Sau vụ cây phượng cổ thụ bật gốc đè 18 học sinh khiến một nam sinh tử vong ở trường THCS Bạch Đằng (quận 3), các trường đồng loạt kiểm tra, rà soát cây trong khuôn viên.
Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) hiện có 11 cây cổ thụ, hàng năm được kiểm tra, mé nhánh hai lần. Một đợt cuối tháng 3 trước mùa mưa, một đợt cuối tháng 8 trước ngày tựu trường.
Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú cho biết, nhân viên trường thường xuyên kiểm tra cây nhằm phát hiện dấu hiệu bất thường ở thân, cành, đề xuất biện pháp xử lý. Việc quản lý cây xanh được các trường thực hiện theo cách riêng chứ chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể. Đây cũng chỉ là phần nhỏ trong những tiêu chí đánh giá an toàn trường học, bên cạnh an toàn cơ sở vật chất, điện, phòng cháy chữa cháy mà Sở Giáo dục và Đào tạo nhắc các trường theo định kỳ.
Trách nhiệm quản lý cây xanh thuộc về nhà trường, nhưng quyết định đốn bỏ phải thông qua các đơn vị chuyên trách khác. "Quy định này gây ra cách hiểu chung chung", ông Phú nói và cho rằng cần có quy định trách nhiệm cụ thể của từng bên liên quan.
Trường THPT Marie Curie - một trong những ngôi trường cổ nhất TP HCM, hiện có 29 cây, trong đó 10 cây xà cừ trên 100 tuổi. Trường được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố nên việc cắt tỉa, hạ đốn cây đều phải có sự đồng ý của Sở Xây dựng, Sở Văn hoá Thể thao...
Bà Nguyễn Thị Quế Vân, Phó hiệu trưởng cho biết, hàng năm trường đều ký hợp đồng với công ty cây xanh để chăm sóc, xử lý đúng cách, định kỳ một năm 2 lần. Lần kiểm tra gần nhất hồi cuối tháng 4, công ty đề nghị trường tạo giá đỡ cho một cây sứ bị nghiêng. Trường cũng đốn bỏ các cây bàng do lo ngại bị đổ, rễ cây ảnh hưởng nền móng trường.
"Cây xanh trồng trong trường tạo bóng mát, không gian xanh tươi, nhưng cũng là nỗi lo của trường. Bởi cây nằm trong khuôn viên nên trường phải chịu trách nhiệm quản lý, trong khi nhân sự chỉ làm chuyên môn giảng dạy chứ không thể biết cây đang có nguy cơ hư hại, gãy đổ", bà Vân nói.
Sau sự việc ở trường THCS Bạch Đằng, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cũng cho kiểm tra lại 23 cây trong khuôn viên, trong đó gần 10 cây phượng. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Chương cho biết, trường kiểm tra cây định kỳ một năm 4 lần. Trước đó trường đã phối hợp với đơn vị cây xanh cắt tỉa các cành già cỗi trước mùa mưa. Năm học này kết thúc trễ, hai tháng cuối lại rơi vào mùa mưa nên việc kiểm tra cây phải kỹ lưỡng hơn.
"Nhiều người hỏi về trách nhiệm trường như thế nào đối với cây xanh trong khuôn viên? Tôi nghĩ đơn giản cây ở trong trường giống như đồ ở trong nhà, mình phải chăm lo thôi", bà Chương nói.
Ở nhiều trường khác, việc kiểm tra định kỳ cây xanh cũng thực hiện 2-4 lần trong năm. Thông thường, trường sẽ nhận báo giá từ các công ty cây xanh rồi chọn dịch vụ với giá cả phù hợp. "Mỗi lần thực hiện chi phí không hề nhỏ và phải hạch toán nên không thể muốn là làm ngay. Giả sử kiểm tra công ty kết luận cây còn tốt, nhưng sau đó gãy đổ ai sẽ chịu trách nhiệm?", hiệu trưởng một trường THPT nói và nhìn nhận đây là bất cập trong quản lý cây xanh nhà trường.
Trước đó, tại buổi họp báo sau tai nạn tại trường THCS Bạch Đằng, ông Lê Quang Đạo, Phó phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP HCM) nói, cây nằm trong khuôn viên trường do nhà trường quản lý, không thuộc Sở Xây dựng. Cơ quan này cùng UBND quận huyện chỉ quản lý cây trên đường phố.
Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo lại cho rằng, trường quản lý cây xanh trong trường nhưng khi muốn trồng hay đốn hạ cây đều phải xin ý kiến chuyên môn của Sở Xây dựng. Các cây lớn tuổi khi đốn đều "phải xin phép giống như giấy phép xây nhà".
Với góc nhìn chuyên gia, TS Đinh Quang Diệp (nguyên giảng viên bộ môn Cảnh quan và Kỹ thuật hoa viên, Đại học Nông Lâm TP HCM) cho rằng, Sở Xây dựng và các ban ngành nên có quy định thống nhất, chi tiết việc quản lý, chăm sóc cây xanh trong khuôn viên trường học, bệnh viện, công sở như: kiểm tra định kỳ; cắt tỉa cây, chăm sóc cây; giao trách nhiệm cho đơn vị, cá nhân...
"Trường có trách nhiệm chăm sóc cây, quan sát các hiện tượng bất thường và báo về đơn vị chuyên môn. Đơn vị quản lý cây xanh phải giám định cây theo định kỳ, nếu giám định sai phải chịu trách nhiệm", TS Diệp nêu ví dụ.
Việc đốn hạ cây phải có công ty chuyên môn phụ trách, không thể vì sự cố ở trường Bạch Đằng mà "đổ thừa" cho cây phượng và chặt đốn loại cây này một cách tự phát. Phượng là cây rễ ngắn, dễ trồng, khi trồng cần chọn cây giống tốt, không xây bồn chật. "Cây trồng trong trường nên có rễ khỏe, tán rộng, không có trái, gai độc ảnh hưởng học sinh", ông nói.
Hôm qua, Sở Xây dựng TP HCM yêu cầu UBND 24 quận huyện kiểm tra, rà soát cây xanh, kể cả cây trong công sở, bệnh viện, trường học để đảm bảo an toàn. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng nhắc các biện pháp đảm bảo an toàn trường học, phòng chống thương tích. Trong đó, Sở lưu ý việc kiểm tra, cắt tỉa cành, chăm sóc cây xanh.
Sáng hai ngày trước, cây phượng ở sân trường THCS Bạch Đằng bất ngờ bật gốc, đổ đè 18 học sinh. Các em được đưa đi cấp cứu sau đó, một nam sinh tử vong.
TP HCM vừa yêu cầu các quận huyện tăng cường biện pháp phòng chống, ứng phó với mưa giông, lốc xoáy, gió giật và cây đổ vào mùa mưa. Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết, vấn đề đốn hạ hay giữ cây phải được chuyên gia, người chuyên môn khảo sát, không thể chặt bừa bãi.