Phản biện lại quan điểm 'Học sinh Việt phí hoài 12 năm phổ thông vì phải giải toán quá nhiều', nhiều độc giả VnExpress chia sẻ:
Đối với ai tôi không biết, chứ chúng tôi học toán là tư duy đàng hoàng. Công thức có đó, nhưng làm sao áp dụng được công thức để giải thì phải tự thân suy nghĩ, không ai chỉ cho đâu, chưa kể đối với toán hình học thì cầm tay chỉ việc càng không thể. Tôi thuộc thế hệ đầu 9x, đã ra trường đi làm, tuy công việc hiện tại không đòi hỏi phải tính tích phân, đạo hàm cao siêu, nhưng tôi chưa bao giờ xem thường những gì tôi đã được dạy, dù là toán, lý, hóa hay ngữ văn, thể dục.
Lúc còn là học sinh tôi cũng tự hỏi những câu như "học cái này để làm gì?". Nhưng sau này học lên cao hơn, tiếp xúc nhiều kiến thức hơn, thì tôi lại thấy trân trọng những gì mình được dạy và được học. Nếu cảm thấy những kiến thức đó quá cao siêu thì bạn chỉ cần học đủ điểm lên lớp thôi, thời gian còn lại có thể tự học thêm những kiến thức ở ngoài. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, mình không phát triển được thì trước nhất phải tự trách mình chứ đừng đổ lỗi cho nhà trường, cho giáo dục.
Riêng mình thì thấy tiếc vì không dành thời gian nhiều hơn cho Toán, vì hiện tại nó vô cùng quan trọng khi AI (Trí tuệ nhân tạo) đang là xu thế. Đây là năm thứ 6 mình làm nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc. Toán vô cùng quan trọng và cần thiết cho tư duy. Nhưng "chín người mười ý", tùy các bạn dạy con trẻ thế nào nữa. Nhưng đừng nói là "học cái đó chả biết để làm gì", đó là lỗi của người học.
Tích phân sử dụng rất nhiều, hằng ngày ai cũng thấy nhưng không nhận ra. Ví dụ như điện sử dụng hộ gia đình, ánh sáng của mặt trời, nhiệt độ... Điện các bạn sử dụng không phải như gạo phát mỗi nhà một bao là xong. Nhà máy phải tính toán như thế nào để tiết kiệm nhiên liệu đầu vào rồi lấy mẫu công suất đầu ra bằng những hàm PDI, công suất lấy mẫu bằng hàm PDI lại được so sánh để tiết kiệm nguyên liệu đầu vào. Công suất ra của nhà máy luôn thấy đổi do mội người bật/ tắt đèn, máy lạnh... Rất phức tạp. Chỉ những người am hiểu sâu về kiến thức PDI này mới được làm vì nó liên quan đến nguyên liệu đầu vào ảnh hưởng rất nhiều tiền bạc. Chữ I cuối cùng của hàm PDI là "integral", nghĩa là tích phân đấy.
Theo tôi chẳng có cái gì học mà thừa cả. Bạn cảm thấy phí thời gian vì bạn chưa biết ứng dụng những điều được học vào thực tế cuộc sống. Học sinh Việt Nam cứ nghĩ là phải học xong đại học thì mới bước vào thực tiễn cuộc sống, mới vận dụng kiến thức đã học mà không chủ động áp dụng vào cuộc sống ngay khi đang học phổ thông. Hơn nữa, chính chương trình giáo dục đại học lạc hậu, thụ động mới làm mất thời gian của sinh viên, khiến họ ra trường thiếu kỹ năng làm việc, năng suất lao động thấp. Còn theo tôi, chương trình phổ thông của chúng ta rất tốt và học sinh của chúng ta giỏi hơn học sinh của nhiều nước.
Thực ra người học toán và môn tự nhiên nói chung tốt thì khả năng tư duy phán đoán... sẽ nhanh nhẹn, nhạy bén hơn các bạn khác. Là một người học toán khá tốt, dù tính ứng dụng không cao tuy nhiên toán học giúp tôi có khả năng tư duy logic. Hãy nhìn vào mặt tích cực thay vì cứ suy nghĩ để làm gì? Ngày xưa, học đại học, các thầy cũng chỉ nói với tôi rằng: "Học cái gì ra sẽ làm đó... Trong trường, các thầy chỉ cố gắng dạy các kỹ năng nhận biết và giải quyết vấn đề, còn các em ra đi làm phải quan sát và biết cái mình làm là gì? Như máy móc thiết bị từ đơn giản đến phức tạp nhưng mục đích nó là gì? TV dùng để xem thì biết sao tắt mở, dò kênh...". Học xong không phải cái gì cũng sẽ biết, sẽ giỏi nhưng phải biết vấn đề nó là gì, cần xử lý ra sao?
Học toán mang lại logic, tư duy cho các bạn. Đương nhiên là toán nếu nhồi nhét quá nhiều vào các cấp trong 12 năm đầu thì cũng không nên, nhưng nó vẫn là cái nền tốt cho tư duy. Không phải ngẫu nhiên mà nền tảng cho phát triển thế giới bây giờ đều từ toán, lý, hóa... Có học rồi chắt lọc, thử sức thì mới biết bạn thích gì, đi theo con đường nào được? Cũng như nếu muốn chọn một môn thể thao bạn chơi giỏi nhất thì bạn phải thử hết: từ đi, chạy bộ, bơi, đến cầu lông, bóng đá... Không học, không thử chơi môn nào sao biết được mình giỏi? Học không bao giờ là thừa, quan trọng là bạn phát triển theo hướng nào và ứng dụng vào cái nào thôi?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.