Con số này được Alan Estevez, Thứ trưởng Thương mại phụ trách lĩnh vực công nghiệp và an ninh, đưa ra trong phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ ngày 28/2. Phiên điều trần là một phần trong quá trình "đánh giá toàn diện các chính sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ liên quan đến Trung Quốc".
Dù tỷ lệ chấp thuận lớn, ông Estevez nói quá trình phê duyệt đã được thực hiện nghiêm ngặt. "Việc cấp phép cho doanh nghiệp Trung Quốc có thời gian xử lý trung bình 77 ngày, lâu hơn đáng kể so với mức 40 ngày tính chung các trường hợp", ông nói.
Theo danh sách được Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ cung cấp, hiện có 639 công ty Trung Quốc trong Danh sách thực thể, trong đó 155 được bổ sung dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden.
BIS cũng thực hiện 1.151 đợt kiểm tra trên toàn cầu về việc sử dụng công nghệ Mỹ ở 54 quốc gia, trong đó 75% được đánh giá là bình thường. "Hoạt động này được thực hiện để giải quyết những lo ngại liên quan đến việc sản xuất chất bán dẫn tiên tiến", Estevez nói.
Ông Estevez cũng cho biết chính phủ đang xem xét chính sách cho phép tiếp tục xuất khẩu một số mặt hàng nhất định của Mỹ sang Huawei. Hãng viễn thông Trung Quốc bị Mỹ đưa vào Danh sách thực thể với lý do "lo ngại đe dọa an ninh quốc gia" từ tháng 5/2019. "Quy tắc trước đây là chỉ cấp phép cho Huawei công nghệ thấp hơn 5G và dưới mức đám mây. Những thứ đó đang được đánh giá lại", ông cho biết.
Quy định mới trong Đạo luật CHIPS
Ngày 28/2, Bộ Thương mại Mỹ ra quy định nhà sản xuất chip phải chấp thuận không mở rộng công suất ở Trung Quốc trong 10 năm nếu muốn nhận tiền tài trợ từ quỹ liên bang trị giá 39 tỷ USD. Đây là khoản tiền nằm trong gói hỗ trợ Đạo luật CHIPS và Khoa học, được Tổng thống Biden ký năm ngoái với tham vọng biến Mỹ trở thành trung tâm sản xuất bán dẫn hàng đầu.
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết động thái mới nhằm đảm bảo gói tài trợ không bị lạm dụng. "Các đơn vị nhận tiền phải ký thỏa thuận riêng, trong đó hạn chế khả năng mở rộng năng lực sản xuất chất bán dẫn ở nước ngoài trong 10 năm sau khi nhận tiền", Raimondo cho biết.
"Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo Mỹ là quốc gia duy nhất nơi mọi công ty có khả năng sản xuất chip tiên tiến sẽ thực hiện việc sản xuất đó ở Mỹ trên quy mô lớn", bà nói thêm.
Trong khi đó, theo một quan chức giấu tên thuộc Bộ Thương mại Mỹ, các công ty nhận được hơn 150 triệu USD sẽ phải trả lại một phần tiền cho chính phủ nếu lợi nhuận vượt qua ngưỡng thỏa thuận. Ngoài ra, 39 tỷ USD mới chỉ là khoản tài trợ bước đầu, còn tổng chi phí cho mục tiêu tự chủ sản xuất bán dẫn của Mỹ có thể vượt 100 tỷ USD.
Bảo Lâm