"Khi Honor hoạt động tách biệt với Huawei, việc tìm nguồn cung của họ sẽ không phải tuân theo các lệnh cấm của Mỹ như hiện nay. Điều đó không tổn hại đến hoạt động kinh doanh smartphone của Honor cũng như các nhà cung cấp", Ming-chi Kuo, nhà phân tích của TF Securities International, chia sẻ.
Kuo - người được mệnh danh là "chuyên gia tin đồn" nhờ đưa ra rất nhiều dự đoán chính xác về các thiết bị chưa ra mắt - cho rằng Huawei nên bán Honor cho một công ty khác. Theo ông, động thái này cho phép Honor theo đuổi chiến lược mới, chẳng hạn phát triển các mẫu cao cấp hơn để cạnh tranh tốt hơn với những đối thủ ngang tầm như Xiaomi. "Điều này sẽ có lợi nhiều mặt cho Honor, các nhà cung cấp cũng như ngành công nghiệp điện tử của Trung Quốc", Kuo nhận định.
Honor thành lập năm 2013 và được đánh giá là "người hùng thầm lặng", góp phần không nhỏ giúp Huawei thành thế lực trên thị trường di động. Khác với công ty mẹ, Honor chủ yếu cung cấp smartphone thiết kế đẹp, cấu hình mạnh nhưng giá bán phổ thông, trung bình từ 150 đến 220 USD dành cho giới trẻ và người có thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, các chuyên gia khác cho rằng việc bán Honor chưa hẳn là giải pháp tốt cho Huawei. "Ngay cả khi Honor trở thành doanh nghiệp riêng biệt, không thể chắc chắn rằng công ty này không bị cuốn vào những cuộc chiến tranh thương mại tương tự trong tương lai", Bryan Ma, Phó chủ tịch IDC, nhận xét.
Một số chuyên gia khác bình luận rằng, một khi Mỹ vẫn coi các công ty Trung Quốc, như Huawei là "nguy cơ an ninh quốc gia", việc kinh doanh của họ vẫn sẽ gặp khó khăn. Linda Sui, Giám đốc nghiên cứu về smartphone tại Strategy Analytics, cho rằng sẽ không có công ty Trung Quốc nào mua Honor. "Đó là một củ khoai đang rất nóng. Nó sẽ gây rắc rối cho bất cứ ai chạm vào", Sui nói.
Thực tế, Honor là tài sản lớn, là "con gà đẻ trứng vàng" cho Huawei. Bằng cách áp dụng mô hình phân phối chủ yếu thông qua thương mại điện tử, Honor đã tạo ra doanh thu hơn 10 tỷ USD trong 5 năm qua. IDC ước tính, Honor chiếm 28% tổng lượng smartphone xuất xưởng của Huawei trong nửa đầu 2020, trong khi Strategy Analytics cho rằng con số đó có thể lớn hơn, đạt khoảng 38%.
"Honor là một thương hiệu có uy tín trong phân khúc tầm trung và giá rẻ, là chìa khóa để Huawei xâm nhập nhiều thị trường đang phát triển trên thế giới", nhà phân tích Kenny Liew của Fitch Solutions nói.
Huawei lần đầu tiên vượt qua Samsung, vươn lên dẫn đầu thị trường smartphone vào quý II. Doanh số của hãng kết hợp cả hai thương hiệu Huawei và Honor nhưng chủ yếu là sản phẩm bán tại Trung Quốc.
Huawei hiện gặp rất nhiều khó khăn do các lệnh cấm liên tục từ chính phủ Mỹ. Hồi tháng 8, Richard Yu, Giám đốc mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei, thừa nhận công ty đang gặp khó trong việc sản xuất smartphone do lệnh giới hạn về mảng chip và chuỗi cung ứng. Trong nửa đầu 2020, mảng kinh doanh tiêu dùng đã mang về 36,5 tỷ USD doanh thu cho công ty.
Bảo Lâm (theo SCMP)