Sau vụ việc cây phượng cổ thụ trong sân trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP HCM bất ngờ bật gốc, đè 13 học sinh lớp 6 khiến một em tử vong, sáng 26/5, nhiều độc giả VnExpress cảnh báo vấn đề an toàn trường học đang bị coi nhẹ, đồng thời kiến nghị cần sớm có những quy định cụ thể nhằm đánh giá, nhận diện mối nguy tiền ẩn tại các cơ sở giáo dục cả nước:
Rất nhiều tai nạn tương tự xảy ra: gãy lan can khiến học sinh rơi từ trên cao; đổ tường, đổ cây, đổ cổng đè chết học sinh; học sinh rơi xuống hố nước; điện giật; ngã cầu thang; quên học sinh trên xe... Đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng "quy trình an toàn trường học". Trong đó chú trọng công tác đánh giá, nhận diện mối nguy tại tất cả các trường. Từ đó có biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu tai nạn đau lòng như này. Phát động phong trào trong trường học, khuyến khích học sinh tham gia đóng góp và trao giải thưởng cho cá nhân (giáo viên, học sinh) nào có những đóng góp xuất sắc. Như vậy, sẽ dần xây dựng môi trường an toàn trong học đường và nâng cao ý thức của giáo viên, học sinh về an toàn. Điều này rất có ích cho các em học sinh sau này ra trường đi làm. Nếu chúng ta làm tốt việc này thì tất cả những tai nạn tương tự như trên đều có thể phòng tránh được.
Qua sự việc này tôi nghĩ, nên giao thêm nhiệm vụ kiểm tra an toàn cây cối, trang thiết bị xung quanh trường cho bảo vệ và đương nhiên sẽ có thêm phụ cấp cho công việc này. Sự việc xảy ra ngoài ý muốn của mọi người, tuy nhiên nếu chúng ta kiểm tra thường xuyên thì sẽ phòng tránh được các sự cố đáng tiếc xảy ra cho các em.
Lẽ ra nhà trường phải có kế hoạch cắt cành tỉa cây kịp thời vào mùa mưa, vì cây càng lớn, nhiều cành. Trong khi đường phố, sân trường thì ngày càng đào bới, xây dựng, cắt rễ làm cho cây bám đất không bền, bộ rễ chậm phát triển. Đặc biệt, cây phượng ít phát triển rễ cọc đâm sâu xuống mà phát triển bộ rễ chùm ăn ngang.
Cần khẩn trương rà soát và loại bỏ tất cả
- Các cây cổ thụ to, nhiều cành lớn trong khuôn viên trường.
- Dây điện băng ngang lối vào trước cổng trường.
- Các trụ điện hạ thế nằm ngay khi vực ra vào cổng trường (cái này đa số đều có).
- Các nắp cống, hố ga ngay khu vực trường học.
Và còn rất nhiều những mối nguy tiềm ẩn nguy cơ gây tử vong cho bất kỳ ai.
>> Cột bê tông trường học sao có thể tự rơi trúng học sinh?
Đây là tránh nhiệm của nhà trường và những người lớn. Trước mùa mưa bão, cần kiểm tra, cắt tỉa cây, khi thấy nguy hiểm cần cảnh báo và khoanh vùng. Thực tế, rất nhiều cây khô, sâu mọt, hoặc cây nghiêng ngả nguy hiểm nhưng nhưng người có trách nhiệm không kiểm tra, xử lý, để gây nên rất nhiều tai nạn thương tâm.
Đề nghị ngành giáo dục có công văn chỉ đạo các trường xem lại việc trồng cây, trường xanh - sạch - đẹp nhưng phải an toàn. Nhiều trường trồng cây để cành lá phủ lên dây điện um tùm nhưng vẫn đạt danh hiệu xanh - sạch - đẹp (hơn hai mươi tiêu chí).
Hoa phượng gắn liền với tuổi học trò, vì vậy được trồng khá nhiều ở sân trường. Tuy nhiên, phượng là cây có rễ cọc ngăn, không ăn sâu vào đất nên dễ ngã đỗ vào mùa mưa. Tai nạn hoàn toàn có thể tránh được nếu nhà trường hiểu đặc tính của cây và tỉa cành, hạ thấp chiều cao cây khi mùa mưa đến. Hy vọng trong thời gian tới, Bộ hoặc Sở Giáo dục sẽ ban hành quy định các cây được trồng ở sân trường, quy định chiều cao tối đa của cây, quy định cắt tỉa cành vào mùa mưa như các công ty quản lý cây xanh vẫn làm. Mong rằng không có tai nạn tương tự nào xảy ra.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.