Bao năm nay cứ đến hẹn lại lên, chuyện mặt sân Mỹ Đình lại "nóng" lên mỗi lần đội tuyển quốc gia lại xỏ giày ra sân thi đấu quốc tế. Từ chất lượng mặt cỏ, đến cái ghế ngồi của ban huấn luyện, hay mới đây hài hước hơn là khung thành bị bung xà ngang vì thủ môn... quá cao.
Tất tần tật những điều oái ăm trên tưởng chừng chỉ xảy ra ở các sân vận động địa phương, nhưng sự xuống cấp đó thực ra nó lại diễn ra trên sân vận động quốc gia, một địa điểm lịch sử của bóng đá Việt Nam - nơi đã từng là chứng nhân cho nhiều khoảnh khắc vui, buồn không thể nào quên của người hâm mộ bóng đá trên dải dất hình chữ S.
Vậy mà câu chuyện sân bãi lại chưa bao giờ được nhắc đến nhiều như thế này, đành rằng đã hơn chục năm xây dựng, sân vận động Mỹ Đình có thể đã xuống cấp ở nhiều hạng mục, nhưng mặt cỏ - "điều kiện cần" để cầu thủ chơi bóng lại xuống cấp ngày này qua tháng nọ thì thật đáng để chê trách.
Vì trái bóng với mặt cỏ cũng giống như cá với nước, nước sạch thì cá bơi khỏe, mặt cỏ đẹp phẳng phiu thì trái bóng mới lăn đúng ý đồ của cầu thủ.
Sự xuống cấp của mặt sân Mỹ Đình càng đáng để nhắc đến nhiều hơn khi bóng đá Việt Nam đang có những bước tiến vượt bậc, không chỉ trong khu vực mà trong toàn Châu Á, người Việt Nam hiện tại có quyền mơ đến giấc mơ World Cup ở một thì tương lai nào đó.
Nhưng mặt sân Mỹ Đình - sân vận động quốc gia hiện tại đã phát triển tỷ lệ thuận với thành tích của các đội tuyển hay chưa? Chắc chắn là chưa, nếu là rồi thì cái mặt sân - một điều kiện cơ bản của bóng đá không đáng để truyền thông nhắc đến nhiều như vậy.
Vậy thì nếu còn cứ mãi lăn tăn câu chuyện mặt sân, hay tệ hơn là sự yếu kém của cơ sở vật chất dành cho bóng đá thì giấc mơ World Cup cũng mãi chỉ là giấc mơ không có thật. Hãy nhìn sang người Thái, Indonesia, Malaysia... sân vận động của họ tuy không hoành tráng lắm, cũng có phần cũ kỹ, nhưng mặt sân thì lại xanh, mượt, được đầu tư và bảo dưỡng bài bản.
Hay nhìn xa hơn, ở các giải đấu hạng thấp của bóng đá Anh (chứ chưa nói đến Giải Ngoại hạng Anh), khán đài dù chỉ có quy mô 2.000 đến 4.000 người, nhưng mặt sân thì bao giờ cũng phẳng phiu như lụa.
Nhưng nói đi thì phải nói lại, đất nước ta không thiếu những sân vận động có mặt cỏ đẹp được đầu tư, bảo dưỡng tốt như: Thống Nhất, Vũng Tàu, Lạch Tray, Việt Trì hay Hàng Đẫy. Cho nên nếu nói cả một hệ thống xuống cấp thì hơi quá, nhưng sự phát triển về cơ sở vật chất hiện tại vẫn chưa đồng bộ, manh mún và thiếu định hướng lâu dài.
>> Ba lầm tưởng khiến bóng đá xấu xí
Dù sao đi nữa, chuyện mặt cỏ ở một sân vận động quốc gia như Mỹ Đình cứ được nhắc đi nhắc lại là điều không thể chấp nhận được ở một đất nước xem bóng đá là món ăn tinh thần không thể thiếu, nơi có hàng triệu cổ động viên sẵn sàng xuống đường để ăn mừng chiến thắng, nơi bóng đá được tất cả tầng lớp xã hội quan tâm, theo dõi.
Giấc mơ World Cup với đội tuyển Việt Nam có thể còn xa lắm, 5 năm, 10 năm hay 20 năm nữa. Để hiện thực hóa giấc mơ đó, không chỉ là câu chuyện chuyên môn, mà còn là câu chuyện về cơ sở vật chất nói chung và chất lượng sân bãi nói riêng. Nếu sự phát triển giữa hai yếu tố này chưa tương xứng, thì giấc mơ vô địch Châu Á còn khó khăn, chứ đừng nói gì đến chuyện xa xôi ở thế giới.
Khánh Trần
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.