Nhưng sau tối 30/11, khi xem trận bóng giữa giữa đội tuyển Việt Nam gặp CLB Borussia Dortmund (Đức), trên Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, tôi khó có thể gọi tên chính xác cảm xúc của mình trước những gì đã diễn ra. Hình ảnh xà ngang bị bật khớp nối khi thủ môn đội Dortmund lỡ "tác động vật lý" với khung thành, khiến tôi ban đầu bật cười vì tình huống hy hữu. Nhưng những gì xảy ra sau đó, khiến lòng tôi gợn lên những vệt đắng ngắt.
Sự cố khung thành, ít xảy ra, nhưng không phải chưa từng xuất hiện trong bóng đá thế giới, kể cả ở những giải đấu uy tín hàng đầu. Ngay giờ bóng lăn trận bán kết UEFA Champions League mùa 1997-1998, khung thành trên sân vận động Bernabeu (Madrid, Tây Ban Nha) bị cổ động viên làm sập và đội Borussia Dortmund cũng chính là nhân chứng.
World Cup 1994 tại Mỹ cũng có tình huống tương tự, trong trận đấu giữa Bulgaria và Mexico. Phút thứ 23, một tiền đạo của Bulgaria, sau một pha đánh đầu hỏng, bị văng người vào lưới cầu môn, làm gãy thanh xà phía sau. Các cầu thủ cũng loay hoay tìm cách khắc phục. Họ nghĩ ra cách treo tạm lưới lên một thiết bị dựng ngay sau cầu môn. Nhưng Ban tổ chức ngay sau đó vác khung thành mới ra thay.
Người Mỹ mất khoảng bảy phút để thay khung thành, còn Mỹ Đình mất chừng năm phút để đưa thanh xà bị bung về vị trí cũ. Nhưng tôi nhớ ngày đó, báo chí khen nhà tổ chức World Cup rất chuyên nghiệp, chuyện hiếm khi xảy ra như thế mà họ cũng có phương án dự phòng. Còn Ban tổ chức Sân vận động Mỹ Đình nhận nhiều chỉ trích gay gắt. Vì sao vậy?
Điểm bung cầu môn thực tế là một khớp nối. Thủ môn Borussia Dortmund trước đó đã nhiều lần có động tác bật nhảy đẩy thanh xà lên như một cách khởi động trước khi bắt quả penalty của Việt Nam. Với tác động đó, tôi cho rằng, việc thanh xà bị bung ra cũng là điều dễ giải thích. Nhưng Ban tổ chức bị chỉ trích, vì nó chỉ là sự cố gây cười đỉnh điểm trong một trận đấu có quá nhiều tình huống hài hước, gây thất vọng ngoài chuyên môn, liên quan đến cơ sở vật chất và sự chuẩn bị của chủ nhà.
Trước đó, từ sau giờ nghỉ giữa hiệp, khu vực kỹ thuật của hai đội liên tục đổ ngả nghiêng trước cơn gió lạnh đầu mùa, khiến các cầu thủ dự bị của đội bạn ngao ngán đi nhặt trang phục kẹt dưới hàng rào chắn. Hình ảnh hàng rào người níu giữ khu vực kỹ thuật hai đội để gió không thổi ngã khiến tôi không nén nổi một tiếng thở dài.
Ngoài ra, Sân vận động Mỹ Đình cũng gây thất vọng vì mặt cỏ lổn nhổn dù vừa được cải tạo, sửa chữa.
Những điều tệ hại này lại diễn ra ngay trên một sân vận động quốc gia, đáng lẽ phải là sân bóng tốt nhất.
Vậy, vấn đề không phải sự cố (vì mọi sự cố đều có thể xảy ra), mà là cách xử lý sự cố có chuyên nghiệp hay không. Trong quản lý sự kiện, nhà tổ chức phải bảo đảm xây dựng kịch bản chi tiết, bảo đảm thực hiện đúng kịch bản và chuẩn bị cả phương án dự phòng. Trong trường hợp cụ thể là trận thi đấu bóng đá, ban tổ chức phải có danh sách những hạng mục cần kiểm tra, phải thực hiện việc kiểm tra và chuẩn bị cho tình huống phát sinh. Đội ngũ trực kỹ thuật được bố trí là để khi có sự cố thì phải lao ra giải quyết gần như ngay lập tức, không thể đợi thủ môn đội bạn loay hoay với chiếc khớp nối.
Khi được hỏi về những sự cố bên lề trận bóng, huấn luyện viên Park Hang-seo đã có những nhận xét theo tôi là chừng mực và chính xác. Ông nói: "Trong trận đấu luôn có vô vàn biến số, như có trận lưới rách. Nhưng đây là trận quốc tế, giá như chúng ta chuẩn bị kỹ thì tốt hơn".
Với những gì vừa diễn ra và với quan điểm cốt lõi - đội tuyển quốc gia phải được thi đấu trên sân bóng tốt nhất - tôi nghĩ đã đến lúc nên tổ chức đấu thầu đơn vị quản lý sân vận động để phục vụ các trận đấu của đội tuyển quốc gia.
Mỹ Đình của Việt Nam sẽ không thể gây ấn tượng trong tâm trí các đội khách nước ngoài về hình ảnh của một sân vận động gây cười về cung cách tổ chức, gây thất vọng vì cơ sở vật chất tồi tàn.
Võ Nhật Vinh