Dự luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ do nghị sĩ Dân chủ Jim McGovern và nghị sĩ Cộng hòa Chris Smith đề xuất được Hạ viện Mỹ thông qua với tỷ lệ 428 phiếu thuận và một phiếu chống hôm 8/12.
"Nhiều sản phẩm được người dân Mỹ sử dụng hàng ngày, trong đó có quần áo, thực phẩm và giày dép, là sản phẩm từ lao động cưỡng bức. Mục tiêu của dự luật này là rất rõ ràng", nghị sĩ McGovern nói.
Dự luật yêu cầu Bộ An ninh Nội địa Mỹ xây dựng danh sách thực thể hợp tác với chính phủ Trung Quốc trong quá trình "đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác" ở Tân Cương, đồng thời cấm toàn bộ hàng hóa từ khu vực này nhập khẩu vào Mỹ. Nội dung dự luật cho rằng mọi sản phẩm từ Tân Cương đều được tạo thành từ quá trình lao động cưỡng bức, trừ khi có chứng nhận của Cơ quan Biên phòng và Hải quan Mỹ.
Dự luật được Thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng 7 và sẽ chuyển đến Nhà Trắng để Tổng thống Joe Biden ký thành luật sau khi Hạ viện Mỹ phê duyệt.
Động thái này cho thấy sự đồng thuận của hai đảng tại lưỡng viện quốc hội Mỹ trong nỗ lực trừng phạt Trung Quốc vì những gì Washington xem là cuộc diệt chủng đang diễn ra nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác ở Tân Cương.
"Trung Quốc đang triển khai chiến dịch đàn áp tàn bạo nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác thông qua trại cải huấn và lao động cưỡng bức. Hạ viện Mỹ đang đấu tranh với tình huống khủng khiếp này thông qua những đạo luật trên", Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi nói.
Dự luật sẽ là bước tiến xa hơn của Mỹ, sau các lệnh cấm nhập khẩu cà chua, bông và một số sản phẩm năng lượng mặt trời từ Tân Cương. Chính quyền Biden đã gia tăng các biện pháp trừng phạt và cảnh báo doanh nghiệp có thể vi phạm luật pháp nếu có các hoạt động, dù chỉ liên quan gián tiếp, với "mạng lưới giám sát" ở Tân Cương.
Trung Quốc bị cáo buộc giam một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác trong các trại cải huấn ở Tân Cương từ năm 2016, tạo điều kiện cho lao động cưỡng bức. Bắc Kinh bác bỏ những cáo buộc này, khẳng định các trại cải huấn là trung tâm đào tạo nghề để loại bỏ chủ nghĩa cực đoan.
Vũ Anh (Theo Bloomberg)