Tôi ở làng quê miền Bắc. Cách đây 15 - 20 năm về trước, khi mà đời sống người dân chưa phải dư dả gì thì mỗi bừa cỗ cưới, ngày tết là cơ hội để mọi người được ăn bữa ngon.
Nhưng giờ điều kiện kinh tế đã khá hơn. Ngày thường muốn ăn gì cơ bản đều có cả. Nhưng cỗ cưới người ta vẫn làm thế, có chăng là thêm vài món so với trước như tôm, mực...
Đi các đám cưới tôi thấy gần như đám nào cũng thừa món gà luộc, giò nạc, giò mỡ. Các món như bò xào, trâu xào thì toàn thịt và rất nhiều dầu ăn, mỡ mà rất ít rau.
Ngồi nói chuyện với nhiều người thì đều bảo cỗ chỉ cần chút thịt và xào nhiều rau, ít dầu. Không cần gà luộc cũng được bởi cỗ nhiều món nên món gà cũng ít người ăn. Tuy nhiên khi đến lượt nhà họ sắp cỗ thì vẫn y nguyên món đó.
>> 'Hủ tục' karaoke, nhạc sống đám cưới
Một nguyên nhân đúng như nhiều người nói đó là "sợ mang tiếng", sợ mọi người bảo cỗ nhỏ. Nhưng thực tế mấy ai chê cỗ đâu bởi họ đi đám cưới giờ không phải chỉ để ăn như ngày xưa. Chỉ có số ít người quan tâm cỗ to bé thôi .
Và sau mỗi đám cưới thì thịt gà thường thừa 70-80% . Thừa có nhiều lý do như nhà làm đám cưới sợ chặt bé thì mọi người chê nên chặt rất to. Mà chặt to nhìn vào ai cũng sợ nên ngại gắp. Chặt to thì lại phải dùng tay nên cũng ngại, gà luộc để lâu nguội ngắt nên không ngon... Các món xào nhiều dầu mỡ cũng thừa nhiều.
Nhưng cuối cùng đám nào cũng thế, không ai dám thay đổi cả. Với họ bắt buộc phải có món gà luộc, không có không được. Tôi nghĩ để thay đổi thực trạng không khó, chỉ là người ta không muốn thay đổi hoặc không có người tiên phong thay đổi.
Thanh Y
*Quan điểm của bạn thế nào?
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.