Chia sẻ về tình trạng cây phượng liên tục bật gốc ở nhiều trường học thời gian qua, nhiều độc giả VnExpress cho rằng, nguyên nhân chính khiến cây đổ là bởi tình trạng bê tông hóa sân trường, khiến cây không đủ không gian sống:
Ngoài việc chăm sóc và tỉa cành, còn một điều rất quan trọng sao không thấy đề cập: việc bê tông hóa quanh gốc cây là nguyên nhân chính làm cho nó bật gốc. Chúng ta đối xử thô bạo với cái cây thì nó sẽ phản ứng lại thôi. Tại sao các cây phượng bên đường làng, những vùng xa xôi không bị bê tông xâm chiếm gốc, không thấy cây nào bật gốc? Tương tự cho các cây xanh tại thành phố này cũng vậy? Chúng ta thô bạo với thiên nhiên thì thiên nhiên sẽ phản ứng lại là điều hiển nhiên.
Trường học của chúng ta, từ những trường THCS đến THPT đa số có diện tích rất nhỏ. Do không có quỹ đất nên sân trường toàn trải nhựa, đá sỏi, xi măng, bê tông... hiếm trường có bãi cỏ, trừ trường quốc tế và một vài trường có từ thời Pháp thuộc nhưng cũng rất hạn chế. Cây mà trồng trong tình trạng bê tông hoá mặt sân ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng, nhất là loại cây dễ trùm mọc lan, khác với loại cây lá kim rễ cọc ăn sâu. Mà cây rễ cọc sâu lại không cho bóng mát nhiều do chúng mọc cao tán nhỏ do vậy cũng không hợp trong sân trường.
Tôi cũng là người trồng nhiều cây, nếu không phải là cây ăn trái, cây trồng trong chậu kiểng chỉ trồng để lấy bóng mát, cây xanh thì theo tôi không cần phải bón phân tro cho cây, thậm chí hạn chế tươi nước. Chỉ cần trồng cây ở khoảng trống phù hợp với loại cây đó, đặc biệt chú ý đến xây khuôn quanh gốc cây phải đủ rộng để cây phát triển tự nhiên.
Chúng ta hiểu đơn giản là nếu cây được chăm sóc tốt thì rễ cây sẽ không phát triển sâu và rộng để tìm chất dinh dưỡng, tìm nước trong khi thân cây và cành, lá phát triển rất nhanh và nhiều làm mất cân bằng. Cho dù có cắt tỉa thường xuyên thì nếu gặp thời tiết mưa gió thì cậy sẽ ngã, nếu cắt tía cành thì tốc độ ngã còn nhanh và không có cành là để cảnh nguy hiểm hơn nhiều.
Về nông thôn xem, mấy cây như phượng nếu phát triển tự nhiên không cần chăm sóc vẫn phát triển mạnh mẽ. Tôi nghĩ những người làm về lĩnh vực cây xanh nên chú ý việc này.
>> 'Không nên trồng cây phượng trong sân trường'
Chia sẻ kinh nghiệm trồng cây trong sân trường ở nhiều nước trên thế giới, không ít ý kiến gợi ý:
Ở Canada, theo quy định, họ thường không trồng cây lớn sát tòa nhà trong trường hay ở những nơi có nhiều người qua lại như sân chơi trẻ em, bãi đậu xe... Các cây trồng gần trường thường là những cây thấp hoặc cây có tán lá nhỏ để tránh ngã khi có gió. Các khu bảo tồn, họ trồng cây rất nhiều, nhưng quanh trường học thì họ thường để bãi cỏ trống. Cây lớn tuổi có nguy cơ ngã đổ, họ sẽ di dời và trồng mới bằng cây nhỏ. Ở Việt Nam, những cây vài chục năm tuổi trở lên trong các sân trường là một mối nguy hiểm cho học sinh vì nhiều loại cây chỉ có tuổi thọ 40-50 năm tuổi.
Tôi nghĩ các trường ở Việt Nam có thể học tập mô hình bên Mỹ và Anh. Họ thường dành một khoảng cỏ xanh trống rất lớn, xi măng hoặc gạch chỉ dùng để lót đường đi. Như vậy khuôn viên vừa đẹp, vừa tránh chuyện rễ cây bị bật gốc vì bê tông hoá quá mức.
Sân trường phải có cây xanh, phải dạy học sinh yêu cây xanh và bảo vệ môi trường. Các trường nên bỏ bê tông hóa sân trường, chỉ nên đào các hố nhỏ chôn viên đá vừa thòi lên mặt đất để học sinh đi đỡ dính giày dép thôi. Lỗi không phải ở cây xanh, mà do chính chúng ta bê tông hóa quanh gốc nên làm rễ bị hư và gãy đổ. Ngày xưa tôi đi học, sân trường là sân đất, mưa gió ào ào mà có bao giờ đổ cây nào đâu.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.