Sau trận đấu với đội tuyển UAE , không ít "cổ động viên" đã lao vào Facebook của vị trọng tài điều khiển trận đấu người Iraq để tấn công sau khi ông này đã có những quyết định bất lợi với đội tuyển Việt Nam.
Việc này đã lặp đi lặp lại nhiều đến nỗi chúng ta có thể dự đoán nó sẽ xảy ra khi có vị trọng tài nào đó có những quyết định bất lợi với đội tuyển. Tại sao một chuyện không hề đáng tự hào này lại xảy ra một cách liên tục như vậy?
Đầu tiên, nếu hỏi những chủ nhân của các tài khoản đã thực hiện hành vi trên, chắc chắn bạn sẽ nhận được câu trả lời với đại ý là "hành động vì tổ quốc". Nhưng chắc chắn đi chửi bới một người xa lạ đến từ đất nước khác vì sai lầm của họ thì chắc chắn không thể là một hành động vì tổ quốc vì nó đi ngược lại với mọi quy chuẩn về văn minh.
>> Những điểm yếu của tuyển Việt Nam trước UAE
Thực tế, "hành động vì tổ quốc" kiểu trên cũng chỉ là một trong số những cách để chúng ta biện minh cho hành động "tìm lý do cho thất bại". Đúng, khi chúng ta thất bại thì đương nhiên chúng ta phải mổ xẻ tìm nguyên nhân để rút kinh nghiệm cho tương lai. Nhưng thay vì nhìn thẳng vào vấn đề như đúng bản chất của nó thì chúng ta thường xuyên tìm những lý do hợp lý để biện minh "tại trọng tài, vì thời tiết, do thiếu huấn luyện viên chỉ đạo...", thay vì thừa nhận họ mạnh hơn chúng ta.
Tôi sẽ không đi sâu phân tích về việc tại sao chúng ta thua kém đối thủ nhưng nếu chúng ta không thể nhìn thẳng vào vấn đề thì không thể nhìn ra được mình kém cái gì, mình cần cải thiện những gì.
Bây giờ thì hãy đi đào sâu vấn đề hơn một chút: Tại sao chúng ta có xu hướng biện minh cho thất bại của mình? Để làm rõ vấn đề này, chúng ta hãy quay ngược trở về thời thơ ấu, lúc mà chúng ta vừa mới chập chững bước đi. Khi chúng ta ngã, người lớn sẽ nói gì với chúng ta? Thay vì nói chúng ta ngã vì chúng ta đi chưa vững hay không cẩn thận thì chúng ta được dạy rằng mình bị ngã là do có những cái ghế, cái bàn "bất động" đứng chắn đường đi nên mới bị ngã.
Dần dần, chúng ta hằn sâu suy nghĩ rằng "Mọi việc xảy ra trong cuộc đời chúng ta là do chúng ta xui xẻo chứ không phải là do chúng ta chưa đủ năng lực hay chưa nỗ lực hết mình".
>> Tuyển Việt Nam - tự hào nhưng tỉnh táo
Từ đó, dẫn tới xu hướng đổ lỗi cho tất cả những sự việc mà chúng ta quan tâm. Để khắc phục điều này, chúng ta cần có một cái nhìn đa chiều hơn về tất cả sự việc trong cuộc sống. Nếu thật sự "Hành động vì tổ quốc" thì chúng ta hãy nâng tầm vị thế của đất nước bằng chính sức mạnh nội tại, bằng bản lĩnh, tinh thần quật khởi như cách mà các chiến binh sao vàng của chúng ta đã làm dưới thời tiết oi ả tại UAE để khiến cho cổ động viên quốc tế phải nể phục.
Đừng bao giờ nâng tầm đất nước bằng cách coi thường các quốc gia khác, điều đó chỉ khiến cho hình ảnh mà các tuyển thủ đội tuyển quốc gia xây dựng suốt ba năm qua đổ sông đổ biển mà thôi. Và tôi nghĩ rằng chúng ta không cần phải là những tỉ phú như của các nước phát triển để có thể làm được việc đó, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi thông qua cách chúng ta dạy con từ thuở chập chững biết đi.
Lê Khánh Trung
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.