Phạm Nguyễn Tâm Minh hiện là sinh viên năm cuối ngành Quantum Technology (Công nghệ Lượng tử) tại Đại học Aalto, Phần Lan.
Trước khi tốt nghiệp vào tháng 5 tới, Minh nộp hồ sơ ứng tuyển 5 chương trình thạc sĩ ở các trường tại châu Âu, gồm ETH Zurich (Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ), Qutech - TU Delft (Hà Lan), École normale supérieure - PSL (Pháp), University of Copenhagen (Đan Mạch), University of Helsinki (Phần Lan).
Ngoài ra, cậu còn nộp vào 5 chương trình tiến sĩ tại Mỹ, gồm Đại học Harvard, Caltech (Viện Công nghệ California), Princeton, Duke, Purdue.
Ở châu Âu, ứng viên muốn học tiến sĩ (ba năm) buộc phải học xong thạc sĩ (hai năm). Trong khi ở Mỹ, chương trình tiến sĩ kéo dài 5 năm, với hai năm đầu tương đương đào tạo thạc sĩ.
Nam sinh 21 tuổi vừa nhận kết quả giành học bổng toàn phần các trường châu Âu, đỗ một trường ở Mỹ và một trường trong danh sách chờ. Trong số các trường trúng tuyển, Minh tự hào khi được nhận vào ETH Zurich - một trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu kỹ thuật, khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên vì lý do kinh tế, nam sinh không thể qua Thụy Sĩ và tháng 9 tới sẽ học thạc sĩ tại Viện nghiên cứu QuTech và Đại học TU Delft của Hà Lan. QuTech là một trong các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Quantum Tech hàng đầu châu Âu.
Với những trường chưa ứng tuyển thành công, Minh nhận ra đã mắc một số sai lầm trong quá trình nộp hồ sơ. Nam sinh chia sẻ tám bài học cậu rút ra được.
1. Chuẩn bị hồ sơ từ sớm
Minh không có sự chuẩn bị sớm do đang hoàn thành luận văn tốt nghiệp và phải thi lại chứng chỉ IELTS. Tháng 12/2021, một tháng trước khi hết hạn, nam sinh mới bắt đầu làm hồ sơ, chuẩn bị bài luận (Statement of Purpose), thư động lực (Motivation Letter), lý lịch (CV), đề xuất nghiên cứu (Research proposal), thư giới thiệu, bảng điểm, giấy chứng nhận đang học và một bản liệt kê những môn chuyên ngành đã học. Hồ sơ của các trường được gửi trước hạn chót một ngày.
"Với thời gian gấp rút như vậy, chất lượng bài luận sẽ không cao hoặc chuẩn bị các tài liệu khác không kỹ càng. Một số trường sẽ yêu cầu ứng viên liệt kê hết những môn đã học ở bậc đại học, nội dung, phương pháp đánh giá, thời lượng... Do đó, bạn nên chọn sẵn những trường muốn nộp và chuẩn bị bộ hồ sơ từ 5-6 tháng trước", Minh nói.
2. Phong cách bài luận
Theo Minh, phong cách bài luận ở châu Âu khác Mỹ. Nếu ở châu Âu, bạn có thể viết thẳng vào vấn đề thì bài luận ở Mỹ như kể một câu chuyện. Do không nắm được cách viết một bài luận như thế nào với các trường ở Mỹ, Minh lỡ mất phần lớn cơ hội tại đây.
"Bài luận của em không thu hút và chủ yếu tập trung vào những điều trước đó em làm. Trong khi đó, các trường ở Mỹ cần một bài luận sáng tạo hơn. Em nhận ra điều này sau khi trò chuyện với nhiều bạn bè và tự suy xét lại các điểm yếu trong hồ sơ", Minh chia sẻ.
3. Liên hệ với giáo sư hướng dẫn (dành cho các trường ở Mỹ)
Sau khi hoàn thành hồ sơ nộp các trường ở Mỹ, Minh mới biết mình nên liên hệ trước với giáo sư muốn làm việc chung. Điều này giúp em tạo kết nối, hiểu thêm về đề tài nghiên cứu để xem có thực sự hợp không, hiểu văn hóa làm việc của nhóm nghiên cứu, tìm hiểu thêm rằng nhóm còn đủ kinh phí để tuyển nghiên cứu sinh tiến sĩ không và đưa bộ hồ sơ của mình vào tầm mắt của giáo sư.
"Đây là điều khác biệt ở Mỹ với châu Âu và cũng là một trong những lý do em nhận nhiều lời từ chối ở Mỹ dù hồ sơ có tính cạnh tranh", Minh chia sẻ.
Theo Minh, nếu nộp chương trình thạc sĩ ở châu Âu, các trường sẽ nhắc nhở trên trang web rằng ứng viên không nên liên hệ giáo sư trong quá trình đánh giá hồ sơ.
4. Nộp hồ sơ lệch ngành
Ở bậc đại học, nghiên cứu của Minh chủ yếu về Vật lý Lượng tử (Quantum Physics) và phần cứng (hardware). Nhưng khi nộp một số trường ở Mỹ như Caltech hoặc Duke, nam sinh lại chuyển hướng sang thông tin lượng tử (quantum information) và tính toán lượng tử (quantum computation). Do nền tảng thiếu hai mảng này, hồ sơ của Minh kém cạnh tranh hơn và bị từ chối hoặc nằm trong danh sách chờ.
"Nếu muốn nhắm tới những trường hàng đầu, bạn nên hạn chế nộp ngành lệch với chuyên ngành, kiến thức được đào tạo", Minh khuyên.
5. Thiếu thông tin
Đang học ở châu Âu nên Minh không nắm rõ các trường ở Mỹ. Thiếu trao đổi với bạn bè ở đó khiến Minh không biết University of California, Berkeley vừa mở hướng nghiên cứu em muốn làm và trường đang tìm nghiên cứu sinh tiến sĩ.
"Nếu kết nối với cách anh chị ở Mỹ sớm, em đã biết những thông tin này kịp thời", Minh nói.
6. Không khớp về định hướng
Minh cho hay, nếu hồ sơ của bạn đủ tốt nhưng do định hướng nghiên cứu hoặc tương lai của hai bên khác nhau, bạn vẫn bị từ chối. Theo Minh, thông thường ứng viên sẽ biết trước định hướng nghiên cứu của mình có phù hợp hay không, tuy nhiên một số nơi không để rõ định hướng này.
Ở vòng phỏng vấn của trường École normale supérieure, Pháp, Minh nhận ra hướng nghiên cứu của mình (tập trung vào riêng một mảng) và của trường (tầm nhìn rộng về Vật Lý) khác nhau. Sau đó, em nhận được thư từ chối với lý do trên.
"Em bị từ chối chương trình gốc nhưng hồ sơ lại được chuyển qua một chương trình khác và em được nhận làm thạc sĩ và tiến sĩ của trường trong 5 năm. Các bạn nên xem kỹ về định hướng nghiên cứu của chương trình thạc sĩ mình đang nộp", Minh gợi ý.
7. Học thêm các kỹ năng bổ trợ
Nền tảng kiến thức được đào tạo hiện tại của Minh là Toán và Lý. Em thiếu kỹ năng bổ trợ quan trọng khác là engineering (kỹ thuật).
"Nếu học về Kinh doanh, kỹ năng bổ trợ hữu ích là phân tích dữ liệu (data analysis) hoặc trực quan hóa dữ liệu (data visualization). Với những trường hàng đầu và cạnh tranh về học bổng tài năng (merit based), việc có các kỹ năng bỗ trợ là cực kỳ quan trọng", Minh phân tích.
Vì thiếu kỹ năng về kỹ thuật, Minh hụt học bổng tại ETH Zurich. Ngành của em là một ngành công nghệ mới kết hợp cả Toán, Lý và kỹ thuật, vì vậy, biết kiến thức trong tất cả mảng này rất cần thiết.
"Nếu biết kỹ thuật, em có thể biết thêm về thiết kế mạch lượng tử (circuit design), fabricating chip, hoặc xử lý sóng điện (signal processing). Đây là những kỹ năng thực nghiệm quan trọng mà em thiếu vì nền tảng của em mang tính lý thuyết cao", Minh cho hay.
8. Tìm người đồng hành trong thời gian chờ đợi kết quả
Minh cho rằng việc chờ đợi kết quả là một quá trình căng thẳng. Nam sinh từng mất ngủ liên tục vì tương lai bất định và không phải ai cũng có thể hiểu được những gì em đang trải qua. Em khuyên ứng viên nên tìm kiếm những người bạn hiểu mình hoặc các anh chị từng trải qua điều này để giúp vượt qua thời gian chờ đợi.
Bình Minh