Gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tới Bắc Kinh dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 6/2 bày tỏ mong muốn giúp Ba Lan trở thành một trung tâm hậu cần và thúc đẩy thương mại với các nước Trung và Đông Âu, trong bối cảnh Bắc Kinh đang cố gắng cải thiện quan hệ với khu vực.
Duda là nguyên thủ châu Âu duy nhất tham dự lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh hôm 4/2, sau khi một số quốc gia tuyên bố tẩy chay ngoại giao sự kiện vì cáo buộc liên quan đến nhân quyền của Trung Quốc cũng như lo ngại Covid-19.
Tuyên bố từ chính phủ Trung Quốc cho biết Chủ tịch Tập ca ngợi mối quan hệ với Ba Lan là "tình hữu nghị chân chính, tin cậy và chân thành". Ông cũng hứa sẽ mở rộng nhập khẩu nông sản, thực phẩm cùng các mặt hàng khác từ Ba Lan và "khuyến khích nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đến Ba Lan đầu tư, hợp tác".
Hai lãnh đạo còn thảo luận về kế hoạch thiết lập một thị trường bán buôn nông sản ở Ba Lan, giúp kết nối giữa Trung Quốc với các nước Trung và Đông Âu (CEEC).
"Chủ tịch Tập mong muốn Ba Lan sẽ tiếp tục đóng góp tích cực nhằm thúc đẩy hợp tác Trung Quốc - CEEC và Trung Quốc - EU nói chung", tuyên bố có đoạn.
Theo văn phòng Tổng thống Duda, ông thực hiện chuyến thăm để có cơ hội cung cấp cho Bắc Kinh một cái nhìn khác về cuộc khủng hoảng Ukraine so với quan điểm từ phía Nga. Tuy nhiên, vấn đề an ninh không được đề cập trong tuyên bố của Trung Quốc.
Ba Lan chưa đưa ra thông báo nào về cuộc hội đàm, song tuyên bố của Bắc Kinh cho biết Tổng thống Duda đã bày tỏ hy vọng Ba Lan có thể "trở thành cửa ngõ của Trung Quốc vào châu Âu".
Bắc Kinh đã biến Ba Lan thành một ưu tiên khi hợp tác giữa Trung Quốc và CEEC gặp phải hàng loạt thách thức, trong đó một số nước ngày càng hoài nghi về những lợi ích kinh tế mà Bắc Kinh mang lại và nguy cơ hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc sẽ làm suy yếu đoàn kết của EU.
Vai trò tương lai của CEEC một lần nữa bị đặt dấu hỏi khi Litva năm ngoái thông báo quyết định rút khỏi cơ chế này.
"Hai năm qua, Trung Quốc ngày càng nhận ra tiềm năng của Ba Lan, xét về quy mô, vị trí và tiềm năng kinh tế", Liu Zuokui, trưởng khoa nghiên cứu Trung và Đông Âu thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh, nhận xét. "Dù Ba Lan tỏ ra hoài nghi, họ chưa bao giờ ngừng hợp tác với Trung Quốc".
Ba Lan đã loại Huawei khỏi kế hoạch phát triển mạng 5G của mình do những lo ngại về bảo mật khi sử dụng thiết bị của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.
Liu đánh giá Ba Lan đã trở thành niềm hy vọng lớn nhất của Trung Quốc trong nỗ lực cải thiện quan hệ với CEEC, nhưng ngay cả việc thúc đẩy quan hệ kinh tế cũng không thể đảm bảo những thay đổi cơ bản trong mối quan hệ tổng thể với khu vực.
"Toàn bộ bầu không khí địa chính trị của các quốc gia đó đã thay đổi. Bất kể chúng ta làm gì, dù đầu tư của chúng ta tăng lên hay thương mại được đẩy mạnh, họ cũng không quan tâm. Ưu tiên của họ bây giờ là an ninh", ông nói.
Liu thêm rằng Ba Lan, thành viên của NATO, sẽ rất quan ngại về căng thẳng giữa Ukraine, quốc gia láng giềng của họ, với Nga, đồng thời sẽ đặt nhiều kỳ vọng vào Bắc Kinh, đối tác thân thiết của Moskva.
"Điều này có thể giúp thúc đẩy hợp tác Trung Quốc - CEEC và cũng có thể được EU hoan nghênh", ông cho hay.
Ding Chun, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu thuộc Đại học Phục Đán, nhận định tuyên bố của Trung Quốc về cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Ba Lan Duda là dấu hiệu cho thấy các kế hoạch quan trọng đang được xúc tiến.
"Tuy nhiên, Ba Lan khó có thể giúp được Trung Quốc cải thiện quan hệ với EU", ông đánh giá. "Điều này không phụ thuộc vào Ba Lan hay bất kỳ quốc gia nào. Các nước lớn như Đức và Pháp vẫn là cốt lõi của châu Âu và vai trò của họ có ý nghĩa quan trọng hơn".
Theo Damian Wnukowski, nhà phân tích từ chương trình châu Á - Thái Bình Dương của Viện các Vấn đề Quốc tế Ba Lan, con đường phát triển quan hệ Trung Quốc - Ba Lan vẫn còn hàng loạt thách thức.
"Một trong những trở ngại chính là các rào cản đối với hàng xuất khẩu của Ba Lan vào thị trường Trung Quốc", ông nói, lưu ý thêm rằng đây là hậu quả từ căng thẳng EU - Trung Quốc và tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước ở khu vực, trong đó có Litva.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)