Theo Tân Hoa Xã, năm người này bị tòa án thành phố Bạch Ngân, thuộc tỉnh Cam Túc - nơi xảy ra thảm kịch - tuyên án tù giam từ ba đến năm năm rưỡi. Những người này bị kết tội "tổ chức một sự kiện quy mô lớn dẫn đến sự cố an toàn nghiêm trọng".
Ngày 22/5/2021, cự ly 100km của Huanghe Shilin Mountain Marathon - giải chạy diễn ra tại Công viên địa chất quốc gia rừng đá Hoàng Hà, tỉnh Cam Túc - thu hút 172 VĐV tranh tài. Giải thưởng cho hai vị trí nhất nhì lần lượt là gần 2.500 USD và gần 2.000 USD, trong khi các VĐV vào top 10 sẽ nhận 300 USD, còn các VĐV hoàn thành cự ly trong thời gian quy định (cut-off time) nhận 248 USD tiền thưởng.
Thời tiết xấu xảy ra vào khoảng 13h, khi các VĐV leo lên độ cao chừng 2.000 mét so với mực nước biển, ở đoạn đường từ kilomet thứ 20 tới 31. Phải đến gần cuối giờ chiều, ban tổ chức mới cầu cứu nhà chức trách, đề nghị hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ các VĐV. Trong khi chờ đợi nhóm tìm kiếm, nhiều VĐV bị hạ thân nhiệt do nhiệt độ trên núi giảm xuống gần như đóng băng.
Phần đông trong số 21 VĐV tử nạn trong thảm kịch đều qua đời vì hạ thân nhiệt. Nhà vô địch ultra marathon 31 tuổi Liang Jing và Huang Guanjun - HC vàng marathon tại Đại hội Thể thao người khuyết tật Trung Quốc 2019 - là hai trong các nạn nhân xấu số.
Chạy đường dài (ulra trail) và các môn thể thao mạo hiểm khác bùng nổ ở Trung Quốc trong những năm gần đây khi chính phủ khuyến khích tập thể dục cho mọi lứa tuổi, dù việc tổ chức lỏng lẻo đã nhiều lần gây ra vấn đề.
Trong đó, ultra trail là hoạt động thể thao tương đối mới ở Trung Quốc. Phong trào manh nha từ 2014, nhưng phát triển ồ ạt, đến năm 2019, trước khi đại dịch bùng phát, đã có hàng nghìn sự kiện diễn ra hàng năm. Ước tính, có khoảng 100.000 VĐV thường xuyên tham gia các giải chạy trail.
Sau thảm kịch khiến 21 VĐV tử nạn, Trung Quốc đã siết chặt việc quản lý các sự kiện thể thao. Theo đó, Bộ thể thao Bắc Kinh thông báo các sự kiện không có tiêu chuẩn an toàn quốc gia sẽ bị đình chỉ, gồm chạy đường mòn trên núi, ultra trail và bay trong bộ đồ bay (wingsuit flying).
Hồng Duy