Mọi năm, vào thời điểm này, Wanru Zhang đã chuẩn bị cho hành trình khoảng 200 km về quê đón Tết Nguyên đán. Nhưng năm nay, anh quyết định sẽ không về sum họp gia đình, chấp nhận tuân thủ các khuyến cáo đi lại phòng tránh Covid-19 từ chính quyền địa phương.
Nhiều tỉnh thành tại Trung Quốc đang vận động người dân không về quê hoặc di chuyển tới địa phương khác trong dịp Tết. Một số nơi còn đưa ra biện pháp hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc phúc lợi khác để khuyến khích người dân "giảm xê dịch" khi Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tại thành phố Hợp Phì thuộc tỉnh An Huy, nơi vợ chồng Zhang mở một nhà hàng nhỏ, chính quyền cam kết hỗ trợ cho mỗi lao động ngoại tỉnh 1.000 nhân dân tệ (khoảng 218 USD) nếu quyết định ở lại địa phương trong dịp Tết.
Zhang nói anh vui vẻ chấp nhận ở lại thành phố làm việc do Hợp Phì chưa ghi nhận ca Covid-19 trong cộng đồng.
"Cuộc sống ở Trung Quốc phần lớn vẫn bình yên", Zhang nói, bày tỏ ủng hộ các chính sách chống dịch hiện nay và không tin rằng hệ thống y tế đất nước sẽ bị quá tải vì nCoV lây nhiễm tràn lan trong dịp Tết. "Chúng tôi không thể để kịch bản đó xảy ra".
Để nhận được khoản hỗ trợ này, lao động ngoại tỉnh ở lại Hợp Phì cần chứng minh họ đang làm việc cho một công ty, doanh nghiệp trong danh sách đã được chính quyền phê duyệt.
Ngoài ra, người lao động phải đóng bảo hiểm tại địa phương và cung cấp bằng chứng không di chuyển trong Tết Nguyên đán. Nơi tuyển dụng lao động ở Hợp Phì cần đứng ra nộp hồ sơ xin hỗ trợ thay nhân viên, sau đó chuyển tiền trợ cấp đến tài khoản của mỗi nhân viên.
Một số thành phố khác ở Trung Quốc, trong đó có Thiệu Hưng thuộc tỉnh Chiết Giang và Vu Hồ thuộc tỉnh An Huy, đang áp dụng chính sách trợ cấp tương tự để khuyến khích người lao động không về quê.
"Tôi nghĩ khoản trợ cấp này không mấy ý nghĩa vì người nghèo như chúng tôi không thuộc diện được hưởng, còn những người làm cho các công ty lớn, đủ điều kiện đăng ký thì không muốn ở lại", Zhang nói, cho biết anh không thể xin trợ cấp ở lại thành phố do không đóng đúng loại bảo hiểm theo yêu cầu.
"Nhiều người lao động ngoại tỉnh cũng không đóng vì bảo hiểm quá đắt. Tôi thà tự dành dụm để đóng tiền cọc mua một căn hộ ở đây", anh nói.
Zhang hy vọng chính quyền thành phố Hợp Phì có thể mở rộng hình thức hỗ trợ cho người lao động ngoại tỉnh không về quê. Năm 2021, thành phố từng phát phiếu giảm giá mua sắm cho người lao động thông qua nền tảng chi trả trực tuyến Alipay để kích cầu mua sắm cho nền kinh tế địa phương, đặc biệt là nhà hàng và các địa điểm giải trí.
Mô hình này đang được một số tỉnh áp dụng cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Thành phố Kim Hoá thuộc tỉnh Chiết Giang phát hành khoảng 16 phiếu giảm giá điện tử, mỗi phiếu trị giá khoảng 11 USD cho người dân.
Thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, cũng sẽ phát tổng cộng 20 voucher cho mỗi lao động ngoại tỉnh không về quê dịp Tết, từ ngày 31/1 đến 6/2. Mỗi voucher này có giá trị tương đương 25 tệ, được đựng trong phong bao màu đỏ, được cấp cho lao động ngoại tỉnh mỗi ngày trong suốt dịp lễ để họ có thể dùng mua sắm, đến địa điểm tham quan hoặc thanh toán tiền điện thoại.
Ma Jun, phó giám đốc Ủy ban Cải cách và Phát triển Hàng Châu, ước tính 3 triệu lao động ngoại tỉnh đủ điều kiện nhận khoản trợ cấp này.
Tại Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, tổng cộng 10 triệu tệ tiền mặt, 100.000 vé tham quan, 10.000 vé xem phim và hơn 10.000 gói quà sẽ được phát cho lao động ngoại tỉnh để họ yên tâm ở lại địa phương trong dịp Tết.
Tại Hợp Phì, bên cạnh khoản trợ cấp cho lao động ngoại tỉnh không về quê, chính quyền địa phương tìm cách khuyến khích doanh nghiệp giữ chân nhân viên ở lại thành phố bằng cách phát phiếu giảm giá dịch vụ nhà hàng, vé xem phim và gói dữ liệu cho điện thoại di động.
Nhà hàng của đầu bếp Zhang cũng đã quyết định sẽ mở cửa đón khách xuyên Tết.
Bộ Giao thông Trung Quốc ước tính hơn 1,18 tỷ lượt di chuyển liên tỉnh thành khắp cả nước trong 40 ngày lễ hội mừng xuân, tăng khoảng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tại Bắc Kinh, Tập đoàn Đường sắt Bắc Kinh Trung Quốc dự báo gần 9 triệu lượt đến và rời thủ đô trong dịp này, gấp đôi đầu năm ngoái.
Giới quan sát nhận định người dân Trung Quốc đã cảm thấy quen thuộc với những biện pháp kiểm soát dịch tễ, không quá e ngại tác động từ chính sách chống dịch của mỗi địa phương với lịch trình đi lại cá nhân.
Hiện trên cả nước có gần 80 vùng thuộc diện rủi ro Covid-19 cấp độ vừa và cao, buộc phải thực hiện một số biện pháp hạn chế đi lại nhằm kiểm soát lây nhiễm. Nổi bật trong danh sách có thành phố Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây, thành phố Thiên Tân, thành phố Thâm Quyến thuộc Quảng Đông và một số khu vực ở tỉnh Hồ Nam.
Ngoài các vùng nằm ngoài danh sách báo động dịch, chính quyền một số địa phương còn áp dụng yêu cầu phòng dịch và hạn chế đi lại với người đến từ vùng an toàn.
Tỉnh Hải Nam chỉ cho người từ tỉnh khác vào địa phương nếu xuất trình được giấy xét nghiệm âm tính với nCoV trong 48 tiếng trước ngày đến. Thủ đô Bắc Kinh yêu cầu mọi trường hợp đi xe lửa hay máy bay có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi khởi hành đến thành phố, rồi cung cấp thêm kết quả xét nghiệm lại trong 72 tiếng sau khi đến.
Dù vậy, một số người vẫn quyết tâm rời thành phố để sum họp gia đình dịp Tết. Yang Jie, 36 tuổi, giám đốc một công ty ở Bắc Kinh, cho biết quyết định về quê năm nay kéo theo nhiều thủ tục phức tạp. Cô phải nộp đơn cho công ty và trường của con gái nêu rõ lý do di chuyển, phương tiện sử dụng và thời điểm khởi hành cũng như trở lại thủ đô. Khi kết thúc chuyến đi, họ phải nộp thêm một mẫu đơn khác và trình báo cho chính quyền nơi cư trú.
"Tôi gặp khá nhiều rắc rối, nhưng vẫn quyết định về thăm bố mẹ và cho con mình được chút thời gian thảnh thơi sau gần hai năm không được đi đâu xa", Yang nói.
Trung Nhân (Theo ABC, SCMP)