Nguyễn Hùng Lâm (Lâm Python) đang học thạc sĩ tại Đại học Carnegie Mellon, thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, Mỹ. Mùa tuyển sinh vừa qua, kỹ sư phần mềm trúng tuyển chương trình thạc sĩ của 9 trong tổng số 10 đại học nộp hồ sơ, gồm Cornell, Duke, Johns Hopkins... Lâm chọn Carnegie Mellon, top 25 ở Mỹ và trong nhóm Big Four (bốn trường nổi tiếng nhất thế giới gồm Massachusetts Institute of Technology, Stanford, Berkeley) về ngành kỹ thuật, khoa học máy tính.
Không có ý định học lên thạc sĩ nhưng trong thời gian phải làm việc ở nhà vì dịch bệnh, anh ngẫu hứng nộp hồ sơ, với mục đích kiểm tra khả năng của bản thân. Sau gần bốn năm đi làm ở Mỹ, cựu sinh viên Luther College trở lại giảng đường.
Lâm cho biết, bí quyết ứng tuyển thành công là đáp ứng đúng yêu cầu của các trường. Điểm mạnh trong hồ sơ của Lâm nằm ở những dự án cậu thực hiện và phần phỏng vấn thuyết phục. Quá trình ứng tuyển diễn ra nhẹ nhàng và không áp lực do Lâm đã quen và có kinh nghiệm trong các bước.
Suốt 5 năm qua, Lâm tư vấn cho các bạn tìm trường du học, hỗ trợ thông tin, giúp sửa bài luận, chuẩn bị hồ sơ qua dự án Akatsuki do cậu sáng lập. Hàng năm, Lâm nhận 10-15 em có tiềm năng, tố chất để giúp đỡ. Nhiều học sinh của Lâm trúng tuyển và giành học bổng của các đại học nổi tiếng như Harvard, Duke, Cambridge, Pennsylvania... Ngoài ra, Lâm cũng có kênh YouTube truyền cảm hứng về cuộc sống, học tập tại Mỹ với hơn 32.000 người theo dõi.
"Nhờ có sự tìm hiểu kỹ lưỡng nên tôi hiểu trường cần tìm kiếm điều gì ở ứng viên. Khi tham gia phỏng vấn, tôi chủ động dẫn dắt, làm cho họ cười, đôi lúc khiến họ ngạc nhiên nhưng cũng có đoạn phải gật gù vì nhận ra điều gì đó thú vị từ thí sinh", Lâm kể.
Muốn làm được điều này, bên cạnh kỹ năng của một Youtuber, Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu biết sâu sắc về trường. Sau khi tìm hiểu về ranking (xếp hạng) trên các bảng xếp hạng, cậu đọc đánh giá của cựu sinh viên và nghiên cứu thế mạnh của từng trường. Kỹ sư người Việt cũng quan tâm đến lịch sử, châm ngôn, môi trường và vị trí của đại học đó, đặc biệt chú trọng tới thành tựu trường đạt được và thành công của các cựu sinh viên.
Với Carnegie Mellon, Lâm bị thu hút bởi vẻ bí ẩn và ít người biết đến hơn các trường danh tiếng khác. Đây là đại học có chương trình trí tuệ nhân tạo đầu tiên của thế giới. Trường cũng đào tạo ra nhiều nhân vật nổi tiếng, trong đó có James Gosling, "cha đẻ" của ngôn ngữ lập trình Java. Luis von Ahn, giáo sư của trường, là đồng sáng lập và giám đốc điều hành Duolingo, một nền tảng học ngôn ngữ phổ biến.
Ngôi trường này còn là bệ phóng giúp nhiều người Việt Nam thành danh như Giáo sư John Vũ - Nguyên Phong, nhà khoa học nổi tiếng ở Mỹ, đứng top 10 người sáng tạo nhất thế giới, hay tiến sĩ Vũ Duy Thức, người Việt Nam được Silicon Valley Business Journal - Tạp chí kinh doanh ở thung lũng Silicon (Mỹ), vinh danh là một trong 40 gương mặt nổi bật ở thung lũng Silicon...
Theo Lâm, khác với đại học, ở bậc thạc sĩ, bài luận chỉ là một phần nhỏ để quyết định bạn được nhận hay không. Phần lớn các trường yêu cầu Statement of Purpose (SOP - bài luận thể hiện mục đích học tập), tuy nhiên cũng có đại học cần thêm 3-4 bài luận phụ. Có sẵn ý tưởng, câu chuyện trong đầu, Lâm viết xong đề luận của mỗi trường trong vòng một đêm và mất 10 ngày để hoàn thành toàn bộ số trường cần nộp.
Tân sinh viên Đại học Carnegie Mellon chia sẻ, có hai trường phái viết luận phổ biến. Nếu không có câu chuyện ấn tượng, ứng viên phải sử dụng kỹ thuật viết mô tả và cái nhìn sâu sắc của bản thân để từ một vấn đề cụ thể khái quát thành vấn đề lớn.
"Tôi có câu chuyện hay nên chọn cách tái hiện những trải nghiệm đầy màu sắc của mình trong bài luận", Lâm nói.
Bài luận của Lâm kể về khoảng thời gian sau khi sang Mỹ, học cả hai chuyên ngành yêu thích là công nghệ sinh học và lập trình. Năm 2015, cậu phát hành game Go MooMoo đứng top 10 ở Việt Nam khi đó. Vài năm sau khi đã đi làm, Lâm viết cuốn sách về lập trình có tên Cracking the Python - An Introduction to Computer Programming bán trên Amazon.
Ông Jon Lund, Giám đốc tuyển sinh quốc tế của Đại học Luther, thành phố Decorah, bang Iowa, là người viết thư giới thiệu cho Lâm. Ông Lund ấn tượng với du học sinh Việt Nam ở sự sâu sắc, thông minh và tràn đầy động lực.
"Tôi luôn hứng thú khi trò chuyện với Lâm. Lâm khiến tôi tin rằng cậu có cả kỹ năng và tầm nhìn để làm tốt trong nhiều lĩnh vực liên quan khoa học máy tính và công nghệ", ông nói.
Lâm cho rằng ứng viên sẽ có lợi thế khi ứng tuyển vào ngành học thạc sĩ có liên quan hoặc gần với ngành được đào tạo ở đại học và kinh nghiệm làm việc. Cậu tốt nghiệp cử nhân Khoa học Máy tính, làm kỹ sư phần mềm và nộp ngành phân tích dữ liệu ở bậc thạc sĩ.
"Bạn không cần vội học thạc sĩ. Tốt nghiệp đại học, bạn có thể đi làm để tích lũy kinh nghiệm và tài chính, sau đó trở lại học", Lâm tư vấn.
Kỹ thuật ngày càng phát triển và có nhiều đổi mới, do đó việc học thạc sĩ với một kỹ sư công nghệ như Lâm là cơ hội để trau dồi và nâng cao kiến thức. Hiện Lâm vừa học vừa làm kỹ sư phần mềm cho một ngân hàng của Thụy Sĩ. Cậu dự định sau khi tốt nghiệp sẽ mang những kiến thức, kinh nghiệm học được về Việt Nam làm việc, tiếp tục viết sách về data và giúp đỡ các bạn trẻ.
Bình Minh