1h50 hàng ngày, Vũ Tuấn Kiệt, du học sinh ở Tokyo, Nhật Bản, đến tiệm báo, bắt đầu công việc phát báo. Dạo này Tokyo có tuyết, Kiệt phải mặc hai áo giữ nhiệt, nhiều áo khoác, đeo hai khăn quàng và hai đôi găng tay để chống chọi giá lạnh.
Sau khi bọc báo bằng nilon chống ướt, Kiệt bê ra xe máy xếp ở giỏ trước và giá chở hàng phía sau rồi lên xe. Nước táp vào kính cận, không thấy đường, nam sinh 21 tuổi bỏ kính, đi theo thói quen. Chiếc xe xoay ngang trên mặt đường trơn trượt, khiến Kiệt vài lần bị ngã, đổ xe, văng chồng báo xuống đường.
Phát xong ca sáng lúc khoảng 6h, Kiệt đến trường học đến trưa rồi về nhà nghỉ ngơi trước khi bắt đầu ca làm lúc hơn 14h. Buổi tối, sau khi ôn bài, Kiệt đi ngủ lúc 22h để tiếp tục công việc vào sớm hôm sau.
Tháng 3/2020, Kiệt sang Nhật bằng học bổng Asahi, được tài trợ bởi Asahi - nhật báo lớn thứ hai nước này. Theo thầy Nguyễn Duy Anh, Hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ GAG ở thành phố Fukuoka, học bổng Asahi được nhiều người biết tới, thường áp dụng cho học sinh trường tiếng Nhật. Ngoài Asahi, một số báo khác như Yomiuri Shinbun cũng có học bổng gồm tiền học, tiền nhà và một khoản lương, đổi lại, du học sinh làm việc cho họ trong thời gian đi học.
"Học bổng dạng 'đầu tư' nên có tính ràng buộc cao. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là cơ hội cho các học sinh khó khăn muốn du học", thầy Duy Anh cho hay.
Học bổng sẽ thông qua một trung tâm để lựa chọn và đào tạo trước ứng viên, sau đó tờ báo sẽ phỏng vấn. Số lượng học bổng tùy thuộc vào nhu cầu nhân lực. Để duy trì kinh doanh, các tiệm buộc phải tìm người nước ngoài do khó tuyển người Nhật. Ngoài thành tích học tập tốt là một lợi thế, khi phỏng vấn, tờ báo sẽ đánh giá cao ở ý thức, quyết tâm và nghị lực của ứng viên.
Thầy Duy Anh cho biết thêm, nhiệm vụ của các du học sinh là giao báo hai ca một ngày. Công việc vất vả, nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như bão tuyết, mưa rét, đòi hỏi ứng viên phải nghị lực và chăm chỉ. Do đó, các tờ báo có xu hướng chọn những học sinh ở tỉnh, chịu được vất vả.
Kiệt từng đỗ Học viện Ngân hàng nhưng từ bỏ để thỏa mãn ước mơ sang Nhật và có cuộc sống tự lập. "Bố mẹ em là thợ may, thu nhập trông chờ vào tiệm nhỏ, do đó em không muốn là gánh nặng cho gia đình. Em quyết định du học, dù biết phải đối mặt nhiều thử thách", nam sinh Thanh Hóa tâm sự sau khi kết thúc ca giao báo chiều.
Kiệt phải học sáu tháng tiếng Nhật cơ bản, hai tháng về giao thông Nhật Bản. Trước khi sang Nhật, em tìm hiểu và hỏi kinh nghiệm của các anh chị đi trước, chuẩn bị sẵn tâm lý, nhưng lúc bắt tay vào việc vẫn không khỏi sốc.
Vài ngày sau khi tới Tokyo, Kiệt tới tiệm báo học việc. Cậu phải học cách lồng quảng cáo vào từng tờ báo, cách cầm sao cho báo không bị nhăn, rách, xếp báo theo danh sách để không bị sót. Sau một tuần theo chân nhân viên tiệm báo, Kiệt bắt đầu nhiệm vụ.
Hôm đầu tiên Kiệt đi làm đúng thứ bảy, ngày có nhiều quảng cáo nhất trong tuần. Tờ quảng cáo nhiều khiến các chồng báo dày, nặng, xếp khó và số lượng chở được ít hơn. Chưa quen việc, ca sáng hôm đó cậu phát từ 2h đến 8h và phải nhờ hỗ trợ của nhân viên tiệm mới xong.
Kết thúc hai ca sáng - chiều, giao gần 800 tờ báo, tay Kiệt bị bỏng lạnh, sưng phồng; khuôn mặt ửng đỏ, còn giày ướt sũng. "Ngày hôm đó dài như vô tận, quá sức tưởng tượng và hình dung của em. Trở về phòng, em hơi nản và có chút sợ nhưng nghĩ tới ý định trước khi qua đây, em quyết tâm không bỏ cuộc", Kiệt kể.
Mất một tháng, cậu mới nhớ hết danh sách khách hàng, ký hiệu đường đi và các loại báo. Kiệt cho hay vất vả nhất là những ngày bão tuyết, mưa lạnh. Ngã xe, đổ báo ra đường hay ướt báo là khó tránh khỏi. "Em phát khóc khi nhìn chồng báo đổ la liệt xuống đường giữa tuyết rơi, ngã đau nhưng không gọi được ai giúp đỡ. Nhưng nếu không dậy nhanh và tự xoay xở, em sẽ càng mất nhiều thời gian", Kiệt chia sẻ.
Là đồng nghiệp giao báo, cô gái Nhật Uenoyuuka quý mến Kiệt vì cậu dễ gần và có thái độ sống tích cực. Cô cho biết, Kiệt hiện là người Việt Nam duy nhất tại tiệm báo.
"Kiệt đã cố gắng rất nhiều. Tuy có rào cản ngôn ngữ, cậu ấy luôn học hỏi mỗi ngày và thực hiện công việc bằng sự khéo léo", Uenoyuuka cho hay.
Công việc ngoài trời, gò bó về thời gian ảnh hưởng không nhỏ tới việc học của Kiệt. Cậu thừa nhận luôn đến lớp trong tình trạng buồn ngủ. "Nếu không có ý chí chắc sẽ khó tập trung và theo được bài trên lớp. Ngoài giờ học trên trường, em chỉ có một tiếng tự học buổi tối ở nhà", Kiệt nói.
Cậu luôn tranh thủ thời gian ở tiệm và học trên lớp để thực hành, cải thiện tiếng Nhật. Để có thời gian nghỉ ngơi, Kiệt sắp xếp công việc trong ngày hợp lý. Mỗi tuần, cậu được nghỉ một ngày rưỡi và phải đăng ký trước.
Kiệt cũng thường quay video, ghi lại cuộc sống và công việc ở Nhật, với mục đích giúp các bạn học sinh hình dung rõ hơn về việc du học theo học bổng giao báo. Nam sinh hy vọng những bạn có ước mơ du học nhưng không đủ điều kiện kinh tế sẽ cân nhắc và chuẩn bị trước khi đi.
Thầy Duy Anh cũng khuyên ứng viên tìm hiểu kỹ thông tin về công việc, khu vực sẽ tới, đặc biệt phải xác định sẽ rất vất vả. "Nhiều du học sinh đã trưởng thành và thành công từ công việc này song cũng không ít bạn bỏ cuộc vì quá vất vả", thầy nói.
Gần hai năm, Kiệt chưa về Việt Nam thăm gia đình vì dịch bệnh, giá vé máy bay đắt và ngày nghỉ ngắn. Nhìn lại những ngày tháng qua, nam sinh học hỏi được nhiều điều. Từ chỗ không biết làm gì, cậu học cách chăm sóc bản thân, biết nấu ăn và lo liệu cuộc sống. Công việc giao báo cũng rèn cho cậu ý chí và nghị lực để vượt qua khó khăn.
"Em ngạc nhiên về bản thân mình. Ở nhà chỉ biết quét nhà, rửa bát nhưng sang đây, em tự làm mọi việc và biết cách cân bằng cuộc sống", Kiệt chia sẻ.
Kiệt chuẩn bị tốt nghiệp trường tiếng và hiện đã đỗ ngành Kinh doanh Tổng hợp của Đại học Shumei ở thành phố Chiba. Tháng 4 tới, cậu sẽ nhập học. Không còn học bổng, Kiệt dự định làm thêm hai công việc để có tiền trang trải học phí và sinh hoạt ở Nhật.
Bình Minh