Cambridge - thành phố trung tâm hành chính của Cambridgeshire, miền Đông nước Anh, nổi tiếng là trung tâm giáo dục, học thuật, nghiên cứu và có Đại học Cambridge nổi tiếng. Nơi đây cũng thu hút rất nhiều công ty công nghệ toàn cầu, trong đó có Huawei của Trung Quốc và Nvidia của Mỹ.
Với Nvidia, công ty hy vọng sẽ hiện diện tại Cambridge thông qua việc mua ARM với giá 40 tỷ USD và có tham vọng thiết lập một trung tâm AI "đẳng cấp thế giới". Huawei cũng đã lên kế hoạch xây dựng phòng thí nghiệm phục vụ R&D với giá hơn 1,3 tỷ USD ở Sawston, cách trung tâm thành phố Cambridge khoảng 13km.
Cambridge hiện là nơi có mặt của hàng nghìn chuyên gia hành đầu về công nghệ. Amazon, Microsoft và Apple đều thuê các nhóm nghiên cứu có trình độ cao tại đây. "Không ít công ty công nghệ muốn có chỗ đứng ở Cambridge vì nơi đây có rất nhiều nhân tài", William Tunstall-Pedoe, một doanh nhân ở Cambridge, người từng bán startup về AI của mình cho Amazon, chia sẻ.
Nvidia khó mua ARM
ARM hiện đặt trụ sở chính tại Cambridge, được coi là "viên ngọc quý trên vương miện" của ngành công nghệ Anh. Trên thế giới, hầu hết smartphone đều sử dụng bản thiết kế chip của công ty này.
Theo Simon Segars, CEO ARM, cho biết việc công ty bị bán cho Nvidia có thể sẽ khiến các cơ quan quản lý của Anh "tuýt còi". Trong đó, các nhà sản xuất chip tại Trung Quốc được cho là đang thúc giục điều tra vì lo ngại Nvidia sẽ kiểm soát quá nhiều quyền hạn đối với công nghệ nền tảng không thể thay thế mà ARM đang nắm giữ.
"Chúng tôi phải cẩn thận về việc mua bán, bởi nó liên quan nhiều đến địa chính trị", Segars nói với FT. Ông nhấn mạnh rằng, việc phê duyệt quy định mua bán về thương vụ Nvidia - ARM trên tất cả các quốc gia đang hoạt động sẽ "mất rất nhiều thời gian".
Một số chuyên gia đánh giá, việc Nvidia mua ARM là động thái tích cực. Chẳng hạn, Vishal Chatrath, sáng lập kiêm CEO của công ty khởi nghiệp Cambridge AI Secondmind, nói với CNBC rằng, Nvidia có thể mở ra "tiềm năng chưa từng có" nếu có trong tay ARM.
Dù vậy, ngay từ khi công bố vào 13/9, không ít ý kiến đã phản đối thương vụ này. Theo khảo sát của Chartered Institute for IT với 1.771 chuyên gia công nghệ tại Anh từ ngày 16 đến 28/9, hơn 70% cho rằng chính phủ Anh nên can thiệp, chỉ 11% nói rằng thương vụ này sẽ củng cố vị thế về công nghệ của Anh trên thế giới.
Về mặt lý thuyết, chính phủ Anh, có thể can thiệp việc mua bán theo luật Doanh nghiệp. Tháng trước, đại diện chính phủ thừa nhận "đang xem xét thỏa thuận". Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh, một tổ chức giám sát theo dõi các vụ mua bán quốc tế, cho biết sẽ "cân nhắc".
Giới phân tích cũng không lạc quan về vụ mua bán. Nathan Benaich và Ian Hogarth, hai nhà đầu tư công nghệ, dự đoán rằng thương vụ "cuối cùng sẽ bị ai đó ngăn cản".
Hermann Hauser, người đồng sáng lập ARM, là một trong những người đầu tiên cảnh báo nếu công ty bị bán cho Nvidia. Ông gọi đây là "thảm họa" đối với Cambridge, nước Anh và Châu Âu.
Các chuyên gia lo ngại, hàng nghìn nhân viên của ARM có thể bị mất việc nếu Nvidia quyết định chuyển trụ sở chính của công ty sang Mỹ và biến công ty thành một bộ phận nhỏ sau khi thâu tóm. Số khác cho rằng thương vụ có thể phá hủy mô hình kinh doanh của ARM, chủ yếu liên quan đến việc cấp phép bản quyền thiết kế chip cho khoảng 500 công ty khác trên toàn cầu, bao gồm một số công ty cạnh tranh trực tiếp với Nvidia.
"Trước đây, Softbank giữ được sự trung lập của ARM vì công ty này không liên quan đến mảng chip", Hauser nói với BBC. "Nhưng nếu trở thành một phần của Nvidia, những công ty được cấp phép sẽ là đối thủ của hãng này. Nó sẽ gây ra nhiều vấn đề tiêu cực, thậm chí buộc họ phải tìm kiếm giải pháp thay thế cho giải pháp của ARM".
Theo Rene Haas, cựu chủ tịch của Nvidia, cho rằng ARM nên tạo một "tường lửa" nhằm đảm bảo Nvidia không truy cập thông tin bí mật về khách hàng cũng như sản phẩm mới. Một số ý kiến khác đề xuất Nvidia nên có những cam kết về đảm bảo vấn đề việc làm và hoạt động kinh doanh của ARM tại Anh.
Nvidia cho biết sẽ "rất vui" và sẵn sàng thực hiện những cam kết này.
Huawei chật vật dù xây phòng R&D tỷ USD tại Anh
Huawei được chính phủ Anh "bật đèn xanh" để xây phòng thí nghiệm R&D trị giá hơn 1,3 tỷ USD tại Sawston vào 25/6 vừa qua. Công ty có trụ sở tại Thâm Quyến cho biết văn phòng sẽ có 50.000 mét vuông, tạo ra 400 việc làm tại Anh. Dù vậy, tương lai của phòng thí nghiệm có vẻ không chắc chắn.
Tháng 7, Anh tuyên bố cấm Huawei tham gia vào mạng di động 5G. Bộ trưởng Văn hóa Anh Oliver Dowden cho biết, các nhà khai thác mạng di động nước này sẽ buộc phải ngừng mua thiết bị từ Huawei vào cuối năm nay, đồng thời yêu cầu loại bỏ thiết bị Huawei khỏi cơ sở hạ tầng vào năm 2027.
Mọi thứ diễn biến theo chiều hướng tồi tệ hơn vào thứ Năm, khi một cuộc điều tra của Quốc hội Anh kết luận: có những "bằng chứng rõ ràng" về sự thông đồng giữa Huawei và chính quyền Trung Quốc. Do đó, các thành viên Quốc hội cho rằng, thiết bị của Huawei có thể bị loại bỏ khỏi các mạng sớm hơn kế hoạch.
Đáp lại, phía Huawei cho rằng báo cáo của Quốc hội Anh là "thiếu uy tín", "được xây dựng dựa trên quan điểm hơn là căn cứ vào thực tế". Công ty cũng cho biết sẽ không thay đổi kế hoạch xây dựng phòng thí nghiệm R&D của mình.
Huawei hiện sử dụng khoảng 1.600 nhân viên tại Anh, đặt 20 văn phòng tại nước này.
Bảo Lâm (theo CNBC)