Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 16/7 cho biết quân đội nước này gần đây "tăng quy mô hoạt động của tàu chiến quanh đảo Đài Loan, phá kỷ lục về số chiến hạm được triển khai trong các cuộc diễn tập ở khu vực".
Cơ quan phòng vệ Đài Loan cũng thông báo phát hiện 16 tàu hải quân và 15 máy bay quân sự Trung Quốc hoạt động quanh vùng đảo trong sáng 15/7, đợt triển khai tàu quân sự lớn nhất của Bắc Kinh quanh hòn đảo trong một ngày. Thông thường, Trung Quốc điều trung bình 4 tàu chiến hoạt động quanh đảo Đài Loan mỗi ngày.
Khi Trung Quốc tiến hành đợt tập trận quy mô lớn sau chuyến thăm Đài Loan vào tháng 8/2022 của bà Nancy Pelosi, người giữ chức chủ tịch Hạ viện Mỹ thời điểm đó, số tàu chiến cao nhất được triển khai trong một ngày là 14 chiếc, theo Taiwan News.
Trong đợt tập trận "Liên hợp Lợi Kiếm" vào tháng 4 của quân đội Trung Quốc quanh hòn đảo, số tàu chiến tham gia cao nhất trong một ngày cũng là 14 chiếc.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết lực lượng của hòn đảo "đã theo dõi tình huống và triển khai máy bay, tàu quân sự, hệ thống tên lửa phòng không để phản ứng với các hoạt động đó".
Có ít nhất ba máy bay quân sự Trung Quốc tiến vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) phía tây nam hòn đảo, trong đó có một máy bay săn ngầm Y-8 và hai tiêm kích đa nhiệm J-16.
Trong nửa đầu tháng 7, Trung Quốc có 239 lần triển khai máy bay quân sự và 94 lần triển khai tàu hải quân áp sát đảo Đài Loan.
Theo Global Times, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong giai đoạn 11-13/7 huy động 9 tàu chiến áp sát hòn đảo mỗi ngày. Các tàu phối hợp diễn tập cùng tiêm kích, oanh tạc cơ, máy bay không người lái (UAV) và máy bay tác chiến đặc biệt.
Tống Trung Bình, học giả quân sự Trung Quốc, nhận định đội hình tàu chiến diễn tập gần hòn đảo có thể có sự tham gia của nhóm tàu tác chiến đổ bộ dẫn đầu bởi chiếc Type 075 Quảng Tây. Đây là tàu sân bay trực thăng cỡ lớn của Trung Quốc, có lượng giãn nước 40.000 tấn, chở theo khoảng 30 trực thăng tấn công, 1.000 lính thủy đánh bộ, xe tăng, thiết giáp và tàu đổ bộ đệm khí.
Theo ghi nhận của Bộ Quốc phòng Nhật Bản vào cuối tháng 6, nhóm tàu tác chiến đổ bộ đã di chuyển từ biển Hoa Đông ra khu vực Tây Thái Bình Dương. Chiếc Type 075 Quảng Tây khi đó đi cùng khu trục hạm Type 052D Bao Đầu, hộ vệ hạm Type 054A An Dương và tiếp vận hạm Type 903A Sao Hồ.
Trung Quốc luôn xem đảo Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất. Giới lãnh đạo tại Bắc Kinh nhiều lần nhấn mạnh ưu tiên thống nhất Đài Loan bằng biện pháp hòa bình, song không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để thu hồi hòn đảo.
Quan hệ hai bờ eo biển gia tăng căng thẳng vài năm qua, sau khi bà Thái Anh Văn đắc cử lãnh đạo Đài Loan và không ngừng tăng khả năng phòng vệ cho hòn đảo cũng như không ủng hộ nguyên tắc "Một Trung Quốc". Bắc Kinh cũng phản ứng gay gắt trước những lần giới chức Mỹ thể hiện ủng hộ với chính quyền bà Thái, cũng như các hợp đồng vũ khí giữa Washington và Đài Loan thời gian qua.
Thanh Danh (Theo Global Times, Taiwan News)