Ngày 31/12, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022. Trưởng Ban Phan Đình Trạc cho biết, năm 2021 khối lượng công việc lớn, nhiều việc mới, phức tạp, nhưng Ban đã hoàn thành khá toàn diện.
Cụ thể, Ban đã quyết liệt trong tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban cũng cũng tham mưu chủ trương, định hướng xử lý, đẩy nhanh tiến độ, xử lý.
Theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương, mặc dù "chịu nhiều áp lực", nhưng Ban vẫn kiên quyết, kiên trì, theo đuổi đến cùng trong tham mưu, chỉ đạo, xử lý các vụ án khó. Đơn cử như vụ án xảy ra tại Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế; tiêu cực trong xét giảm thời gian chấp hành án và đặc xá với Phan Sào Nam; chủ động đề xuất đưa một số vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo...
"Nếu không chủ động, không sâu sát, không bản lĩnh, không kiên trì, không công tâm, khách quan không làm được, dễ bị tác động và cũng dễ bị vi phạm lắm", ông Trạc nói.
Trong năm 2022, Ban Nội chính Trung ương sẽ chủ động nghiên cứu, đề xuất đưa các vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Đề án về thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh...
Theo báo cáo, trong năm 2021, Ban Nội chính Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" để trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 (khóa XIII) vào tháng 10/2022; tiếp tục hoàn thiện Đề án "Nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng".
Thời gian tới, Ban sẽ tập trung tiếp thu ý kiến của cấp có thẩm quyền với 4 Đề án đã trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trong đó có Đề án "Tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hoặc chỉ đạo ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng"; Đề án "Về tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương"....
Ngày 31/12, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, Ủy ban đã triển khai 77 đoàn kiểm tra, giám sát. Trong đó, đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 20 tổ chức đảng (tăng 122% so với năm đầu nhiệm kỳ XII) và 8 đảng viên.
Nhiều vụ việc phức tạp, nghiêm trọng, liên quan nhiều địa phương, đơn vị, chống tiêu cực ngay trong các cơ quan chống tiêu cực (như tại Cảnh sát Biển Việt Nam, Bộ đội biên phòng các tỉnh Kiên Giang, Trà Vinh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Cục điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh...); có vụ việc phức tạp, tồn đọng từ lâu, dư luận quan tâm đã được kiểm tra, kết luận và xử lý nghiêm minh, kịp thời.
Qua kiểm tra, cơ quan Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 tổ chức đảng và 83 đảng viên; đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 7 tổ chức đảng và 33 đảng viên.