Gần một nửa trong số học viên phi công được tuyển năm nay sẽ được huấn luyện điều khiển tiêm kích hạm, trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt tình trạng thiếu phi công hải quân khi biên chế nhiều chiến hạm hơn, truyền thông nước này ngày 10/8 đưa tin.
Hải quân Trung Quốc hàng năm tổ chức kỳ thi tuyển phi công dành cho học sinh hoặc thí sinh đã tốt nghiệp trung học ở độ tuổi 16-19. Các thí sinh thường đăng ký trong năm cuối bậc trung học và điểm trong kỳ thi đại học được lấy làm cơ sở xét tuyển. Điểm chuẩn của hải quân Trung Quốc trong kỳ thi đại học năm nay cao hơn cả các trường đại học hàng đầu tại nước này.
"49% học viên sẽ được đào tạo thành phi công tiêm kích trên tàu sân bay", Chu Hanqiang, sĩ quan thuộc văn phòng tuyển sinh của hải quân Trung Quốc, cho biết. Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, quy trình tuyển dụng mới nhất đặc biệt chú ý tới bổ sung phi công điều khiển máy bay phản lực trên tàu sân bay do yêu cầu của quá trình mở rộng lực lượng hải quân.
Trung Quốc biên chế tàu sân bay thứ hai mang tên Sơn Đông hồi cuối năm 2019. Hải quân Trung Quốc lên kế hoạch mở rộng hạm đội và biên chế 5-6 tàu sân bay. Tuy nhiên, tình trạng thiếu phi công hải quân được đào tạo bài bản có thể cản trở tham vọng phát triển hạm đội của Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng kế hoạch hiện đại hóa sâu rộng quân đội từ năm 2015, cho biết "nhu cầu xây dựng lực lượng hải quân mạnh chưa bao giờ cấp bách hơn thế". Cùng với quá trình hiện đại hóa, hải quân Trung Quốc dần từ bỏ chiến lược phòng thủ ven bờ và hướng tới xây dựng lực lượng biển xanh có phạm vi hoạt động ngày càng lớn.
Sau khi cải hoán và biên chế tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc thúc đẩy chương trình đóng tàu sân bay nội địa và được cho là sắp đóng xong tàu sân bay nội địa thứ hai sau chiến hạm Sơn Đông. Các nhóm tác chiến tàu sân bay tương lai của hải quân Trung Quốc được nhận định sẽ tham gia cạnh tranh sức mạnh và ảnh hưởng với lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương lẫn toàn cầu.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)