Lúc về thăm nhà vào tuần rồi, không thấy mẹ đâu, tôi chưa kịp hỏi thì đứa cháu lên tiếng: "Bà nội đi phụ làm đám cưới rồi". Thì ra hôm nay là ngày nhóm họ đám cưới con của mợ Tư, một người hàng xóm của nhà tôi. Dù được "chế" vì ở xa, tôi vẫn sửa soạn qua nhà để phụ giúp gia đình người hàng xóm này.
Ở miền Tây, lễ cưới được diễn ra trong hai ngày: ngày nhóm họ và ngày chính thức. Nhóm họ là ngày vui nhất của một đám cưới khi họ hàng, lối xóm gần xa đều tề tựu lại nhà tổ chức tiệc cưới để phụ giúp, cười nói rôm rả.
Một người phụ nữ có tuổi, khéo tay nhất được cử làm thợ cả để chỉ huy cánh phụ nữ nấu nướng. Sáng sớm của buổi nhóm họ đó, chị em đi chợ mua thực phẩm, lặt rau, xào nấu... những món ăn sẽ đãi thực khách. Tất nhiên là những món trong thực đơn đã được thông qua ý kiến của gia chủ từ trước. Đàn ông, thanh niên thì phụ mổ heo, làm cổng, dựng rạp.
Tất nhiên bây giờ không còn cảnh chặt tre, căng bạt nylon như xưa mà mướn từ dịch vụ cho thuê rạp, nhưng vẫn cần người của chủ nhà giúp một tay để mọi thứ hoàn thiện một cách nhanh gọn.
Chuyện nấu nướng cũng thế, tuy có dịch vụ trọn gói nhưng mọi người ở quê tôi vẫn thích những buổi nhóm họ như thế. Vừa giúp cho gia chủ đỡ tốn tiền công mướn người, vừa là cơ hội để làng xóm có dịp tụ họp lại "tám chuyện", cười cười nói nói.
Dĩ nhiên chuyện phụ làm đám cưới này là theo kiểu "vần công", tức là đổi công lao động. Hình thức "vần công" này cũng xuất hiện trong lao động ngày trước như cấy lúa, gặt lúa... Bây giờ máy móc thay thế sức lao động của con người nên hầu như không còn chuyện đi gặt đổi công cho nhau nữa.
Song bây giờ chuyện đi đám cưới kiểu "vần công", một hành động thể hiện tình đoàn kết, tình cảm chòm xóm vẫn phổ biến ở quê tôi.
Hôm nay con mợ Tư cưới, chị An, chị Vân qua phụ nấu nướng thì lúc chị Vân gả con, mợ Tư lại sang phụ một tay. Họ sẵn sàng gác lại công việc cá nhân để thể hiện tình làng xóm "tối lửa tắt đèn" có nhau.
Đám cưới thì vẫn không thể thiếu được chuyện phong bì mừng cưới cho đôi trẻ. Dĩ nhiên là cũng tính luôn vào "vần công": hôm nay mừng họ thì bữa sau họ mừng lại cho mình.
Chi phí tổ chức mỗi đám cưới thường hàng chục triệu đồng, một số tiền không nhỏ so với thu nhập của người ở quê. Những chiếc phong bì mừng cưới cũng là cách "huy động vốn" để giúp cho chủ nhà tổ chức tươm tất hơn. Bánh ít đi thì bánh quy lại, sau này đến lượt mình thì họ cũng trả lại mà thôi.
Cuộc sống ở thành thị thì có lẽ với nhiều chi phí sinh hoạt cũng như tình cảm xóm giềng, đồng nghiệp chỉ dừng ở mức xã giao nên chuyện mời cưới và phong bì đám cưới khá nhạy cảm và nhiều người nghĩ tiêu cực về nó.
Riêng tôi, từ ngày lên thành phố học tập rồi sinh sống, tôi vẫn áp dụng lối suy nghĩ "vần công" này mỗi khi được mời cưới cho thanh thản đầu óc. Mình mừng cho họ, sau này tất nhiên họ cũng mừng lại cho mình. Nếu chẳng may họ "quên" thì cũng không đáng để bận tâm, vì khi mình dự tiệc cũng giống như chi phí đi ăn nhà hàng mà thôi.
Tôi nghĩ nếu một ngày nào đó, chuyện đi đám cưới kiểu "vần công" này mất đi thì thủ tục, tiệc tùng đám cưới cũng đã đơn giản hơn bây giờ. Lúc đó, rất có thể các đôi trẻ sẽ chọn mời bạn bè thân thiết dự tiệc ở một bãi biển, hoặc tiệc thân mật chỉ diễn ra trong nội bộ gia đình, sau đó phát thiệp báo hỷ cho bạn bè biết mà thôi. Lúc đó, chắc mọi người sẽ nhớ những lúc đi ăn cưới "vần công".
Hậu Thành
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.