Cụ thể, TSMC chỉ được cung cấp cho Huawei các loại chip sản xuất trên tiến trình cũ, như 28 nm. Những con chip với tiến trình 16 nm, 10 nm, 7 nm và 5 nm mới nhất không nằm trong danh mục được cấp phép.
Chuyên gia nhận định giấy phép mới không giúp ích cho Huawei bởi các dòng chip 28 nm trở về trước đã quá lạc hậu, không thích hợp cho smartphone. Hiện tại, đa số chip cho thiết bị di động được sản xuất trên tiến trình 10 nm, 7 nm hay gần đây là 5 nm, như Apple A14 Bionic.
Đầu tháng 9, chính phủ Mỹ siết chặt thêm hạn chế với các doanh nghiệp Mỹ chuyên cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ cho Huawei. Công ty đến từ Trung Quốc không thể mua bất kỳ loại chip nào được sản xuất bằng công nghệ Mỹ sau ngày 15/9, trừ khi nhận được giấy phép đặc biệt.
Huawei đã đặt hàng TSMC 15 triệu chip Kirin 9000. Tuy nhiên, đến thời hạn áp dụng lệnh cấm, hãng gia công Đài Loan mới chuyển được hơn nửa, tức 8,8 triệu chip, cho công ty Trung Quốc. Theo một số dự đoán, Huawei có thể hết chip Kirin 9000 để sản xuất điện thoại cao cấp vào năm sau.
Việc Huawei bị cấm khiến tham vọng dẫn đầu mảng chip của hãng này bị ngừng trệ. Richard Yu, Giám đốc mảng Kinh doanh Tiêu dùng của Huawei, thừa nhận HiSilicon - mảng sản xuất chip bán dẫn của hãng - không thể tiếp tục sản xuất chip di động thời gian tới.
Ông Yu cũng cho biết Kirin 9000 sẽ là chip cao cấp cuối cùng của Huawei và được trang bị trên dòng Mate 40 sắp ra mắt. Hãng sẽ không thể sản xuất bất kỳ chip xử lý nào khác, trừ khi lệnh cấm được Mỹ dỡ bỏ. Kirin 9000 được sản xuất trên tiến trình 5 nm tương tự Apple A14 Bionic trên iPad Air 2020. Chip được dự đoán sẽ có khả năng xử lý vượt trội, tiết kiệm năng lượng và được tích hợp 5G.
Trước đó, AMD và Intel cũng đã nhận được giấy phép cung cấp chip cho Huawei.
Bảo Lâm (theo Phonearena)