"Mọi hành động phải được thực hiện dựa theo luật pháp, với từng bước hiệu quả, để chống lại các hành vi phạm tội gây rối, ngăn cản và phá hủy sự ổn định của đất nước, sự an toàn của cộng đồng và chế độ pháp quyền", một phát thanh viên trên MRTV, đài truyền hình nhà nước do quân đội Myanmar quản lý, cho biết hôm nay.
Theo MRTV, Myanmar gần đây đã diễn ra các hành vi vi phạm luật pháp và đe dọa bạo lực từ các nhóm "mượn cớ dân chủ và nhân quyền".
Tuyên bố của kênh truyền hình do quân đội điều hành được đưa ra sau khi hàng nghìn người dân Mynmar tiếp tục xuống đường biểu tình phản đối cuộc đảo chính, yêu cầu trả tự do cho Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các quan chức chính phủ.
Các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Myanmar đã bước sang ngày thứ ba liên tiếp và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cảnh sát nước này lần đầu tiên phải sử dụng vòi rồng để giải tán người biểu tình ở thủ đô Naypyidaw hôm nay.
Quân đội Myanmar còn từng cảnh báo dân chúng không đăng những "tin đồn trên mạng xã hội" có thể kích động "bạo loạn và gây bất ổn", sau khi người dân nước này liên tục thể hiện quan điểm phản đối cuộc đảo chính trên mạng.
Các chính quyền Myanmar trước đây từng dẹp mạnh tay các cuộc biểu tình phản đối tương tự của người dân. Một cuộc nổi dậy của quần chúng chống lại chế độ của tướng Ne Win năm 1988 đã bị quân đội đẩy lui.
Một cuộc đảo chính khác vào tháng 9/1988 đã dẫn tới việc thành lập Hội đồng Khôi phục Trật tự và Luật Nhà nước (SLORC). Trong thời gian SLORC cầm quyền, hàng nghìn lãnh đạo dân sự, nhà hoạt động, nhà báo đã bị bỏ tù suốt nhiều thập kỷ.
Cuộc đảo chính hôm 1/2 diễn ra vài giờ trước cuộc họp đầu tiên của quốc hội mới Myanmar kể từ sau cuộc bầu cử tháng 11/2020, trong đó đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) của bà Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo. Tuy nhiên, quân đội Myanmar cáo buộc đã xảy ra gian lận bầu cử, buộc họ phải quyết định "hành động theo luật pháp" và điều hành đất nước dưới tình trạng khẩn cấp một năm.
Mỹ, Anh, Liên Hợp Quốc và EU đã lên án cuộc đảo chính, kêu gọi quân đội Myanmar sớm trao trả quyền lực cho chính phủ dân sự. Trung Quốc trong khi đó kêu gọi cộng đồng quốc tế không "làm trầm trọng thêm căng thẳng và phức tạp thêm tình hình Myanmar".
Ngọc Ánh (Theo AFP)