VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ ba, 11/2/2025

Chị gái em nay 36 tuổi, đã có một bé gái. Sau đó chị có một lần mổ thai ngoài tử cung, một lần hủy thai do phát hiện dị tật. Giờ chị gái em mong có thêm bé nữa, tình trạng kinh nguyệt không đều, khi quan hệ thì tinh trùng của tràn ra ngoài. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp.

Đặng Thu Trà, 32 tuổi, Lào Cai

Bác sĩ Nguyễn Lệ Thủy

Bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Chào bạn,

Chị gái bạn đã từng có một lần sinh con khỏe mạnh, sau đó có tiền sử mổ thai ngoài tử cung và hủy thai do dị tật. Tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề thai dị tật này và cần thêm các thông tin xem đó là dị tật gì cũng như nguyên nhân nào gây ra dị tật để có hướng tư vấn, hỗ trợ cho chị bạn chính xác hơn.

Một vấn đề khác là chị bạn năm nay đã 36 tuổi, là thời điểm mà người phụ nữ cần được hỗ trợ sinh sản một cách tích cực hơn. Vì càng lớn tuổi, tỷ lệ thành công khi hỗ trợ sinh sản càng giảm xuống. Do đó, chị gái bạn nên nhanh chóng mang các kết quả xét nghiệm và hồ sơ theo dõi thai kỳ những lần trước đó đến gặp bác sĩ, để được chỉ định làm các xét nghiệm bổ sung cần thiết và đưa ra hướng hỗ trợ kịp thời. Chúc chị gái bạn sớm đón tin vui!

Điều trị vô sinh hiếm muộn
 
 

Vợ chồng chị gái em đi chữa hiếm muộn 17 năm rồi, chọc trứng 5 lần, chuyển phôi 6 lần. Một lần có beta, thai 5 tuần rưỡi thì sảy. Lần thứ 2 chị gái em có AMH 1,6, chọc được 3 trứng, tạo được 3 phôi, chuyển phôi trữ, nhưng vẫn không đậu? Xin bác sĩ cho em hỏi nguyên nhân do đâu? Chị ...
Phạm Phương Khanh, 34 tuổi, Nam Định

BS.CKI Phan Ngọc Quý

Bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Chào bạn,

Với trường hợp chị gái của bạn, thời gian mong con hơn 10 năm và thực hiện IVF rất nhiều lần, chỉ số AMH của chị bạn cũng không cao, số lượng phôi tạo ra không được nhiều. Thông thường, phụ nữ lớn tuổi trứng sẽ ít hơn, khi thực hiện IVF sẽ khó khăn hơn nhiều do số lượng phôi tạo ra trong một lần là rất ít và tỷ lệ bất thường phôi nhiều.

Với những bệnh nhân lớn tuổi, trong trường hợp thất bại làm tổ nhiều lần nên cân nhắc việc sàng lọc phôi vì bất thường phôi sẽ tăng lên theo độ tuổi. Ví dụ phụ nữ 40 tuổi sẽ có tỷ lệ phôi trung bình khoảng 10% là bình thường, 90% là phôi bất thường. Với tỷ lệ này, người phụ nữ nếu may mắn sẽ có được phôi bình thường ngay từ lần đầu tiên nhưng ngược lại, có những người có nhiều phôi hơn nhưng chưa tìm thấy được phôi bình thường.

Khi có những phôi bất thường đó mà không làm sàng lọc, người phụ nữ vẫn chuyển phôi thường sẽ không đậu thai. Trong trường hợp có đậu thì những phôi đó có thể gây thai bất thường dẫn tới sẩy thai sớm, thai sinh hóa hoặc thai bị dị tật, lúc này quá trình xử lý sẽ rất phức tạp. Do đó, khi thực hiện IVF có phôi, chị bạn nên thực hiện sàng lọc phôi trước khi chuyển phôi. Ngoài ra, ở độ tuổi lớn khi thực hiện IVF, cần kiểm tra vấn đề sức khỏe mang thai xem có xuất hiện các vấn đề gì về tuyến giáp, tiểu đường, buồng trứng hay không để kịp thời xử trí.

20
 
 

Em làm IVF 4 lần, một lần thai sinh hóa, 2 lần phôi ngày 5 sàng lọc không đủ tốt, lần 4 chuyển phôi ngày 5 nhưng thai lưu tuần 5. Em không biết nguyên nhân tại sao, tất cả các lần trước em đều dùng phôi ngày 5. Giờ em chỉ còn 2 phôi ngày 3 thì không biết chuyển phôi có được không, ...

Lê Thị Ánh, 36 tuổi, Thanh Hóa

BSNT Lê Quang Đô

Bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Chào bạn,

Rất chia sẻ với trường hợp của bạn, theo như bạn chia sẽ thì bạn đã làm IVF 4 lần và chuyển phôi 2 lần. Trong 2 lần chuyển phôi có một lần thai sinh hóa và một lần thai lưu 5 tuần. Điều này cho thấy thai của bạn đã có sự làm tổ nhưng vì nguyên nhân nào đó mà không tiếp tục phát triển nữa.

Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân hay gặp là do phôi bị bất thường, nhóm nguyên nhân thứ 2 là do các bất thường ở tử cung, nhóm nguyên nhân thứ 3 là do cơ thể mẹ có các bệnh lý bất thường như tiểu đường, antiphospholipid... và một số trường hợp không rõ nguyên nhân. Để xác định mình thuộc nhóm nguyên nhân nào, rất mong vợ chồng anh chị đến thăm khám sớm để các bác sĩ tư vấn và làm một số xét nghiệm tìm nguyên nhân như xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ hai vợ chồng, antiphospholipid, xét nghiệm đứt gẫy DNA tinh trùng... và đưa ra cho anh chị hướng xử trí cụ thể cho lần chuyển phôi tiếp theo.

Thân mến!



thai
 
 

Em chào bác sĩ ạ. Vợ chồng em cưới nhau được hơn một năm. Vợ chồng em mới đi khám hiếm muộn thì bác sĩ bảo em bị đa nang buồng trứng, vòi trứng một bên thông hạn chế và một bên rất hạn chế. Ngoài ra em còn bị niêm mạc tử cung mỏng. Chồng em làm tinh dịch đồ tất cả các chỉ ...

Lê Thu Mai, 27 tuổi, Thanh Hóa

BS.CKI Phan Ngọc Quý

Bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Chào chị,

Trường hợp của chị mắc hội chứng buồng trứng đa nang và vòi trứng một bên thông hạn chế, một bên rất hạn chế và niêm mạc tử cung mỏng.

Thứ nhất, hội chứng buồng chứng đa nang là hội chứng bệnh lý toàn thân không chỉ riêng buồng trứng. Khi mắc bệnh, người bệnh sẽ bị rối loạn chuyển hóa và rối loạn một số chức năng của các cơ quan khác, ví dụ như tuyến giáp và tiểu đường. Nếu tiểu đường tăng lên sẽ khiến cho chỉ số AMH kém đi hoặc tăng biến chứng thai kỳ như thai lưu, đa ối, sinh non.

Với trường hợp buồng trứng đa nang này, đôi khi phụ nữ có kinh nguyệt rất thưa hoặc trứng không phát triển sẽ khiến phụ nữ gặp tình trạng hiếm muộn. Lúc này, các bác sĩ sẽ điều trị bằng cách kiểm soát vấn đề liên quan tới rối loạn chuyển hóa, rối loạn các cơ quan toàn thân và kiểm soát vấn đề rụng trứng. Cách kiểm soát tốt nhất là khám về nội tiết. Nếu nhận thấy thể trạng bình thường, phụ nữ sẽ được kích thích buồng trứng để làm IUI.

Thứ hai là vòi chứng một bên thông hạn chế, một bên rất hạn chế. Nếu đã được đánh giá là thông, chị vẫn có cơ hội có thai tự nhiên. Trong trường hợp này, chị không cần quá lo sợ, chị hoàn toàn có thể tự tin để bơm IUI nếu tinh trùng của chồng tốt.

Thứ ba là vấn đề niêm mạc mỏng. Không biết chị đã có can thiệp gì vào buồng tử cung hay không vì trước đó, nếu phụ nữ mắc buồng trứng đa nang thì thường gặp tình trạng niêm mạc dày và quá xa. Như vậy, cần đánh giá lại thật kỹ tình trạng bệnh lý của chị để đưa ra chỉ định điều trị phù hợp nhất.

Nếu có thêm bất kỳ thắc mắc gì, chị có thể liên hệ qua Tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội), 0287 102 6789 (TP HCM) hoặc nhắn tin qua fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được hỗ trợ. Thân mến!

14
 
 

Nay em 35 tuổi đã có một bé 8 tuổi. Em bị thai lưu 2 lần (17 tuần năm 2018, 24 tuần năm 2020). Em muốn có bé thứ 2 thì có cơ hội mang thai tự nhiên không hay em phải làm IVF để sàng lọc phôi tốt mới thành công ạ? Mong bác tư vấn giúp em!

Trần Quỳnh Chi, 35 tuổi, Hà Nội

BSNT Lê Quang Đô

Bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Chào anh chị!

Rất cảm ơn anh chị đã gửi câu hỏi. Trường hợp của anh chị đã có hai lần thai lưu khi 17 tuần và 24 tuần, đây là tuổi thai khá lớn. Nguyên nhân thai lưu ở các tuổi thai lớn thế này cũng có nhiều nguyên nhân, trong đó có các nguyên nhân hay gặp như: về phía thai do thai có bất thường lớn, có thể liên quan đến yếu tố di truyền hoặc không hoặc các bệnh lý bánh rau. Về phía mẹ có thể do một số bất thường như tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, các nhiễm trùng trong quá trình mang thai, antiphospholipid.... còn lại một số trường hợp không rõ nguyên nhân.

Do đó trước khi quyết định mang thai tiếp, anh chị nên đến thăm khám để các bác sĩ tư vấn và làm một số xét nghiệm tìm nguyên nhân như xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ, antiphospholipid và một số thăm dò khác để tư vấn cho anh chị hướng xử trí tiếp theo là nên mang thai tự nhiên hay làm IVF.

12
 
 

Em năm nay 35 tuổi, đã có một cháu 9 tuổi, muốn sinh con thứ 2 nhưng 5 năm rồi vẫn chưa có. Đi khám nhiều nơi, chồng em bình thường, em thì phát hiện hở vết mổ tử cung ứ dịch 15 mm×10 mm gần bàng quang. Bác sĩ bảo trường hợp này rất khó chữa trị. Bác có thể tư vấn giúp em ...

Nguyen Thị bích Hồng, 35 tuổi, quận Hải Châu, Đà Nẵng

Bác sĩ Lê Xuân Nguyên

Bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BVĐK Tâm Anh, TP.HCM

Chào chị Bích Hồng,

Chúng tôi xin chia sẻ cùng lo lắng của vợ chồng anh chị. Hở sẹo mổ lấy thai là một trong những căn nguyên gây ảnh hưởng đến vấn đề làm tổ của phôi do sự ứ động dịch tại vết mổ khiến cho môi trường trong lòng tử cung luôn "ẩm ướt" và có thể gây viêm nội mạc tử cung. Tuy nhiên, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (IVFTA) đã có phương pháp điều trị nhằm giúp cải thiện tình trạng ứ dịch như trường hợp của anh chị. Để được đánh giá tình trạng ứ dịch vết mổ và đưa ra giải pháp điều trị phù hợp, anh chị nên thu xếp thời gian đến thăm khám sớm. Chúc anh chị sớm có tin vui!

Thân mến!

Bác sĩ cho cháu hỏi cháu từng làm IVF năm 2016. Nhưng chưa được. Hiện giờ cháu đang bị dính buồng tử cung và đã mổ nôi soi nhưng khi chụp lại vẫn chưa thông. Giờ cháu muốn được tư vấn xem có phương pháp nào cải thiện tình trạng không?

Lê Hồng Minh, 31 tuổi, Hà Nội

BS.CKI Phan Ngọc Quý

Bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Chào chị,

Đối với dính buồng tử cung, có khoảng 8-10% các trường hợp sau mổ có khả năng bị dính lại. Khi bị dính lại như vậy, các bác sĩ sẽ phải tiến hành phẫu thuật lại. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ có thể cần sử dụng một số vật liệu chống dính và sau mổ người bệnh sẽ cần sử dụng thêm một số loại thuốc nội tiết hỗ trợ niêm mạc phát triển tốt hơn, tránh trường hợp dính lại.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh có cơ địa dính thì niêm mạc tử cung của người bệnh dính lại rất dễ. Mặc dù đã sử dụng vật liệu chống dính rồi nhưng vẫn có thể bị lại hoặc nó bị ở vị trí mới mà những vật liệu đó không có tác dụng thì phẫu thuật lại là cần thiết.

Trong một số trường hợp, việc phẫu thuật lại có thể không mang lại lợi ích. Khi đó, các bác sĩ vẫn sẽ cân nhắc chuyển phôi nếu phần dính đó không ảnh hưởng tới khả năng đậu thai và sự phát triển của em bé. Còn trong trường hợp có ảnh hưởng bắt buộc chị phải phẫu thuật lại.

Thân mến!


IVF
 
 

Em được chỉ định có hai sự lựa chọn tại phòng khám, mổ thăm dò tử cung sau sạch kinh và tiêm kích trứng ngày 2 chu kỳ kinh tới, nếu đạt yêu cầu để tiêm. Em hoang mang không biết lên làm phương pháp nào trước. Em đã bị sẩy thai sớm tự nhiên 2 lần khi siêu âm không có túi thai trong ...

Đoàn Thị Vân, 29 tuổi, Yên Bái

BSNT Lê Quang Đô

Bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Chào chị!

Trường hợp của anh chị, hai lần trước có xét nghiệm beta HCG (+) nhưng sau đó siêu âm không thấy túi thai và beta giảm dần thì được chẩn đoán là thai sinh hóa. Thai sinh hóa có rất nhiều nguyên nhân, có thể là do phôi bất thường, do tử cung có bất thường hoặc cơ thể người mẹ có những bất thường gây ảnh hường đến sự làm tổ của phôi. Việc chỉ định mổ nội soi thăm dò buồng tử cung mục đích là để đánh giá buồng tử cung trước chuyển phôi xem có gì bất thường không, nếu có bất thường thì có thể xử lý để tăng tỷ lệ thành công của lần chuyển phôi tiếp theo. Việc mổ nội soi thăm dò trước hay sau kích trứng đều được và không ảnh hưởng gì cả.

Hiện tại, tôi chưa có nhiều thông tin của anh chị như các thông tin về hai lần làm IVF trước đây, do đó chưa thể tư vấn cụ thể hơn cho anh chị. Hy vọng có thể gặp chị để thăm khám trực tiếp và có những chẩn đoán cụ thể hơn.

Thân mến!

mổ thăm dò tử cung
 
 

Chồng cháu làm xét nghiệm đứt gãy tinh trùng DFI 59,1% thì làm IVF có được không?

Trần Phương Lâm, 26 tuổi, Tuyên Quang

BS.CKI Cao Tuấn Anh

Bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Chào bạn,

DFI là chỉ số phân mảnh DNA của tinh trùng, đây là một xét nghiệm cơ bản và cũng có khá nhiều người lo lắng khi có chỉ số DFI cao (>30%). Tuy nhiên, không thể sử dụng riêng một kết quả DFI để chẩn đoán, tiên lượng kết quả điều trị IVF. Khi đánh giá kết quả điều trị IVF, cần phải đánh giá yếu tố từ cả hai vợ chồng. Trong đó, điều đầu tiên cần quan tâm là độ tuổi của hai vợ chồng. Vấn đề thứ hai là từ phía người vợ cũng cần đi xét nghiệm AMH, xét nghiệm nội tiết để đánh giá bản thân có yếu tố nào gây hiếm muộn hay không. Về phía người chồng, ngoài kết quả DFI thì chúng tôi còn quan tâm tới kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ, đánh giá mật độ, độ di động cũng như xem xét tinh trùng có bất thường nào đặc biệt hay không.

Trong trường hợp DFI cao, khoa học cũng đã chứng minh rằng có rất nhiều trường hợp có thể thực hiện phương pháp IVF ICSI (bắt từng con tinh trùng bơm vào bào tương noãn). Với phương pháp này, tỷ lệ thành công khá cao và người bệnh có thể có con thành công. Do đó, hai vợ chồng bạn nên thu xếp thăm khám sớm để có được phác đồ điều trị hiệu quả.

t
 
 





Bác cho em hỏi ạ. Vợ chồng em được chỉ định là làm IVF. Chồng em tinh trùng yếu, phân mảnh 35%. Em thì AMH 3,96 tất cả chỉ số khác đều bình thường. Với trường hợp này thì em làm IVF tỷ lệ thành công cao không ạ?

Trần Thị Trinh, 31 tuổi, Hưng Yên

BS.CKI Cao Tuấn Anh

Bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Chào bạn,

Chỉ số phân mảnh DNA của tinh trùng là một xét nghiệm cơ bản và cũng có nhiều người bệnh có chung băn khoăn như bạn khi thấy chỉ số phân mảnh DNA của tinh trùng cao (>30%) và thường rất lo lắng. Tuy nhiên, kết quả chỉ số phân mảnh AND của tinh trùng không phải là tất cả.
Khi đánh giá tình trạng hiếm muộn của cả hai vợ chồng và tiên lượng kết quả điều trị IVF thì cần thêm những đánh giá tổng thể của hai vợ chồng. Có một thông tin bạn chưa đề cập là tuổi của bạn, ngoài ra bạn cũng có nói chỉ số AMH là 3,96, đây là kết quả trong giới hạn hình thường. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn cần thêm nhiều thông tin khác. Bởi như bạn đã biết, để em bé có thể "làm tổ" trong buồng tử cung thì thứ nhất cần buồng tử cung bình thường, vấn đề thứ 2 là đánh giá phôi có bình thường hay không, thứ 3 là mức độ tiếp nhận của niêm mạc tử cung với phôi đó. Nên vấn đề về tinh trùng chỉ được xem là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới tình trạng vô sinh.

Nếu trong trường hợp chồng bạn chỉ có vấn đề chỉ số phân mảnh DNA của tinh trùng cao thì hiện nay, khoa học đã chứng minh phương pháp IVF ICSI (bắt từng con tinh trùng bơm vào bào tương noãn) có thể khắc phục được tình trạng này và vẫn cho tỷ lệ thụ tinh cao. Do đó, hai vợ chồng bạn nên đi thăm khám chuyên khoa để được các bác sĩ tư vấn cụ thể hơn.

t
 
 

Em siêu âm có 2 nhân xơ kích thước 48x30, 38x20 ở thành trước tử cung. Bác sĩ cho em hỏi kích thước u xơ này có nguy hiểm đến quá trình mang thai không? Em mới có thai IVF. Em lo lắng quá bác ạ. Em cảm ơn bác.

Trịnh Mai Phương, 28 tuổi, Bắc Giang

BS.CKI Cao Tuấn Anh

Bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Chào anh chị!

Tùy vào vị trí u xơ tử cung (UXTC) của chị có gần niêm mạc tử cung hay biến dạng buồng tử cung hay không. Nếu UXTC sát niêm mạc hoặc làm biến dạng buồng tử cung thì có thể làm giảm khả năng mang thai và giảm tỷ lệ thành công khi tiến hành hỗ trợ sinh sản của chị. Do đó, có thể có chỉ định phẫu thuật bóc UXTC trước khi tham gia hỗ trợ sinh sản. Nếu UXTC đó cách xa niêm mạc tử cung và không làm biến dạng tử cung thì nó ít ảnh hưởng đến quá trình phôi làm tổ. Nhưng trong quá trình mang thai, khối u xơ tử cung có thể to thêm và tăng nguy cơ sinh non.

Nếu có điều kiện, anh chị nên đến khám trực tiếp để các bác sĩ thăm khám và đánh giá chính xác vị trí, kích thước, sự tưới máu của UXTC, từ đó có thể tư vấn chính xác nhất tình trạng bệnh lý của chị!


t
 
 

Cháu năm nay 28 tuổi, hiếm muộn gần 4 năm. AMH của cháu thấp, năm 2018 là 0,9, kích trứng làm IUI, sau đó đến 2019 còn 0,65. Năm 2020, trước khi làm IVF chỉ còn 0,45. Mặc dù cháu đã ăn uống tẩm bổ, uống các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ nhưng AMH vẫn tụt.

Tháng 3 vừa rồi, cháu được ...

Phạm Thị Mơ, 28 tuổi, Quảng Ninh

BSNT Lê Quang Đô

Bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Chào bạn,

Trường hợp của bạn năm nay 28 tuổi, nhưng AMH giảm còn khá thấp, chỉ còn 0.45. Điều này cho thấy dự trữ buồng trứng của bạn khá kém. Dự trữ buồng trứng của người phụ nữ phụ thuộc chủ yếu vào tuổi, sẽ giảm dần theo tuổi. Rất tiếc là theo các nghiên cứu hiện tại chưa có loại thuốc hay thực phẩm nào có thể làm tăng dự trữ buồng trứng của người phụ nữ. Do đó, việc sử dụng các thực phẩm chức năng theo như bạn nói sẽ cho hiệu quả không cao. Điều quan trọng là bạn nên kích trứng sớm, vì càng để lâu thì dự trữ buồng trứng sẽ tiếp tục giảm.

Trường hợp của bạn, theo tôi nên tiếp tục làm IVF và hai vợ chồng nên mang theo các kết quả làm IVF lần trước đến bệnh viện để chúng tôi có thể thăm khám cụ thể hơn, từ đó đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.

Thân mến!



Hiếm muộn
 
 

Hiện mình có phôi 5 ngày ở một bệnh viện TP HCM, mình muốn làm IVF ở bệnh viện Tâm Anh có được không?

Hồ Hoàng Triều, 39 tuổi, 92 Đất Thánh, phường 6, Tân Bình, TP HCM

ThS.BS Phạm Thị Bảo Yến

Bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BVĐK Tâm Anh, TP.HCM

Chào anh,

Hiện tại để chuyển phôi qua lại giữa hai trung tâm anh cần cân nhắc một số vấn đề sau:

1. Sự chấp thuận và quy trình chuyển phôi nghiêm ngặt phải được thống nhất chặt chẽ giữa hai trung tâm và người bệnh

2. Quá trình vận chuyển có thể ảnh hưởng đến chất lượng phôi. Do vậy, để quyết định có nên chuyển phôi đến hoặc cân nhắc điều trị chu kỳ kế tiếp, anh chị nên đến thăm khám với các bác sĩ trước, để bác sĩ có thể tư vấn cụ thể hơn cho anh chị! Chúc anh chị nhiều sức khỏe!

Nếu có thêm bất kỳ thắc mắc gì, anh chị có thể liên hệ qua tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc 0287 102 6789 (TP HCM) hoặc nhắn tin qua fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được hỗ trợ. Thân mến!

Cháu chuyển phôi đến hôm nay là ngày 6. Từ hôm qua đến hôm nay, cháu đặt thuốc xong rút tay ra kèm thuốc cũ thì thấy có mùi hôi. Như vậy có làm sao không bác sĩ?

Nguyễn Hồng Nhung, 29 tuổi, Bắc Cạn

BS.CKI Lê Đức Thắng

Bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Chào bạn,

Sau khi bạn chuyển phôi, các bác sĩ sẽ phải sử dụng thuốc để hỗ trợ nội tiết. Các thuốc này có thể dùng bằng nhiều đường khác nhau. Thuốc dùng đường uống thì khá đơn giản, thuận tiện, nhưng có một số loại thuốc phải dùng đường đặt âm đạo hoặc hậu môn. Trong trường hợp của bạn, có thể quá trình đặt thuốc đã đưa những vi khuẩn ở bên ngoài vào âm đạo, gây nên viêm âm đạo. Tuy nhiên để chẩn đoán chính xác, vẫn cần phải có các thăm khám cụ thể.

Ở giai đoạn này, bạn nên liên lạc với bác sĩ điều trị để chuyển loại thuốc đặt âm đạo đó thành thuốc dùng qua đường hậu môn, sau đó theo dõi tiếp triệu chứng. Nếu vẫn còn mùi hôi khó chịu, bạn nên đi khám phụ khoa để xác định xem có tình trạng viêm nhiễm phụ khoa không. Nếu mùi hôi không còn, bạn chưa cần thiết phải tái khám ngay mà chỉ cần khám theo đúng lịch hẹn. Khi tái khám nhớ thông báo đầy đủ tình trạng để bác sĩ nắm được. Chúc bạn sớm có tin vui!

t
 
 


Thưa bác sĩ cháu chuyển phôi hai lần đều không có beta. Bây giờ cháu chỉ còn hai phôi tốt ngày 3 và được tư vấn soi buồng tử cung. Cháu chưa hiểu rõ về phương pháp này mong bác sĩ tư vấn ạ
Nguyễn Phương Linh, 28 tuổi, Yên Bái

BS.CKI Phan Ngọc Quý

Bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Chào bạn,

Bạn đã từng chuyển phôi 2 lần thất bại. Đây là hiện tượng thất bại làm tổ liên tiếp, khi chuyển phôi ít nhất là từ hai lần trở lên đều có phôi tốt mà không có lần nào đậu thai. Khi có hiện tượng thất bại làm tổ liên tiếp, các bác sĩ sẽ cần đánh giá thêm xem người bệnh có các nguyên nhân khác không.

Khi khám IVF, thường bác sĩ sẽ chỉ định một số các biện pháp thăm dò. Người vợ cần thăm dò khả năng mang thai xem có bệnh toàn thân, bệnh lây nhiễm, các bệnh lý về tuyến giáp, tiểu đường hay không. Ngoài ra, bác sĩ sẽ có những chỉ định nhằm đánh giá tử cung, đánh giá buồng trứng, chụp tử cung vòi trứng. Khi nhận thấy tình trạng sức khỏe của người vợ ổn định, các bác sĩ sẽ tiến hành tạo phôi và chuyển phôi vào thời điểm phù hợp.

Tuy nhiên, trong trường hợp những đánh giá cơ bản của người vợ đều bình thường nhưng chuyển phôi thất bại, các bác sĩ cần đánh giá sâu hơn bằng một số biện pháp như soi buồng tử cung, đánh giá sinh thiết niêm mạc hoặc siêu âm đánh giá lại niêm mạc tử cung, cửa sổ làm tổ... đôi khi cần đánh giá lại di truyền của cả hai vợ chồng xem có bất thường di truyền gì không hoặc một số bệnh lý hiếm gặp khác.

Phương pháp soi buồng tử cung là một thủ thuật cho phép quan sát được buồng tử cung của người phụ nữ. Để thực hiện thủ thuật này, bác sĩ sẽ tiến hành sử dụng một camera nhỏ đi trực tiếp vào buồng tử cung để quan sát xem ống cổ tử cung như thế nào, buồng tử cung có đủ rộng hay không, niêm mạc tử cung ra sao, có thể quan sát rõ các cấu trúc trong buồng tử cung hay không và tìm kiếm xem trong buồng tử cung có gì bất thường khiến cho thai khó làm tổ hay không.

Hiện tại, trên thế giới có nhiều nghiên cứu đánh giá về vấn đề này. Một số tác giả cho rằng bất thường có thể phát hiện từ 20-60% các trường hợp soi buồng tử cung. Những nghiên cứu cũng đánh giá trên nhiều đối tượng khác nhau. Ở nước ta, thông thường chỉ đánh giá soi buồng trong trường hợp có thất bại làm tổ liên tiếp do đa phần người bệnh đã có những đánh giá thăm khám cơ bản khá tốt. Ngược lại, trong nhóm chưa chuyển phôi lần nào thì soi buồng tử cung cho thấy không hiệu quả bởi phát hiện bất thường không nhiều trong khi chi phí lớn.

Soi buồng tử cung hiện tại có hai loại là soi trực tiếp tại phòng khám với những dụng cụ rất nhỏ, có thể soi trực tiếp tại phòng khám hỗ trợ sinh sản mà không cần gây mê. Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo để biết bác sĩ đang làm gì cho mình, bác sĩ cũng có thể trao đổi với bệnh nhân. Trường hợp thứ hai là tiến hành soi tại phòng mổ. Khi đó, bệnh nhân sẽ phải gây mê và bệnh nhân có thể phải trải qua một cuộc mổ có thể soi buồng tử cung kèm theo những nội soi ở phía trên ổ bụng.

Nếu trường hợp có những bất thường, bác sĩ có thể sử dụng các dụng cụ để điều trị những bất thường đó, ví dụ như bóc u xơ trong buồng tử cung, cắt polyp trong buồng tử cung hoặc trường hợp soi trên ổ bụng thấy vòi trứng giãn tắc hoặc bị dính thì sẽ kịp thời xử trí. Sau đó, bác sĩ sẽ theo dõi và có những đánh giá lại, khi nào tình trạng ổn định sẽ chỉ định chuyển phôi. Trường hợp bệnh nhân soi buồng tử cung không thấy có gì bất thường thì bệnh nhân có thể tiến hành chuyển phôi ngay chu kỳ tiếp theo.

Thân mến!


phôi không beta
 
 

Em sinh năm 1984, cách đây hai tháng em có làm IVF. Trước khi làm, em cũng không chuẩn bị kỹ vì quá nôn nóng nên quyết định tiêm kích trứng ngay. Kết quả thu được 14 trứng, sau đó được 9 phôi ngày 3. Bác sĩ điều trị cho sàng lọc 4 phôi loại một, nhưng kết quả là cả 4 phôi bị lỗi ...

Nguyễn Tú Linh, 38 tuổi, Hà Nội

Bác sĩ Nguyễn Lệ Thủy

Bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Chào chị,

Đây là câu hỏi chúng tôi thường xuyên gặp phải khi tiến hành biện pháp sàng lọc di truyền tiền làm tổ trước chuyển phôi cho bệnh nhân tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Tâm Anh. Tuy nhiên, vấn đề phôi bị bất thường do bố hay mẹ, do tinh trùng hay noãn, hay do quá trình noãn và tinh trùng gặp nhau thì hiện nay vẫn chưa có tài liệu nào khẳng định chính xác. Nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tuổi người mẹ là một trong những yếu tố liên quan mật thiết đến độ bất thường của phôi. Tuổi người mẹ càng cao thì tỷ lệ phôi bất thường càng lớn. Với những phụ nữ ngoài 40 tuổi, tỷ lệ này có thể lên tới 80-90% phôi trong một lần làm sàng lọc.

Tuy nhiên chị vẫn có thể yên tâm, vì phôi của các lần khác nhau sẽ có chất lượng và kết quả xét nghiệm sàng lọc hoàn toàn khác nhau. Hơn nữa với mỗi chu kỳ, chúng tôi sẽ cố gắng điều chỉnh phác đồ kích thích buồng trứng cũng như các phương pháp nuôi cấy phôi trong lab để đem lại chất lượng phôi tốt nhất cho anh chị. Năm nay chị đã 38 tuổi, vì thế nên nhanh chóng tiến hành hỗ trợ sinh sản thêm một lần nữa, đồng thời mang theo kết quả làm IVF trước đó khi đến gặp bác sĩ để chúng tôi cân nhắc, điều chỉnh phác đồ điều trị tiếp theo phù hợp cho chị.
Chúc chị sớm đón được con yêu!

t
 
 


Tôi bị ứ dịch vòi trứng, còn trứng và nội tiết tố bình thường thường. Như trường hợp của tôi có nên làm IVF không và tỷ lệ thành công khoảng bao nhiêu?
Nguyễn Thu Thủy, 33 tuổi, Thái Bình

BS.CKI Lê Đức Thắng

Bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Chào bạn,

Ứ dịch vòi trứng là tình trạng khá phổ biến, một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng hiếm muộn ở phụ nữ. Tùy vào độ tuổi và tình trạng ứ dịch vòi trứng ở mức độ nào mà bác sĩ sẽ xử lý theo 2 phương án sau:

Phương án thứ nhất: Trường hợp người phụ nữ có dự trữ buồng trứng tốt, trẻ tuổi, không có yếu tố bất thường gì khác ngoài ứ dịch vòi trứng, chúng tôi có thể cân nhắc mổ tạo hình lại vòi trứng. Sau đó có thể chờ có thai tự nhiên hoặc dùng phương pháp hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp lọc rửa và bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI).

Phương án thứ hai: Đối với trường hợp có các bất thường khác đi kèm hoặc đã lớn tuổi, ưu tiên của chúng tôi là thụ tinh ống nghiệm, tạo phôi, sau đó dùng các kỹ thuật chuyển phôi vào buồng tử cung.

Tuy nhiên, tỷ lệ thành công khi chuyển phôi ở những người có ứ dịch vòi trứng sẽ giảm đi, do đó chúng tôi vẫn cần thông tin những lần thăm khám siêu âm của bạn. Nếu có ứ dịch, chúng tôi sẽ cân nhắc quyết định mổ xử lý tình trạng ứ dịch trước khi chuyển phôi. Quyết định này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là độ tuổi và số phôi bạn có.

t
 
 

Vợ chồng em hiếm muộn gần 3 năm rồi. Cách đây 3 năm em mổ u lạc nội mạc bóc tách 2 bên buồng trứng, do mổ bị ảnh hưởng nên em bị suy buồng trứng mà không biết, lúc khám thì AMH chỉ còn 0,06, một bên buồng trứng không quan sát được. Em cũng chạy chữa, uống thuốc, IUI hai lần mà không ...

Cao Thị Sao Mai, 29 tuổi, Yên Bái

BS.CKI Lê Đức Thắng

Bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Chào chị

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng khá phổ biến, để lại nhiều vấn đề về sức khỏe sinh sản và chất lượng cuộc sống người phụ nữ. Chị có lạc nội mạc tử cung ở hai bên buồng trứng và đã được phẫu thuật. Sau phẫu thuật, tỷ lệ dự trữ buồng trứng còn rất thấp. Với dự trữ buồng trứng thấp như vậy thì khi làm IVF để tạo ra phôi, số lượng phôi thu được sẽ không nhiều, do đó tỷ lệ thành công là không cao. Tuy nhiên, chị có một lợi thế là chưa quá lớn tuổi, chất lượng trứng vẫn còn khá tốt, có thể trứng chỉ còn 2-3 quả nhưng chất lượng tốt thì vẫn có thể tạo được những phôi tốt.

Chúng tôi rất mong được thăm khám trực tiếp với chị, đặc biệt là cần thêm thông tin về số lượng nang trứng vào ngày thứ 2 của kỳ kinh, để hội chẩn và đưa ra phác đồ kích trứng phù hợp. Mục đích của việc kích trứng là tạo được nhiều nang trứng nhất có thể, sau đó chọc hút trứng, tạo phôi và chuyển phôi vào buồng tử cung.

Vấn đề tinh trùng của chồng chị không quá đáng ngại khi làm thụ tinh ống nghiệm. Chúng tôi sẽ tư vấn kỹ hơn cho chị và chồng chị khi thăm khám trực tiếp. Mong được gặp anh chị một ngày gần nhất.

t
 
 


Em chuyển phôi 3 lần đều không có beta, xét nghiệm nhiễm sắc thể 2 vợ chồng đều không sao. Khám tổng quát, 2 vợ chồng bình thường mà vì tuổi cao nên em làm IVF. Suốt 2018 đến giờ, chuyển phôi 3 lần không đậu. Không biết vợ chồng em cần phải xét nghiệm gì nữa? Xin bác sĩ tư vấn giúp em.

Nguyễn Bích Tiền, 34 tuổi, Lạng Sơn

BS.CKI Lê Đức Thắng

Bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Chào chị,

Chuyển phôi thất bại nhiều lần là vấn đề đau đầu của cả bác sĩ và bệnh nhân, bởi có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Các nguyên nhân đó có thể chia làm 3 nhóm chính: do bất thường của phôi, do bất thường niêm mạc tử cung (nơi phôi thai bám vào làm tổ), hoặc phôi và niêm mạc bình thường nhưng cửa sổ làm tổ bị lệch nên phôi không tương tác được với niêm mạc tử cung.

Đối với những người có tiền sử 3 lần chuyển phôi thất bại, điều chúng tôi nghĩ đến đầu tiên là soi xem buồng tử cung có gì bất thường hay không. Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoaTâm Anh, chúng tôi triển khai các kỹ thuật để thăm khám buồng tử cung hiện đại và cập nhật nhất, chẳng hạn soi buồng tử cung để biết được các tổn thương trong buồng tử cung mà các phương pháp thông thường không tìm ra được. Sau khi loại trừ các bất thường của buồng tử cung, chúng tôi sẽ cố gắng tạo ra được nhiều phôi và chọn những phôi tốt nhất để chuyển trong lần đầu tiên. Mong sớm được gặp chị và chồng để chúng tôi thăm khám cụ thể, từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp.

t
 
 



Vợ chồng em đã làm IVF tại Tâm Anh. Hôm nay là ngày 29 sau chuyển phôi, beta đang giảm dần xuống còn 212. Trước đó, vợ em tiền sử 2 lần thai lưu tự nhiên. Bác sĩ cho em lời khuyên qua tết chuyển phôi tiếp hay có hướng nào khác không? Em cảm ơn bác sĩ.

Hoàng Văn Phúc, 36 tuổi, Hà Nội

BS.CKI Cao Tuấn Anh

Bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Chào anh, chị!

Tôi rất tiếc về trường hợp của hai vợ chồng! Theo tôi, anh chị vẫn nên đến khám để chúng tôi đánh giá lại tình trạng sức khỏe và tiền sử trước đó của hai vợ chồng xem có vấn đề gì bất thường không, có cần phải làm thêm các xét nghiệm hay thăm dò chuyển sâu khác như soi buồng tử cung, làm xét nghiệm tìm nguyên nhân như nhiễm sắc thể, hội chứng antiphospholipid của vợ.... nếu như anh chị có tiền sử chuyển phôi nhiều lần thất bại, hỏng thai nhiều lần liên tiếp.

t