Bài viết Cả làng 'vần công' mừng đám cưới nhận được nhiều quan tâm của độc giả. "Vần công", bên cạnh mặt tích cực cho thấy tình nghĩa xóm giềng nhưng cũng có nhiều điểm hạn chế trong cuộc sống hiện đại.
Độc giả có nickname TH kể:
"Cậu tôi làm công nhân, vài hôm lại xin nghỉ vì giỗ chạp, cưới xin không chỉ ở nhà mình mà trong họ nội ngoại của mình, họ nội ngoại nhà vợ và cả hàng xóm nữa. Mỗi lần có đám trong làng ngoài ngõ là phải nghỉ ít nhất hai ngày: một ngày dựng rạp một ngày cỗ chính.
Cậu bảo không đi người ta nói, rồi khi nhà mình có việc không ai giúp, có tiền thuê dịch vụ nhưng vẫn bị chê cười vì không có nhiều người đến giúp...
Cứ bảo giúp nhau tự làm sẽ đỡ tốn chi phí cho nhà chủ nhưng thay vì một bữa cỗ chính như ở thành phố, trưa ngày dựng rạp đã bắt đầu ăn cỗ, tối ngày dựng rạp cũng vài chục mâm chỉ để phục vụ đội nhặt rau làm gà (một con gà 3-4 người làm).
Cỗ chính bữa trưa cả trăm mâm thì bữa tối cũng vẫn vài chục mâm, rồi vài mâm ngày dỡ rạp nữa. Người đi ăn cũng không ăn được nhiều nhưng phong tục lấy phần nên nhà chủ phải làm cỗ thật to (nhiều món, món nào cũng nhiều).
Cỗ tự làm ở quê tưởng không đắt mà lại rất tốn kém, mất công mất việc của bao người. Cứ vần công đi giúp đám quanh làng thế nên gần như vài ngày bằng đấy người lại gặp nhau, có gì mà nói ngoài việc buôn chuyện nhà ra chuyện người.
Tôi thương các cậu mợ tôi lọ mọ sớm hôm vất vả với tục lệ. dù sao tôi cũng mừng vì các em tôi giờ ít đứa chăm làm và phần lớn chẳng ngại điều tiếng, nên chả đứa nào đi vần công làm cỗ cả. Cỗ bàn ở quê tôi bây giờ được đặt dịch vụ làm nhiều rồi".
Lấy ví dụ từ người bố làm việc tự do, lúc cao điểm phải phụ giúp 15 đám tiệc trong một tháng, độc giả Hoa Moc Lan cho rằng nên đơn giản hóa đám tiệc để đỡ vất vả khi tổ chức:
"Tôi sợ hãi các đám tiệc kiểu vần công kể cả trên góc độ là chủ nhà hoặc người làm giúp.
Dưới góc độ chủ nhà: Xưa nhà bố mẹ tôi thường phải tổ chức những bữa tiệc kiểu này (thường là đám giỗ, nhiều lần trong năm do bố tôi là con trưởng có nhiệm vụ thờ cúng các cụ, hoặc đám họ hay ăn họ - đám mà chỉ dành riêng cho con trai trong họ) mà thời đó chưa có dịch vụ cho thuê như bây giờ (từ dựng rạp, bàn ghế, bát đũa).
Mẹ tôi phải sắm sửa rất nhiều bát đũa để dùng vào những dịp như thế. Thường trước ngày diễn ra đám tiệc, gia đình tôi phải mất một buổi dọn dẹp nhà cửa để lấy không gian tổ chức đám tiệc (vì nhà chật), mang bát đũa ra rửa trước để hôm sau dùng bát đũa được khô ráo.
Sau đó họ hàng làng xóm có đến góp công sức cùng làm nhưng đồ dùng có thiếu đủ gì cũng là gia đình tôi phải chuẩn bị. Xong việc chúng tôi lại mất thêm một buổi nữa để dọn và sắp xếp đồ đạc về lại như cũ.
Bây giờ bố mẹ tôi đã già, các dịch vụ phục vụ đám tiệc cũng đa dạng hơn nên chúng tôi đã đặt dịch vụ để họ làm hết, giảm bớt phần việc không tên mà gia đình phải chuẩn bị.
Dưới góc độ là người làm giúp: Khi tổ chức đám tiệc kiểu như thế, tôi phải dành thời gian cả ngày hoặc một buổi đến làm giúp và ăn tiệc đồng nghĩa tôi phải xin nghỉ làm ngày hôm đó.
>> Những đám cưới cười ra nước mắt vì phong bì
Tôi nhớ ngày trước cao điểm có những tháng bố tôi phải đi làm giúp 15 cái đám tiệc (đó là bố tôi làm việc tự do nên mới sắp xếp được chứ đến thời chúng tôi thì chắc chắn không thực hiện được kiểu đó).
Nên thay vì đi làm giúp, tôi chỉ tranh thủ hết giờ làm về đi đám tiệc hoặc tranh thủ giờ nghỉ trưa đến ăn tiệc xong rồi lại về làm (với các đám tiệc ở gần, thời gian đi lại ít).
Chính vì những lý do trên nên tôi ủng hộ việc đơn giản hóa các đám tiệc (giảm quy mô khách mời, dịch vụ trọn gói) hoặc với các đám tiệc lớn nên sử dụng dịch vụ và tổ chức ở những nơi chuyên biệt (nhà hàng, khách sạn) tránh ảnh hưởng tới hàng xóm và những khách được mời tham dự".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.