Các con đường của Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, trông có vẻ yên bình vào sáng 2/2, khi người dân đi làm một ngày sau cuộc đảo chính do quân đội thực hiện. Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo cấp cao được bầu dân chủ ở nước đã bị bắt. Quân đội một lần nữa nắm quyền kiểm soát đất nước, sau 10 năm trao lại quyền lãnh đạo cho chính quyền dân sự.
Nhưng đằng sau vẻ bề ngoài bình thường, nỗi lo lắng về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo đang bao trùm Myanmar. Ký ức về quãng thời gian gian khó sống dưới chính quyền quân sự đã ăn sâu vào tâm trí nhiều người dân.
Không ít người lo sợ cuộc binh biến hồi đầu tuần chỉ là khởi đầu cho những động thái khác quyết liệt, cứng rắn hơn. Chính quyền quân sự mới đã cách chức 24 bộ trưởng và thứ trưởng của chính quyền cũ với cáo buộc gian lận bầu cử, đồng thời chỉ định 11 đồng minh của mình giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy.
Ngày 2/2, Bộ trưởng Y tế Myint Htwe thông báo trên Facebook rằng ông sẽ từ chức "tùy theo diễn biến tình hình".
Vị trí chính xác và đầu mối liên lạc của các thành viên cấp cao đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (LND), bao gồm cả lãnh đạo đảng, Cố vấn Nhà nước Suu Kyi, vẫn chưa rõ ràng.
Một nghị sĩ Myanmar giấu tên tiết lộ với CNN rằng khoảng 400 nghị sĩ đang bị "giam lỏng" tại một nhà công vụ ở Naypiydaw. Người này mô tả đây là một khu phức hợp lớn, nơi những người bị giam có thể thoải mái đi lại nhưng không được phép bước ra khỏi cổng, nơi các binh sĩ đang canh gác.
Đến nay, các chính trị gia bị giam đều không cố gắng thương lượng với chính quyền quân sự và không biết chuyện gì sẽ xảy ra với họ tiếp theo.
Đảng NLD hôm qua kêu gọi ngay lập tức trả tự do cho những người bị bắt, bao gồm cả Tổng thống Win Myint và bà Suu Kyi. Họ đồng thời kêu gọi công nhận kết quả tổng tuyển cử của Myanmar hồi tháng 11, khẳng định cuộc đảo chính "là hành động phỉ báng, chống lại lịch sử".
Tại Naypyidaw, hầu hết hoạt động xã hội vẫn diễn ra bình thường, song bố phòng an ninh vẫn được duy trì nghiêm ngặt. Xe tăng án ngữ tại lối vào tòa nhà quốc hội và binh lính đứng gác bên ngoài một nhà khách chính phủ, nơi các nghị sĩ được cho là đang bị giam lỏng.
Theo báo nhà nước Myanmar Global New Light, trong khi thông tin liên lạc trên cả nước vẫn gián đoạn, ngân hàng đã mở cửa trở lại. Tại Yangon, người dân xếp hàng dài trước các cây ATM để rút tiền.
Phát ngôn viên NLD Kyi Toe hôm 1/2 cho biết trên trang Facebook cá nhân rằng bà Suu Kyi đang bị quản thúc tại tư dinh. Bà "cảm thấy ổn" và "thường xuyên đi bộ trong khu nhà".
Các cuộc biểu tình đến nay chỉ diễn ra với quy mô nhỏ và từ những người ủng hộ quân đội. Tuy nhiên, bà Suu Kyi vẫn rất được tôn kính ở Myanmar, đặc biệt trong nhóm dân tộc thiểu số Bamar.
Đội ngũ y bác sĩ tại hàng loạt bệnh viện trên khắp Myanmar tuyên bố sẽ đình công từ ngày 3/2 nhằm phản đối cuộc đảo chính. Nhóm Trợ lý Bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Yangon ra một thông báo vào hôm qua cho hay họ sẽ tham gia "phong trào bất tuân dân sự". Các bác sĩ khẳng định họ sẽ không làm việc dưới một chính phủ do quân đội lãnh đạo và kêu gọi lập tức thả cố vấn nhà nước Suu Kyi cùng Tổng thống Myint.
Dù những người ủng hộ Suu Kyi chưa xuống đường, rất nhiều người dân ở Yangon đã kín đáo bày tỏ tức giận với những hành động của quân đội mà theo họ là coi thường ý chí người dân trong một cuộc bầu cử được coi là công bằng hồi cuối năm ngoái.
Một số đặt câu hỏi vì sao quân đội lại muốn tiếp quản quyền lực khi họ vẫn được hưởng lợi từ những thỏa thuận lập pháp trước đó. Quân đội được hiến pháp bảo đảm 25% số ghế trong quốc hội và kiểm soát các bộ nắm giữ nhiều quyền lực trong chính phủ.
Một phóng viên ở Yangon cho biết ông đã trải qua một đêm không ngủ vì lo lắng về việc mình sẽ bị bắt và các nhà báo sẽ trở thành mục tiêu kế tiếp.
"Tất cả mọi người đều hiểu rõ khả năng của quân đội. Đây là bản chất của họ và cách họ điều hành. Bạn không nên đánh giá thấp họ. Tất cả người dân Myanmar giờ đây đều hiểu rõ tình hình thực tế, 5 năm qua, quyền tự do mà chúng tôi có, không là gì cả", phóng viên này nói.
Các chính sách thất bại dưới thời tướng Ne Win đã khiến Myanmar rơi vào cảnh nghèo đói. Một cuộc nổi dậy quần chúng chống lại chế độ của Ne Win năm 1988 đã bị quân đội đàn áp.
Một cuộc đảo chính khác vào tháng 9/1988 đã dẫn tới việc thành lập Hội đồng Khôi phục Trật tự và Luật Nhà nước (SLORC). Trong thời gian SLORC cầm quyền, hàng nghìn lãnh đạo dân sự, nhà hoạt động, nhà báo đã bị bỏ tù suốt nhiều thập kỷ. Những người khác phải chạy trốn ra nước ngoài hoặc phải vào rừng rậm cầm vũ khí chiến đấu.
"Không ai muốn tình cảnh trước đây lặp lại", phóng viên giấu tên ở Yangon cho hay.
Có những dấu hiệu cho thấy sự bất định về những gì sẽ xảy ra tiếp theo tại Myanmar sau cuộc binh biến đang tác động đến hoạt động đầu tư quốc tế ở nước này.
Ngày 2/2, Tập đoàn Motor Suzuki Nhật Bản thông báo sẽ ngừng hoạt động hai nhà máy ở Myanmar nhằm đảm bảo an toàn cho công nhân trước tình hình rối ren hiện nay. Nhà máy hiện có khoảng 400 lao động. Mitsuru Mizutani, quan chức quan hệ công chúng của công ty, cho biết họ sẽ khởi động lại hoạt động sản xuất khi cảm thấy đủ an toàn cho người lao động, song không biết chắc thời điểm đó là bao giờ.
Vũ Hoàng (Theo CNN)