Ngay sau khi đặt chân tới Đài Loan tối 2/8, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ra tuyên bố cho hay chuyến thăm nhằm thể hiện "cam kết không lay chuyển của Mỹ trong ủng hộ nền dân chủ của hòn đảo". "Tinh thần đoàn kết của Mỹ với 23 triệu người Đài Loan hiện nay quan trọng hơn bao giờ hết", bà cho biết thêm.
Tuy nhiên, Bryce Wakefield, Giám đốc điều hành Viện Các vấn đề Quốc tế Australia, cho rằng khi thực hiện chuyến thăm giữa những lời cảnh báo, đe dọa của Trung Quốc, bà Pelosi dường như còn muốn tạo một động lực mới cho đảng Dân chủ trước thềm cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào tháng 11.
"Dù thông điệp phủ lên chuyến thăm là ủng hộ Đài Loan, nó có vẻ giống một nỗ lực tính toán và gây tranh cãi nhằm tăng phiếu bầu của cử tri Mỹ trước thềm bầu cử giữa kỳ", chuyên gia Wakefield nói với VnExpress.
Chuyến thăm được bà Pelosi thực hiện trong bối cảnh tỷ lệ cử tri ủng hộ đảng Dân chủ đang sụt giảm, khi nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề do lạm phát và giá xăng dầu tăng. Điều này có nguy cơ đe dọa thế đa số của đảng và ghế Chủ tịch Hạ viện của bà Pelosi khi cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập tức ra thông cáo phản đối và lên án nghiêm khắc chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi. Bắc Kinh cho rằng chuyến thăm "vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc Một Trung Quốc và các điều khoản của ba tuyên bố chung Trung - Mỹ".
Chính quyền Tổng thống Joe Biden được cho là đã phản đối chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Loan. Tuy nhiên, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby thừa nhận Chủ tịch Hạ viện Mỹ "có quyền đi những nơi mà bà muốn".
Theo Wakefield, hành động lần này của bà Pelosi có nguy cơ phản tác dụng nếu bà thật sự đang tính toán cho cuộc bầu cử ba tháng sau.
"Tổng thống Biden đã gửi thông điệp rất rõ rằng ông không hài lòng về chuyến thăm này. Khi kiên quyết tới thăm Đài Loan, bà Pelosi gây ấn tượng rằng đảng Dân chủ đang chia rẽ", ông dự báo.
Chuyên gia Australia đánh giá chuyến thăm của bà Pelosi mang thông điệp cứng rắn với Trung Quốc và xoáy sâu vào khác biệt chính trị giữa Washington với Bắc Kinh. Thông điệp ấy có thể được đón nhận tích cực ở Đài Bắc, nhưng không nhất thiết được các nước khác trong khu vực quan tâm.
Wakefield lưu ý thông điệp thách thức Trung Quốc và ca ngợi mô hình chính trị kiểu Mỹ của bà Pelosi có nguy cơ khiến chính phủ các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thêm xa cách Mỹ, trong khi Washington đang rất cần củng cố quan hệ hữu nghị với những quốc gia này.
Theo chuyên gia chính trị quốc tế Nguyễn Thành Trung, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, ngoài động lực chính trị trong nước, chuyến thăm của bà Pelosi còn được xem là biện pháp "ngăn chặn ngoại giao" hướng đến Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan.
"Chuyến thăm của bà Pelosi gửi thông điệp cho cả Đài Loan và Trung Quốc đại lục rằng hòn đảo vẫn rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực. Mỹ muốn tái khẳng định họ không lùi bước trước sức ép và sẵn sàng làm những gì họ cho là phù hợp với nguyên tắc của mình", ông nói.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ dường như muốn chứng minh Washington không bỏ rơi đồng minh và đối tác truyền thống ở khu vực, bất chấp sức ép mạnh mẽ từ Bắc Kinh.
Quân đội Trung Quốc nói lực lượng nước này đang trong tình trạng "báo động cao và sẵn sàng khởi động một loạt hành động quân sự với thông điệp cụ thể để đáp trả chuyến thăm. Ngay sau khi bà Pelosi đặt chân đến hòn đảo, Trung Quốc công bố kế hoạch loạt cuộc tập trận quân sự ở các vùng biển xung quanh Đài Loan từ ngày 3/8.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết hơn 21 máy bay quân sự Trung Quốc đã bay vào vùng nhận diện phòng không của hòn đảo hôm 2/8, nhưng không sự cố bất ngờ nào xảy ra trong thời gian này.
Ông Trung dự báo tình hình ở eo biển Đài Loan có khả năng tăng nhiệt trong thời gian tới, nhưng chuyến thăm của bà Pelosi khó tạo ra thay đổi đáng kể về hiện trạng.
Bất chấp những cảnh báo cứng rắn, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục thể hiện sự kiên nhẫn trong vấn đề Đài Loan. Nội dung điện đàm giữa ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây cho thấy Bắc Kinh vẫn mong muốn cải thiện mối quan hệ với Washington, đặc biệt trong vấn đề thương mại. Do đó, căng thẳng thời gian tới sẽ không quá nghiêm trọng để làm xấu đi đáng kể mối quan hệ Mỹ - Trung.
"Trung Quốc tiếp tục xem Mỹ là thị trường lớn và tiềm năng nhất, dựa vào thị trường này để phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn nữa, hướng đến mục tiêu trở thành cường quốc số một thế giới vào năm 2049. Trung Quốc sẽ không dễ dàng hy sinh những lợi ích hiện tại và tự tạo chướng ngại vật ngăn họ đạt mục tiêu đó", chuyên gia Thành Trung nhận định.
Thanh Danh