Lệnh trừng phạt 4 thành viên Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ (USCIRF) được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên thông báo tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay.
Ông Triệu cho biết những quan chức này, gồm Chủ tịch Nadine Maenza, Phó chủ tịch Nury Turkel cùng hai ủy viên Anurima Bhargava và James W. Carr, bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc và bị đóng băng tài sản ở Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau. Công dân và tổ chức của Trung Quốc cũng bị cấm giao dịch với những người này.
Mỹ chưa bình luận về biện pháp trừng phạt của Trung Quốc với 4 thành viên USCIRF.
USCIRF được thành lập năm 1998, là ủy ban liên bang tiến hành các khảo sát tự do tôn giáo khắp thế giới và đã chỉ trích cách đối xử của Trung Quốc với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc giam một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác trong các trại cải huấn ở Tân Cương từ năm 2016 cũng như buộc họ lao động cưỡng bức. Bắc Kinh bác bỏ những cáo buộc này, khẳng định các trại cải huấn là trung tâm đào tạo nghề để loại bỏ chủ nghĩa cực đoan.
Vấn đề người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là một trong những điểm nóng trong căng thẳng Mỹ - Trung những năm qua. Mỹ đã áp lệnh trừng phạt với nhiều chính trị gia và công ty Trung Quốc, cũng như tiến hành "tẩy chay ngoại giao", không cử quan chức dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022.
Bộ Tài chính Mỹ đầu tháng này đưa quyền Chủ tịch Tân Cương Erken Tuniyaz và cựu lãnh đạo khu tự trị này Shohrat Zakir vào danh sách trừng phạt vì cáo buộc "vi phạm nhân quyền". Lệnh trừng phạt được đưa ra sau khi Hạ viện Mỹ thông qua Dự luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ, cấm nhập khẩu toàn bộ sản phẩm từ Tân Cương do "tạo ra từ lao động cưỡng bức".
Trung Quốc từng nhiều lần phủ nhận cáo buộc nhân quyền của Mỹ liên quan đến Tân Cương, cảnh báo sẽ hành động đáp trả và gọi các động thái này là "can thiệp thô bạo" vào vấn đề nội bộ của Bắc Kinh.
Huyền Lê (Theo AFP)