Chỉ sau một đêm, người Hong Kong bắt đầu chịu sự điều chỉnh của đạo luật an ninh mới, có thể khiến những người bị khép tội ly khai, lật đổ, khủng bố, thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia phải chịu án tù chung thân. Chưa đầy 24 giờ sau khi Trung Quốc ban hành luật an ninh cho đặc khu, 10 người Hong Kong đã bị bắt theo luật mới trong cuộc biểu tình hôm 1/7.
Theo bình luận viên Eva Dou và Shibani Mahtani của Washington Post, quyết định ban hành luật an ninh, động thái được cho là tạo ra sự thay đổi chính trị lớn nhất ở Hong Kong kể từ khi Anh trao trả đặc khu cho Trung Quốc năm 1997, còn ẩn chứa thông điệp "phô trương sức mạnh" của Bắc Kinh đối với quốc tế.
"Nó báo hiệu rằng Trung Quốc nhận thấy không cần phải tuân thủ các thỏa thuận quốc tế mà họ từng ký khi ở vị thế yếu hơn những năm trước đây. Luật này còn trao quyền xét xử những người chỉ trích Bắc Kinh từ bất cứ đâu trên thế giới khi họ đặt chân đến Hong Kong", Dou và Mahtani nhận xét.
Trong một bài phát biểu hồi tuần trước, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien cho rằng phản ứng sai lầm của Washington đối với kế hoạch áp luật an ninh của Bắc Kinh là "thất bại lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ" trong nhiều thập kỷ qua.
Các bình luận viên của Washington Post đánh giá việc thông qua luật an ninh Hong Kong là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách trở thành cường quốc thế giới theo cách riêng của họ, thay vì chịu sự chi phối của phương Tây.
"Đương nhiên chúng tôi không e sợ. Thời kỳ mà Trung Quốc phải quan tâm người khác nghĩ gì và để ý xung quanh đã là quá khứ không bao giờ trở lại", Trương Hiểu Minh, giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macao của Trung Quốc đại lục, cho biết.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 1/7, ông Trương gọi luật an ninh là "quà sinh nhật" cho Hong Kong, khi nó có hiệu lực đúng vào ngày kỷ niệm 23 năm đặc khu trở về với Trung Quốc đại lục, nói thêm rằng đạo luật sẽ đóng vai trò như "thiên thần hộ mệnh" giúp khôi phục sự thịnh vượng và ổn định của thành phố sau các cuộc biểu tình.
Theo Tuyên bố chung Trung - Anh năm 1984 về phương án quản lý Hong Kong, Bắc Kinh đồng ý duy trì các quyền tự chủ của đặc khu tới năm 2047 theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ", với hệ thống pháp lý và tư pháp riêng.
Khi làn sóng biểu tình phản đối dự luật dẫn độ nổ ra ở Hong Kong năm ngoái, chính quyền trung ương từng đe dọa triển khai quân đội từ đại lục đến đặc khu để kiềm chế tình trạng bạo lực, nhưng điều này không xảy ra. Thay vào đó, lực lượng cảnh sát trong thành phố phụ trách xử lý khủng hoảng.
Tuy nhiên, với đạo luật mới, quyền lực của Bắc Kinh tại Hong Kong giờ đây được mở rộng. Điều này có nghĩa là trong tương lai, họ có thể triển khai binh sĩ tới đặc khu mà không cần yêu cầu từ giới chức địa phương, được quyền dẫn độ cư dân Hong Kong tới đại lục hoặc giám sát các đối thủ chính trị trong thành phố mà vẫn tuân thủ luật pháp.
Luật an ninh Hong Kong còn được ban hành trong bối cảnh Trung Quốc xích mích với nhiều quốc gia khác, giữa lúc đại dịch Covid-19 còn hoành hành trên thế giới và Mỹ bận đối phó làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc. Một trong những sự việc đáng chú ý nhất là vụ ẩu đả ở khu vực biên giới tranh chấp giữa binh sĩ Ấn - Trung, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Bắc Kinh vài tháng gần đây còn có những hành vi gây hấn với các nước láng giềng trên Biển Đông, khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng. Việc các tàu hải cảnh, tàu cá Trung Quốc hiện diện quanh nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa Đông cũng "đổ dầu vào lửa" trong quan hệ hai nước. Những động thái này được cho là thể hiện tham vọng đưa Trung Quốc thành siêu cường hàng đầu thế giới, cạnh tranh vị thế với Mỹ.
Luật an ninh Hong Kong đã làm dấy lên phản ứng gay gắt từ phương Tây. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố họ "sẽ không ngồi yên khi Trung Quốc nuốt chửng Hong Kong vào sự độc đoán của mình", trong khi EU "đang thảo luận với các đối tác quốc tế" về biện pháp đối phó.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng việc Trung Quốc áp luật an ninh Hong Kong "là sự vi phạm rõ ràng và nghiêm trọng đối với Tuyên bố chung Trung – Anh", đồng thời cho phép những người Hong Kong có hộ chiếu hải ngoại Anh đến nước này sinh sống, làm việc và nộp đơn xin nhập tịch. Đây là loại hộ chiếu cấp cho cư dân Hong Kong sinh trước ngày 1/7/1997, thời điểm Anh bàn giao đặc khu cho Trung Quốc, và gần ba triệu người Hong Kong đủ điều kiện nhận nó.
Đáp lại, Bắc Kinh khẳng định Hong Kong là vấn đề nội bộ của họ, đồng thời lên án việc các quốc gia đe dọa trừng phạt quan chức Trung Quốc là "logic của kẻ cướp". Sau khi Mỹ thông báo dừng xuất khẩu vũ khí cho Hong Kong vì luật an ninh, Trung Quốc cũng tuyên bố "sẽ thực hiện những biện pháp trả đũa cần thiết" nhằm đáp trả "hành động sai trái" của Mỹ.
Bất chấp hàng loạt phản ứng quốc tế, luật an ninh mới vẫn nhanh chóng được thực thi. Ngay cả trước khi đám đông biểu tình hôm 1/7 kịp tập hợp đầy đủ, cảnh sát đã được bố trí ở gần như mọi ngóc ngách trong thành phố. Họ treo một biểu ngữ màu tím mới, không còn cảnh báo về việc bắn hơi cay, mà khẳng định những người giương cờ, biểu ngữ hoặc hô khẩu hiệu vi phạm luật an ninh sẽ bị bắt.
Nhằm kiềm chế đám đông, lực lượng an ninh đã triển khai vòi rồng, bắn hơi cay và chặn đường. Khoảng 370 người bị bắt, bao gồm 10 người bị bắt theo luật an ninh mới, vì mang theo biểu ngữ, tờ rơi đòi độc lập cho Hong Kong. "Vận động độc lập cho Hong Kong là trái luật", lãnh đạo cơ quan an ninh Hong Kong John Lee nói.
"Một số người nói rằng họ sẽ tiếp tục đấu tranh, nhưng điều đó không quan trọng. Giờ đây chúng tôi đã có luật an ninh và sẽ thực thi nó một cách mạnh mẽ", trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam cho biết.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)