Theo kết quả được Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) công bố ngày 2/3, Trung Quốc tiên phong ở 37/44 công nghệ then chốt, thuộc những lĩnh vực gồm quốc phòng, chinh phục không gian, robot, năng lượng, môi trường, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, vật liệu tiên tiến và công nghệ lượng tử.
ASPI là công ty nghiên cứu có trụ sở Canberra và được tài trợ chủ yếu bởi chính phủ Australia. Kết luận dựa trên 2,2 triệu trích dẫn nghiên cứu được công bố trong các bài báo học thuật hàng đầu giai đoạn từ 2018 đến 2022.
Báo cáo nhấn mạnh Trung Quốc hiện tập trung nghiên cứu nhiều nhất ở lĩnh vực quân sự và chinh phục không gian. Nước này chiếm 48% các tài liệu nghiên cứu hàng đầu về động cơ máy bay tiên tiến và cũng là nơi có 7 trong số 10 tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới tập trung cho lĩnh vực này.
Theo WSJ, kết quả từ ASPI là một trong những dấu hiệu mới cho thấy Trung Quốc bắt đầu có thành quả bước đầu trong nỗ lực nhằm vượt qua Mỹ về khoa học kỹ thuật và các công nghệ tiên tiến.
Theo số liệu từ Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, Trung Quốc lần đầu vượt qua Mỹ về số lượng bằng sáng chế hàng năm vào 2011. Đến 2021, tổng số sáng chế của Trung Quốc đạt 1,58 triệu, cao gấp đôi Mỹ.
Những tháng qua, Trung Quốc cũng đang thu hút nhân tài trở về đóng góp cho quê nhà. Theo WSJ, hơn 1.400 nhà khoa học Trung Quốc đã rời Mỹ để gia nhập các đơn vị nghiên cứu trong nước chỉ tính riêng 2021. Trong khi đó, báo cáo của ASPI cũng cho thấy 1/5 số tác giả của các bài nghiên cứu khoa học từng công tác ít nhất một năm ở phương Tây.
Mỹ hiện có dấu hiệu lo ngại trước sự tiến bộ của Trung Quốc. Trong cuộc họp của Ủy ban Hạ viện hôm 28/2, các nhà lập pháp đã đề cập đến vai trò trung tâm của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng và bán dẫn.
Theo giới quan sát, Trung Quốc có thể dẫn đầu về nghiên cứu công nghệ quan trọng, nhưng việc biến những đột phá trên giấy tờ này thành sản phẩm thực tế không dễ dàng. "Có những bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang quyết tâm làm chủ công nghệ. Nhưng trong hàng thập kỷ, các kỹ sư của nước này vẫn phải vật lộn với sản xuất và chưa thành công. Kết quả là, các lĩnh vực thương mại và quân sự vẫn chủ yếu dựa vào nhà cung cấp nước ngoài", WSJ bình luận.
Vấn đề này thể hiện rõ nét ở lĩnh vực bán dẫn khi Trung Quốc có khả năng sản xuất, nhưng hầu hết sở hữu trí tuệ từ thiết kế đến phát triển chip đều do Mỹ nắm giữ. Số liệu từ ASPI cũng cho thấy Mỹ đang làm chủ về công nghệ chip, điện toán hiệu năng cao và điện toán lượng tử.
Bảo Lâm