Nhóm nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia tại Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, hồi tuần trước đăng một nghiên cứu trên Tạp chí Hàng không Trung Quốc, cho thấy họ đã sử dụng phần mềm của một công ty Mỹ để mô phỏng đặc điểm khí động học của tên lửa siêu vượt âm, với mục tiêu tìm cách kiểm soát khả năng cơ động ở tốc độ nhanh gấp 5 lần âm thanh (Mach 5).
Các chuyên gia Trung Quốc tiết lộ họ sử dụng phần mềm mô phỏng khí động học của Ansys, công ty có trụ sở tại Canonsburg, Pennsylvania, Mỹ, để giải quyết các vấn đề kiểm soát hành trình bay của tên lửa ở tốc độ cao như vậy.
Bất cứ bộ phận chuyển động nào trên bề mặt tên lửa hoặc máy bay đều chịu áp lực và sức nóng cực lớn khi bay ở tốc độ siêu vượt âm. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát hiện ra rằng một khe hở rất nhỏ giữa thân và cánh tên lửa có thể tạo luồng khí cực nóng đốt cháy phần cánh này, báo cáo cho biết.
Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia không phải cơ sở nghiên cứu quân sự duy nhất của Trung Quốc sử dụng phần mềm Mỹ để phát triển các loại vũ khí tiên tiến. Ansys cũng không phải công ty Mỹ duy nhất cung cấp phần mềm cho các viện nghiên cứu hoặc doanh nghiệp Trung Quốc nằm trong "danh sách thực thể" chịu cấm vận của Bộ Tài chính Mỹ, vốn ngăn họ tiếp cận các nguồn lực hoặc làm ăn với doanh nghiệp nước này.
Chính phủ Mỹ hạn chế nhiều đơn vị nghiên cứu của Trung Quốc tiếp cận các phần mềm có thể phục vụ mục đích quân sự như vậy, song thu được ít hiệu quả. Hồi tháng 6, Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân của Trung Quốc thông báo mất quyền truy cập vào phần mềm toán học nổi tiếng MatLab của Mỹ. Viện này tham gia nhiều chương trình quân sự của Trung Quốc, bao gồm tàu ngầm hạt nhân và vệ tinh do thám.
Lệnh cấm được đưa ra sau khi Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân bị Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ liệt vào danh sách "thực thể thù địch", không thể sử dụng bất cứ sản phẩm hay dịch vụ nào mà có giấy phép đặc biệt. Truyền thông Trung Quốc đưa tin lệnh cấm gây ra xáo trộn trong Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân do giảng viên và sinh viên tại trường đã nhiều năm sử dụng MatLab.
Hơn 80% công cụ chính của các nhà khoa học và kỹ sư Trung Quốc do nước ngoài cung cấp, chủ yếu là Mỹ. Các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Huawei sử dụng những phần mềm này để thiết kế một số loại chip máy tính cao cấp. Trung Quốc không sở hữu nhiều phần mềm tương đương do quá trình phát triển chúng thường phải mất nhiều thập kỷ.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)