn lại các trường hợp khác không có chỉ định sử dụng. Men vi sinh, hay còn gọi là probiotic, thường là các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, khi sử dụng sẽ làm tăng lượng vi khuẩn có lợi và hạn chế vi khuẩn có hại. Các vi khuẩn có lợi sẽ sản sinh ra vitamin, axit béo, hấp thu lại các axit mật, cải thiện tần suất và chất lượng phân, nhờ vậy giảm táo bón.
Tuy nhiên, men vi sinh chỉ sử dụng ở những bệnh nhân táo bón mà có biểu hiện rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột, chẳng hạn ở trẻ em do hệ vi khuẩn chưa hoàn chỉnh hoặc ở những người sử dụng thuốc như sắt, thuốc kháng sinh làm rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột, hoặc phụ nữ có thai. Những trường hợp táo bón do nguyên nhân khác không cần thiết phải sử dụng men vi sinh này.
Men vi sinh khá an toàn, nhưng khi sử dụng không đúng cách cũng có thể gây ra triệu chứng đầy bụng, chướng hơi hoặc nhiễm trùng đường ruột đối với trường hợp suy giảm miễn dịch. Khi sử dụng men vi sinh cần phải biết loại men đó có đúng là loại vi khuẩn có lợi cho đường ruột không. Có hai loại vi khuẩn phổ biến có lợi cho đường ruột trong men vi sinh, là vi khuẩn lactobacillus và bifido bacteria. Người ta cũng thấy muốn sử dụng men vi sinh hiệu quả thì số lượng vi khuẩn trong men phải đủ số lượng trên một tỷ vi khuẩn thì mới có hiệu quả. Số lượng ít quá cũng không đảm bảo hiệu quả cho đường tiêu hóa.
Ngoài ra, dạng bào chế men vi sinh cũng rất quan trọng, vì dạng bào chế thích hợp mới bảo đảm lượng men sống sót qua đường tiêu hóa, qua dạ dày, ruột và có hiệu quả ở đại tràng. Men vi sinh còn xuất hiện trong một số loại thức ăn như sữa chua, kim chi, dưa muối, do vậy chúng ta hoàn toàn có thể bổ sung men vi sinh nhờ chế độ ăn chứ không nhất thiết phải sử dụng dưới dạng bào chế.
Nếu bạn có thắc mắc thêm, xin vui lòng liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh qua số điện thoại 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng!
Em là nữ văn phòng, 24 tuổi. Em đang có biểu hiện của bệnh trĩ nội giai đoạn sớm. Bác sĩ cho em hỏi các phương pháp điều trị bệnh trĩ ạ. Đối với giai đoạn của em thì nên áp dụng phương pháp nào?
Chào bạn!
Trĩ là bệnh lý đường tiêu hóa rất phổ biến, với biểu hiện là ngứa rát hậu môn, chảy máu, hoặc một số trường hợp phát hiện các khối lồi trong hậu môn. Đối với trĩ, người ta thường chia thành các mức độ 1-4 theo độ nặng nhẹ, dựa trên việc búi trĩ có sa ra phía ngoài hoặc gây biến chứng không. Điều trị trĩ nội phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh. Trường hợp của bạn có thể đang ở giai đoạn một, nếu không có triệu chứng hay biến chứng như chảy máu thì chỉ cần thay đổi lối sống và chế độ ăn. Những trường hợp có biến chứng có thể dùng thuốc làm giảm áp lực búi trĩ hoặc sử dụng phương pháp nội soi để thắt búi trĩ nếu có chảy máu.
Chúc bạn mau khỏe!
Tuần trước em đi khám thì phát hiện bị HP dạ dày, gia đình em trước đó đã có bố và mẹ cùng bị. Em tìm hiểu thông tin thì được biết những người nhiễm virus HP có khả năng bị ung thư dạ dày, điều này có đúng không thưa bác sĩ? Em và bố mẹ nên làm gì, ăn uống sinh hoạt ra ...
Chào bạn!
Vi khuẩn HP là tác nhân gây bệnh ở dạ dày, có thể gây loét dạ dày, ung thư dạ dày... Tỷ lệ nhiễm HP trên thế giới vào khoảng 50% dân số, ở Việt Nam theo một số thống kê khoảng 60-70% dân số. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp nhiễm HP đều có nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Người ta cho rằng ung thư dạ dày là một quá trình tiến triển, từ nhiễm HP rồi tiến triển đến viêm teo niêm mạc dạ dày, dị sản ruột, loạn sản và ung thư dạ dày. Tuy nhiên, không phải chủng HP nào cũng gây ra ung thư dạ dày. Có khoảng 200 chủng HP, chỉ những vi khuẩn HP có độc lực, nghĩa là có gen gây bệnh thì mới có khả năng gây tổn thương dạ dày, gây viêm teo dạ dày và tiến triển thành ung thư dạ dày.
Ngoài ra, các yếu tố như viêm teo niêm mạc dạ dày mức độ nặng, dị sản ruột hoặc loạn sản, tiền sử gia đình có người bị ung thư dạ dày là những yếu tố gây ung thư dạ dày cao hơn so với nhiễm HP. Trong trường hợp có nhiễm HP mà không có tổn thương dạ dày hoặc gia đình không có tiền sử ung thư dạ dày, thì bạn có thể yên tâm là HP rất ít nguy cơ tiến triển thành ung thư. Nếu không có tổn thương trên nội soi hoặc triệu chứng gì bất thường, gia đình bạn có thể sinh hoạt bình thường và chỉ cần theo dõi định kỳ.
Trân trọng!