Trước những tuyên bố trái chiều sau vụ việc "Vũ Hán sửa số liệu Covid-19 khiến số ca tử vong tăng gấp rưỡi ", độc giả Pham Linh cho rằng đây là động thái bất thường của Trung Quốc:
"Nhiều người lấy lý do các nước phương Tây số liệu cũng không chính xác để biện minh cho việc Trung Quốc khai báo số liệu không đúng. Đành rằng khi nền y tế bị quá tải, bất cứ nước nào cũng khó có thể thống kê được chính xác số người chết vì Covid-19, nhưng cách thông báo số người chết vì dịch của họ khác cách Trung Quốc làm, ít nhất ở những điểm sau:
1. Phương Tây thông báo số người chết nhưng đi kèm là khuyến cáo 'đây không phải con số chính xác' vì có nhiều người chết ở nhà hoặc viện dưỡng lão nhưng chưa được xét nghiệm Covid, chưa được tính vào đây.
2. Phương Tây thống kê số người chết trong 1-2 tuần của năm nay, so sánh với cùng kỳ năm trước, giúp mọi người sơ lược hình dung được sự bất thường trong số liệu người chết năm nay để qua đó có thể dự đoán được tương đối chính xác hơn số người chết vì Covid-19.
Trong khi đó, Trung Quốc không đưa ra được bất kỳ khuyến cáo nào, khiến thế giới hiểu sai về mức độ nghiêm trọng của đại dịch. Phương Tây chỉ nghi ngờ số liệu của Trung Quốc khi điều đó đã và đang xảy ra trên chính đất nước họ. Số liệu sửa lại của Trung Quốc vẫn chưa phản ánh đúng mức độ nghiêm trọng của Vũ Hán lúc đó. Tỉnh Hồ Bắc là tỉnh chịu hậu quả nặng nhất của Trung Quốc, nhưng có mấy điểm sau:
- Dân số Hồ Bắc tương đương Ý.
- Tuy dân số Hồ Bắc không già như Ý nhưng đây là nơi dịch bùng phát đầu tiên khi con người còn chưa biết về virus này - bất lợi cho chữa trị.
- Hệ thống y tế của Ý tốt hơn Trung Quốc.
- Tình hình dịch bệnh ở Hồ Bắc lúc đó nghiêm trọng hơn Ý nhiều, Hồ Bắc có nhiều người còn chết ngay trên đường phố, có gia đình đạo diễn nổi tiếng cả 4 người đều chết ở nhà...".
>> 'Phải có ai đó nhận lỗi về Covid-19'
Trong khi đó, bạn đọc MNT khẳng định việc sửa số liệu là chuyện bình thường:
"Thứ nhất, về chuyện sai số trong thống kê trong tình huống khủng hoảng, hỗn loạn, quá tải mà như đã thấy trong các bão lụt, động đất, sóng thần... đối với các nhà chuyên môn là chuyện bình thường, dễ hiểu và trong trường hợp này cũng vậy như WHO đã tuyên bố. Và việc sau khi khủng hoảng qua đi thì người ta mới có thời gian thống kê đầy đủ khi xem xét hồ sơ của từng trường hợp. Đơn giản như trường hợp, Iran phóng tên lửa trả đủa Mỹ, ban đầu Tổng thống Trump tuyên bố "không một binh sĩ nào bị ảnh hưởng" nhưng thời gian sau đã sửa thông báo thành "có hàng chục binh sĩ bị chấn động não". Nên việc "bắt bẻ" về số liệu của Trung Quốc theo kiểu "che giấu dịch" là vô lý.
Như đã nói, đối với các nhà chuyên môn, không ai cho rằng con số thống kê của Trung Quốc hay bất cứ nước nào trong tình huống khủng hoảng, hỗn loạn là chính xác 100% với thực tế, mà họ luôn hiểu là ít hơn thực tế vì những nguyên nhân thuần về thống kê như họ đã nói".
"Tại những thời điểm khi bệnh viện và các nguồn lực khác của xã hội bị quá tải, thì bất kể đó là Trung Quốc hay Ý, Tây Ban Nha, Mỹ, Anh... thì số liệu đều không thể chính xác 100% được. Ưu tiên tập trung nguồn lực để cứu người hay ưu tiên nguồn lực đi đếm xác chết?
Cái gì gọi là chủ động phòng chống dịch? Chính là bằng tất cả biện pháp, giải pháp, phương pháp, bằng mọi giá không để cho bệnh viện và các nguồn lực xã hội bị quá tải. Cụ thể như cách phòng chống dịch của Việt Nam, thì mới mong số liệu được thể hiện tương đối chính xác vì có thời gian kiểm chứng và tổng hợp", độc giả LBC bổ sung thêm.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.