Nhóm chuyên gia tại Học viện Công nghệ Bệ phóng di động Trung Quốc ở Bắc Kinh nêu ý tưởng phát triển một loại vũ khí siêu vượt âm có thể tạo xung điện từ với tầm bắn 3.000 km, tương đương khoảng cách từ bờ biển phía đông Trung Quốc tới đảo Guam của Mỹ.
Mẫu vũ khí siêu vượt âm này có thể đạt tốc độ tối đa Mach 6 (nhanh gấp 6 lần vận tốc âm thanh) và hoàn thành quãng đường 3.000 km trong 25 phút. Khi tới nơi, nó sẽ tạo xung điện từ cường độ cao có khả năng phá hủy toàn bộ hệ thống liên lạc và lưới điện trong vùng ảnh hưởng, song không đe dọa sinh mạng con người.
"Sóng điện từ cực mạnh sẽ đốt cháy các thiết bị điện tử quan trọng thuộc mạng lưới thông tin của đối phương trong bán kính hai km", chuyên gia Sun Zheng và các đồng nghiệp cho biết trong bài viết được đăng trên tạp chí Công nghệ Tên lửa Chiến thuật xuất bản trong tháng 9.
Không giống tên lửa đạn đạo, vũ khí xung điện từ siêu vượt âm sẽ bay trong khí quyển để né các hệ thống cánh bảo sớm trong không gian, đồng thời có công nghệ tàng hình chủ động để tránh bị radar phát hiện.
Nhóm nghiên cứu nhận định các loại vũ khí xung điện từ sơ khai dùng đầu đạn hạt nhân để tạo ra sóng xung điện, song điều này hạn chế ứng dụng của chúng. Vũ khí xung điện từ siêu vượt âm sẽ mang đầu đạn nổ thông thường thay vì hạt nhân.
Khi đầu đạn kích nổ, xung lực sẽ nén một nam châm tích điện được gọi là "máy phát điện nén từ thông", có vai trò chuyển đổi năng lượng từ vụ nổ thành các đợt sóng xung điện ngắn cực mạnh.
Một số nước từng phát triển bom xung điện từ dùng đầu đạn thông thường, nhưng chúng thường nặng và cồng kềnh do phải có đủ pin để tích trữ năng lượng cho đợt phát sóng xung điện. Loại bom này thường được thả từ máy bay.
Các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết không quân nước này năm 2017 từng cân nhắc sử dụng một tên lửa hành trình lớn mang đầu đạn xung điện từ để làm tê liệt các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, kế hoạch này không được triển khai, một phần do Mỹ lo ngại Triều Tiên có thể phát hiện tên lửa đang bay tới và tung đòn trả đũa hạt nhân.
Nhóm của Sun cho hay vũ khí xung điện từ siêu vượt âm có lợi thế là đối phương không thể phát hiện nó trên đường bay. Khi một vật thể di chuyển với vận tốc cao trong khí quyển, các phân tử không khí bị nhiệt độ cao ion hóa và tạo thành lớp plasma mỏng trên bề mặt vật thể. Lớp plasma này có thể hấp thụ được phần nào tín hiệu radar, giúp tên lửa trở nên tàng hình.
Để đạt được khả năng tàng hình toàn diện, vũ khí xung điện từ siêu vượt âm do nhóm nghiên cứu của Sun thiết kế sẽ chuyển đổi nhiệt độ bên ngoài, thường hơn 1.000°C, thành điện năng để cung cấp năng lượng cho các máy phát plasma ở những khu vực khác nhau trong thân tên lửa.
Một chuyên gia trong lĩnh vực siêu vượt âm ở Nam Kinh cho biết ý tưởng này có thể khả thi, do công nghệ chuyển đổi nhiệt để tạo plasma được ứng dụng cho việc giảm lực cản hoặc kiểm soát đường bay cho các phương tiện siêu vượt âm.
Nhóm nghiên cứu của Sun cho biết để có trọng lượng nhẹ nhằm đạt khả năng di chuyển với vận tốc siêu vượt âm, vũ khí xung điện từ do họ thiết kế sẽ không mang bất cứ loại pin nào. Thay vào đó, vũ khí sẽ sử dụng siêu tụ điện với khả năng tích tụ năng lượng gấp 20 lần so với pin. Các tụ điện này sẽ được sạc khi vũ khí đang bay bằng máy chuyển đổi nhiệt thành điện.
"Siêu tụ điện có thể giải phóng 95% năng lượng trong 10 giây, phù hợp với việc phóng điện tức thời để gây thiệt hại bằng xung điện từ", nhóm nghiên cứu cho biết. "Vũ khí xung điện từ tàng hình chủ động chủ yếu vận hành trên cơ sở tái tạo năng lượng và phù hợp với xu thế phát triển hiện tại của chiến tranh chớp nhoáng, đối đầu mạnh và hủy hoại toàn phần hệ thống thông tin đối phương".
Vũ khí xung điện từ siêu vượt âm vẫn còn ở giai đoạn khái niệm. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia của Sun tin rằng với các thiết bị và công nghệ thử nghiệm liên tục xuất hiện, vũ khí xung điện từ siêu vượt âm có thể đóng vai trò cơ bản trong các hệ thống vũ khí thế hệ tiếp theo của Trung Quốc.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)