Zhao, nhân viên một doanh nghiệp nhà nước ở Bắc Kinh, biết rất rõ rằng anh phải tuân thủ nghiêm chỉnh hướng dẫn của công ty về kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, bên cạnh những gì chính phủ đã quy định. Nếu muốn về quê ăn Tết, anh cần được cấp trên đồng ý và sẵn sàng chấp nhận nhận thưởng cuối năm thấp hơn bình thường.
Cuối cùng, Zhao quyết định sẽ ở lại thủ đô Bắc Kinh. Đây là năm thứ hai liên tiếp anh không thể về ăn Tết bên gia đình ở vùng Tân Cương xa xôi phía tây bắc đất nước. Thay vào đó, anh chọn cách "quây quần" với người thân qua mạng.
Mỗi dịp Tết Nguyên đán hàng năm, Trung Quốc lại chứng kiến cuộc di cư lớn nhất của nhân loại, được gọi là "Xuân vận". Bình thường, hàng chục triệu người, từ mọi tầng lớp xã hội, sẽ rời các thành phố lớn nơi họ làm việc để trở về quê hương sum vầy với người thân trong dịp lễ trọng đại và thiêng liêng này.
Năm ngoái, số người tham gia hành trình "Xuân vận" giảm mạnh do các hạn chế ngăn Covid-19. Tuy nhiên, dòng người về quê dự kiến phục hồi trong năm nay, khi đại dịch đã được kiểm soát phần nào ở Trung Quốc.
Kỳ "Xuân vận" năm nay sẽ bắt đầu từ tuần này và kéo dài tới 25/2, khi dòng người trở lại thành phố. Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc ước tính số lượng chuyến đi sẽ tăng đáng kể so với tổng số 870 triệu chuyến của năm ngoái và có thể vượt qua con số 1,5 tỷ hành trình được ghi nhận vào năm 2020, khi đại dịch mới bùng phát. Dù vậy, số chuyến đi vẫn thấp hơn nhiều so với mức ba tỷ chuyến được ghi nhận vào năm 2019.
Nhưng hy vọng chiến lược "Không Covid" của Trung Quốc sẽ tiếp tục phát huy tác dụng đang bị thử thách mạnh mẽ khi thành phố Tây An với 13 triệu dân gần đây đối mặt đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ đầu đại dịch tới nay.
Tuần trước, 14 bộ, trong đó có Bộ Cải cách và Phát triển Quốc gia cùng Bộ Giao thông Vận tải, đã ra một thông báo chung kêu gọi người dân "nâng cao cảnh giác" trong kỳ nghỉ Tết.
Một yếu tố gây áp lực khác với người dân Trung Quốc là Thế vận hội mùa Đông, khai mạc tại Bắc Kinh vào tháng tới, sẽ mang đến một loạt biện pháp kiểm soát Covid-19 chặt chẽ khác.
"Công ty chưa công bố chính sách cụ thể, song chắc chắn sẽ nghiêm ngặt hơn so với năm ngoái. Về nhà năm nay không phải một ý kiến hay", Zhao nói. "Tôi và gia đình đều lo lắng rằng nếu tôi bị mắc kẹt hay cách ly ở Tân Cương hoặc Bắc Kinh, tôi sẽ không thể trở lại làm việc. Nếu tôi bị cách ly ở Tân Cương, điều này sẽ rất bất tiện cho gia đình tôi. Dù rất nhớ nhau nhưng chúng tôi phải chấp nhận điều đó".
Ở tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc, nhiều người đang nghe ngóng tình hình trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về phương án nghỉ Tết.
Một quản lý cấp trung tại một doanh nghiệp nhà nước ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, cho biết công ty đã yêu cầu nhân viên báo cáo y tế hàng ngày và thống nhất kích hoạt chiến lược theo dõi, truy vết khi có ca nhiễm mới.
"Rời tỉnh Quảng Đông năm nay đơn giản là không thể, nhưng chúng tôi tự hỏi liệu có thể đi đến vài nơi không xa thành phố Quảng Châu hay không", quản lý họ Li nói. "Hàng ngày, chúng tôi phải báo cáo thân nhiệt và vị trí của mình cho công ty như một biện pháp phòng ngừa".
Zhao Wei, giáo sư về y tế công cộng tại Đại học Y khoa Nam phương ở Quảng Châu, cho rằng người dân di chuyển quá nhiều trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến nỗ lực chống dịch của chính phủ.
"Chính quyền đang thực hiện các biện pháp ngăn ngừa. Một số trường đại học ở Bắc Kinh đã sắp xếp lại thời gian nghỉ và hoãn học kỳ tới để giảm bớt lượng người di chuyển trên toàn quốc", ông nói.
Những biện pháp này sẽ giúp phòng chống dịch, nhưng tình trạng lượng lớn người dân di chuyển cùng lúc vẫn là một thử thách, giáo sư Zhao lưu ý.
"Áp lực năm nay sẽ lớn hơn hai năm trước, sau một thời gian dài bị cách ly hay phải chịu các biện pháp kiểm soát chống Covid-19, mọi người đang rất háo hức đi du lịch và nghỉ ngơi. Các ổ dịch có thể bùng phát trở lại", ông cảnh báo.
"Đại dịch ở nước ngoài nghiêm trọng đến mức Trung Quốc khó có thể miễn nhiễm với nó", Zhao nói, đề cập đến biến chủng Delta và Omicron.
Yang Min, nữ luật sư 35 tuổi ở Phật Sơn, một trung tâm thương mại gần Quảng Châu, có thể không trở về quê nhà ở tỉnh Hà Bắc để nghỉ Tết Nguyên đán năm nay.
"Công ty cho phép chúng tôi về quê vào dịp Tết, nhưng tôi rất lo về những biện pháp cách ly và hạn chế ở các tỉnh như Hà Nam hay Hà Bắc, nơi cha mẹ tôi sinh sống", cô nói.
"Chắc chắn sẽ có nhiều hạn chế đi lại trong năm nay vì Olympic mùa Đông sắp diễn ra và đi hay ở vẫn là một quyết định khó khăn, bởi chúng tôi đã không về nhà hai năm rồi", Yang chia sẻ. "Cha mẹ tôi đã ngoài 70 và Tết Nguyên đán luôn là dịp lễ quan trọng với người già, bởi họ muốn gia đình quây quần. Họ sẽ rất buồn nếu chúng tôi vắng mặt, nhất là khi hàng xóm láng giềng vẫn có thể quây quần với con cháu".
"Tôi chưa dám nói với cha mẹ rằng mình sẽ không về nhà năm nay. Họ có thể sẽ thông cảm, nhưng chắc chắn vẫn rất thất vọng. Tôi sợ phải thông báo điều đó với cha mẹ", cô cho hay.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)