Đài Loan hồi tháng 11/2021 mở văn phòng ở thủ đô Vilnius của Litva với tên gọi "Văn phòng đại diện Đài Loan", trong khi những văn phòng đại diện khác ở nước ngoài của hòn đảo thường có tên Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc.
Trung Quốc phản đối dùng cụm từ "Đài Loan" để đặt tên các văn phòng đại diện vì lo ngại tạo cảm giác hợp pháp quốc tế cho hòn đảo. Theo chính sách "Một Trung Quốc", Đài Loan là phần lãnh thổ chờ thống nhất của nước này, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Vì vậy, Bắc Kinh cáo buộc Vilnius "từ bỏ cam kết chính trị khi thiết lập quan hệ ngoại giao", tức là công nhận chính sách "Một Trung Quốc".
"Tên của văn phòng đã trở thành yếu tố then chốt ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc hiện nay. Chuyện đó đã không được trao đổi với tôi", Tổng thống Litva Gitanas Nauseda phát biểu hôm 4/1. Ông cho rằng việc để Đài Loan mở cửa văn phòng đại diện bằng tên của hòn đảo là "sai lầm".
Chỉ một ngày sau bình luận của Tổng thống Nauseda, Đài Loan dường như quyết tâm lôi kéo Litva bằng "củ cà rốt" với thông báo từ văn phòng đại diện ở Vilnius về quỹ đầu tư trị giá 200 triệu USD dành cho các ngành công nghiệp Litva, trong đó có chất bán dẫn, lĩnh vực vô cùng quan trọng đối với tham vọng nâng cấp nền công nghiệp của Liên minh châu Âu (EU).
"Chúng tôi sẽ thành lập quỹ sớm nhất có thể, đồng thời hy vọng gặt hái một số thành quả rõ ràng trong năm nay. Tôi có thể mường tượng những ưu tiên hàng đầu sẽ là chất bán dẫn, laser và công nghệ sinh học", Eric Huang, người đứng đầu văn phòng đại diện của Đài Loan tại Litva, cho hay.
Theo một nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề, phái đoàn gồm các doanh nhân Đài Loan cuối năm ngoái cũng đến Litva thảo luận kế hoạch xây dựng một nhà máy xử lý silicon dùng để sản xuất chip, thành phần thiết yếu trong những sản phẩm công nghệ chủ chốt như smartphone và xe điện. EU năm ngoái cũng đặt mục tiêu sản xuất 20% chất bán dẫn toàn cầu vào năm 2030, gấp đôi sản lượng hiện nay.
Trong khi đó, Bắc Kinh sử dụng "cây gậy" trong cách tiếp cận với Vilnius. Sau khi "Văn phòng đại diện Đài Loan" mở cửa, Trung Quốc hạ quan hệ ngoại giao với Litva xuống cấp đại biện, với lý do "bảo vệ chủ quyền và các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế". "Chính phủ Litva phải chịu tất cả hậu quả phát sinh từ việc này", thông báo hôm 21/11/2021 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc có đoạn.
Trung Quốc còn bị cáo buộc loại Litva khỏi danh sách các nước trên cổng thông tin hải quan, khiến các doanh nghiệp Litva không thể xuất hàng tới nước này, đồng thời tạm dừng các chuyến tàu chở hàng đến Litva. Giới chức Litva gọi đây là "các lệnh trừng phạt không công khai".
Động thái thừa nhận "sai lầm" của Tổng thống Nauseda được cho là thể hiện sự hối hận sau loạt phản ứng dữ dội từ phía Bắc Kinh. Mặc dù Nauseda nói ông không được hỏi ý kiến về vấn đề, Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis phủ nhận phát biểu này. Nhiều quan chức cấp cao Litva cũng chỉ trích Tổng thống, người có quyền hiến định về chính sách đối ngoại.
Trong bài đăng trên Facebook, Phó chủ tịch quốc hội Litva Radvile Morkunaite, thành viên đảng Liên minh Tổ quốc thuộc liên minh cầm quyền, lên án Tổng thống Nauseda hành xử mâu thuẫn. Chủ tịch quốc hội Litva Viktorija Cmilyte-Nielsen, thành viên đảng Tự do, cũng cáo buộc Tổng thống đảo ngược quan điểm dưới sức ép từ Trung Quốc.
"Tôi nghe thấy rất ít lời chỉ trích về các quyết định trong những tháng đầu tiên sau khi chúng được đưa ra. Chẳng ai nói gì hồi tháng 8 và tháng 9. Chỉ đến bây giờ, khi tình hình căng thẳng hơn, mới xuất hiện nhiều bình luận nghi ngại hơn", Cmilyte-Nielsen trả lời truyền thông địa phương.
Litva đồng ý để Đài Loan mở văn phòng đại diện đặt theo tên hòn đảo từ tháng 7/2021, cơ sở đầu tiên của Đài Loan ở châu Âu sau 18 năm. Trong những cuộc phỏng vấn trước đây cũng như tại nhiều hội nghị của EU, Nauseda đã bày tỏ ủng hộ động thái này và tìm kiếm sự hậu thuẫn của EU cùng các quốc gia thành viên.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Đức Annalena Baerbock hôm 5/1 cũng tuyên bố kiên quyết đứng về phía Litva. "Vấn đề không chỉ về Litva, mà còn liên quan đến khả năng tự quyết chính sách đối ngoại của mọi quốc gia trên thế giới, thoát khỏi kiểu chèn ép như vậy", Blinken nói. "Với tư cách cùng là người châu Âu, chúng tôi luôn đoàn kết bên Litva", Baerbock cho hay.
Tuy nhiên, sự ủng hộ của EU dường như chỉ dừng lại ở những tuyên bố hùng hồn. Đằng sau hậu trường, giới chức châu Âu âm thầm thừa nhận rằng trước mắt họ không thể làm gì nhiều để chống lại những động thái của Trung Quốc.
Cơ quan thương mại của EU đang thu thập bằng chứng nhằm phục vụ khả năng nộp đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng có thể mất nhiều tháng, nếu không muốn nói là vài năm. Một kế hoạch chống chèn ép kinh tế nhằm đáp trả những đòn tấn công mà Trung Quốc nhắm tới Litva cũng mới trong giai đoạn phát triển.
Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục "vung gậy" khi cho rằng bình luận nhận sai lầm của Tổng thống Nauseda chưa đủ. "Nhận ra sai lầm là một bước đi đúng hướng, nhưng quan trọng hơn là phải hành động. Đưa ra lời bào chữa cho hành vi sai trái không giúp giải quyết vấn đề, cũng chẳng cải thiện được quan hệ Trung Quốc - Litva", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết hôm 5/1.
Sven Biscop, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Hoàng gia Egmont ở Bỉ, cho rằng Litva có thể thỏa hiệp bằng cách đổi tên văn phòng đại diện của Đài Loan, nhưng vẫn duy trì hoạt động. "Thỏa hiệp không nên bị coi là hành động gây mất mặt, bởi nếu vậy thì không ai chịu lùi bước", Biscop nêu quan điểm.
Cơn thịnh nộ từ Trung Quốc về văn phòng đại diện của Đài Loan còn khiến người dân Litva quan ngại. Một cuộc khảo sát hồi cuối tháng 11/2021 cho thấy 1/3 người dân Litva ủng hộ chính sách của nước này về Trung Quốc và đảo Đài Loan, trong khi hơn 40% phản đối.
Tuy nhiên, Marius Laurinavicius, chuyên gia tại Viện Phân tích Chính sách Vilnius, cho rằng bản chất vấn đề không phải khác biệt trong quan điểm về văn phòng của Đài Loan mà "100% là vấn đề chính trị trong nước" của Litva. Ông giải thích đây là cuộc đối đầu kéo dài giữa Tổng thống, Bộ Ngoại giao và Thủ tướng Litva. Năm ngoái, đảng Liên minh Tổ quốc cầm quyền đã cố gắng để Thủ tướng Ingrida Simonyte, người thuộc đảng này, thay thế Nauseda, nhà chính trị độc lập, trong vị trí đại diện cho Litva tại Hội đồng châu Âu.
Bất chấp những tranh cãi công khai trong chính phủ, các nghị sĩ Litva đánh giá văn phòng đại diện của Đài Loan sẽ không bị đổi tên. "Nền dân chủ đôi khi có thể lộn xộn. Ngoại trưởng và Tổng thống của chúng tôi không quá hòa thuận với nhau, nhưng điều đó không có gì đặc biệt", Dovile Sakaliene, nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Xã hội, nêu ý kiến.
"Cuộc đối đầu nội bộ này sẽ không làm thay đổi phương hướng chính sách đối ngoại và an ninh về quan hệ với Trung Quốc hay Đài Loan", Sakaliene cho hay.
Ánh Ngọc (Theo SCMP)