Mấy hôm nay, tôi thấy nhiều ý kiến tranh cãi về hội phụ huynh. Nhân đây, tôi cũng xin mạn phép nói về quan điểm của mình. Thứ nhất, tôi thấy hội phụ huynh trong trường tư không cần thiết vì kinh phí từ người học là chính, cơ sở vật chất luôn đầy đủ, mọi đề xuất đều được đáp ứng, giải quyết các vấn đề phát sinh nhanh chóng và không bị hạn chế trách nhiệm. Với trường tư, học sinh là khách hàng.
Trong khi đó, cũng như các dịch vụ công ích khác, kinh phí trường công chủ yếu từ ngân sách, nên mọi khoản sắm sửa, chi trả phải theo khả năng của nền kinh tế. Trong khi đó, chúng ta chưa phải nước giàu, nên đầu tư cho giáo dục có mức độ nhất định, cơ sở vật chất trường lớp chỉ ở mức cơ bản, chưa kể số lượng học sinh luôn vượt số lượng trường lớp.
Học sinh trường công là đối tượng được phục vụ, học phí được trợ cấp, nên những khó khăn, thiếu thốn so với nhu cầu là đương nhiên. Quy trình bổ sung, giải quyết những vướng mắc đó cũng không thể ngày một ngày hai. Nhiều vấn đề cấp trường, cấp phòng, thậm chí cấp sở, cũng không tự giải quyết được mà phải chờ các cấp có thẩm quyền nên thời gian kéo dài một vài năm là chuyện bình thường.
Muốn giải quyết tạm thời một số khó khăn cấp bách nhỏ trong lớp giúp con em mình có điều kiện học tốt hơn thì cần có hội phụ huynh. Chỉ có điều, tổ chức hoạt động sao cho hiệu quả, tế nhị thấu tình đạt lý mới là quan trọng. Nếu lựa chọn hội trưởng đúng người, thu chi minh bạch, dân chủ, tôi tin chắc đa phần sẽ ủng hộ vì ai cũng muốn con em mình có điều kiện học tập tốt nhất, miễn đừng lãng phí.
Quỹ lớp thu từ đóng góp chỉ nên chi cho việc khen thưởng, mua quà lưu niệm cho giáo viên (các phần quà này mang hình thức biểu tượng tinh thần là chính chứ không nặng về vật chất), còn lại chi các việc lặt vặt để phục vụ học sinh, nên tổng thu cũng không thể quá 5 triệu đồng một năm. Khi đóng góp, hội nên đưa ra một con số vừa phải mà gia đình nghèo cũng có thể đóng được, không gây áp lực, trên tinh thần tự nguyện (nếu ai khó khăn nên miễn), khuyến khích những người có điều kiện ủng hộ cao hơn.
Và đặc biệt không được nêu tên phụ huynh không đóng, mà chỉ biểu dương người đóng vượt khung. Đừng biến việc đóng quỹ hội thành nơi so kè, khoe mẽ là được. Những chi phí lớn trên 5 triệu đồng, phụ huynh nên vận động các mạnh thường quân. Nếu không được cũng phải chấp nhận vì đây là trường công , không thể đòi hỏi cái gì cũng có.
>> 'Đóng quỹ phụ huynh khiến nhiều gia đình nghèo mệt mỏi'
Về việc này, tôi xin kể kinh nghiệm thực tiễn trường cháu tôi. Cách đây bốn năm, cháu nội tôi vào lớp một trường công lập trung tâm thành phố gần nhà. Mặc dù là trường điểm nhưng phòng không có máy lạnh và chỉ có hai quạt trần cũ cho 49 học sinh. Quạt cứ mở lớn là kêu to nên lớp cháu buộc phải mở số nhỏ. Từ 9h sáng trở đi, nắng chiếu vào tường nên phòng học rất nóng. Mỗi khi về, thấy cháu mồ hôi nhễ nhại, tôi rất thương nhưng không biết tình hình cụ thể.
Khoảng 3 tháng sau tôi và thầy Hiệu trưởng vô tình biết nhau qua một buổi họp tại phường sở tại. Tôi đặt vấn đề hỏi thăm về cơ sở vật chất nhà trường, vị Hiệu trưởng mới chia sẻ biết những khó khăn đó, nhưng không thể khắc phục được vì tiêu chuẩn cơ sở vật chất chỉ có vậy, lại không dám kêu gọi phụ huynh do quy định chung là nhà trường không được phép thu tiền.
Hiện trường chỉ có bốn phòng học có máy lạnh do hội phụ huynh lớp các năm trước để lại. Riêng bảy phòng giáp tường tầng đều chưa có điều hòa. Nghe vậy, tôi về tìm được anh bạn là chủ đại lý xe máy lớn tại tỉnh, cũng có cháu học tại đây. Hai chúng tôi bàn bạc, cùng chung tiền để gửi hội phụ huynh trường giúp lắp sáu máy lạnh cho ba phòng. Từ đó, cứ mỗi năm, con trai tôi và anh đều chung tay ủng hộ một vài phòng nữa, mặc dù chúng tôi không nằm trong Ban đại diện cha mẹ học sinh, cũng không biết giáo viên chủ nhiệm của cháu.
Năm lên lớp 3, cháu tôi chuyển qua trường dân lập song ngữ. Nhờ sự lan tỏa đó mà đến nay, trường cũng đã lắp xong gần hết máy lạnh cho các phòng học của các cháu và làm được nhiều việc khác nữa mà không ảnh hưởng gì đến việc đóng góp quỹ lớp. Trường cũng không có điều tiếng gì. Tôi kể chuyện này mong các bạn thấy công tác xã hội hóa trong trường học cũng nên được quan tâm. Mà ở trường công, chỉ có hội cha mẹ học sinh mới làm được những điều đó vì nhà trường còn vướng cơ chế, không thể công khai kêu gọi.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.