Bỉ được mệnh danh "trái tim của châu Âu" bởi thủ đô Brussels là nơi đặt trụ sở và nghị viện của Liên minh châu Âu (EU). Do đó, nước này được tình báo Mỹ đặc biệt quan tâm. Động thái loại Huawei khỏi thế hệ thống 5G ở Bỉ diễn ra sau nhiều tháng Mỹ gây áp lực ngoại giao, ngăn cản Huawei cung cấp thiết bị viễn thông quan trọng với cáo buộc Trung Quốc có thể sử dụng thiết bị của Huawei phục vụ mục đích gián điệp.
Nhà tư vấn viễn thông độc lập của Đan Mạch, John Strand, cho biết: "Mạng vô tuyến của Bỉ tính đến nay vẫn đang phụ thuộc 100% vào các nhà cung cấp thiết bị Trung Quốc. Những nhân viên làm việc tại NATO và EU đều đang gọi điện thoại và sử dụng dịch vụ di động trên các mạng này. Tuy nhiên, nhà chức trách châu Âu đang ngày càng quan tâm đến vấn đề này và mong muốn các nước thành viên phải sử dụng mạng lưới viễn thông an toàn".
Mỹ hoan nghênh quyết định của Orange Belgium và Proximus. Ông Keith Krach, thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nói: "Đây là ví dụ mới nhất về việc loại bỏ các giao dịch với Huawei và xác nhận thêm về xu hướng kinh doanh với các nhà cung cấp đáng tin cậy trên toàn cầu".
Ngày 9/10, đại diện của Huawei xác nhận thông tin trên và cho biết: "Chúng tôi chấp nhận quyết định của Orange Belgium và Proximus. Đây là kết quả của một cuộc đấu thầu được tổ chức bởi các nhà khai thác và kết quả của thị trường tự do. Chúng tôi chấp nhận sự cạnh tranh công bằng. Chuỗi cung ứng càng đa dạng, tính cạnh tranh càng cao. Huawei đã cung cấp thiết bị tại Bỉ trong hơn một thập kỷ và cam kết của chúng tôi vẫn không thay đổi".
Hiện chỉ còn công ty Telenet của Liberty Group chưa xác nhận sẽ sử dụng nhà cung cấp nào cho các mạng di động tiếp theo. Telenet vẫn dựa vào các thiết bị do tập đoàn ZTE của Trung Quốc sản xuất và có kế hoạch công bố quyết định 5G vào nửa đầu năm 2021.
Chủ tịch Nokia Mobile Networks, Tommi Uitto, viết trên Twitter: "Chúng tôi đã cố gắng trở thành nhà cung cấp RAN (mạng truy cập vô tuyến) cho Orange Belgium từ 2003 khi công ty vẫn còn là Mobistar. Cuối cùng, chúng tôi cũng đạt được". Cổ phiếu Nokia tăng gần 3% trong phiên giao dịch đầu giờ ngày 9/10.
Về phần mình, hai nhà mạng Orange Belgium và Proximus cho biết Ericsson sẽ cung cấp thành phần cốt lõi cho mạng 5G của họ.
Nokia và Ericsson là hai công ty được hưởng lợi lớn nhất từ những thách thức mà Huawei phải đối mặt. Hai công ty Bắc Âu này giành thị phần từ Huawei tại Bell Canada và Telus Corp. (Canada) cũng như BT (Anh).
Ủy ban quốc phòng của quốc hội Anh gần đây tuyên bố họ đã "tìm thấy bằng chứng cho thấy Huawei đang thông đồng với nhà nước Trung Quốc". Vì vậy, London có thể cần phải bỏ tất cả thiết bị của Huawei sớm hơn kế hoạch.
Theo Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Anh, Tobias Ellwood, phương Tây cần phải khẩn trương đoàn kết để tạo đối trọng với sự thống trị công nghệ của Trung Quốc, không được từ bỏ an ninh quốc gia chỉ vì mục tiêu phát triển công nghệ ngắn hạn.
Đăng Thiên (theo Reuters)