(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Khẩu trang vốn là lớp mặt nạ che vùng mặt với mục đích bảo vệ con người khỏi các tác nhân xấu từ môi trường bên ngoài như bụi bẩn, vi khuẩn..., ngăn chúng không xâm nhập vào đường hô hấp. Chính vì tác dụng đó mà khẩu trang giúp làm giảm nguy cơ dẫn đến các bệnh lý về đường hô hấp ở con người. Và cũng từ công dụng ấy mà chúng ta chia ra làm hai loại: khẩu trang dùng một lần (tiêu biểu là khẩu trang y tế) và khẩu trang có thể tái sử dụng.
Theo nhiều nghiên cứu, khẩu trang y tế có nhiều công dụng tốt hơn khẩu trang vải. Trong thời dịch bệnh Covid-19 này, từng có những lúc khẩu trang y tế trở nên "cháy hàng" trong các cơ sở kinh doanh. Một phần vì nhận thức người dân chưa được nâng cao, phần còn lại vì tâm lý lo sợ sự nguy hiểm của dịch bệnh nên nhiều người Việt tìm đến mặt hàng khẩu trang và coi đó như "vật dụng thiết yếu". Cảnh tượng xếp hàng dài mua khẩu trang cũng từng được bắt gặp ở nhiều nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan...
Tuy nhiên, chính một phần nhờ việc người dân ý thức được việc đeo khẩu trang mà Việt Nam cũng như nhiều nước Á Đông đã hạn chế phần nào sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Rút kinh nghiệm từ dịch SARS, H1N1 hay dịch MERS trước đây, thời điểm dịch bệnh này, văn hoá đeo khẩu trang tiếp tục được đề cao, coi trọng. Đặc biệt tại tâm dịch một thời Trung Quốc, nơi vốn thường xuyên đối mặt với nạn ô nhiễm không khí, việc thực hiện đeo khẩu trang của đã trở thành thói quen của nhiều người Trung Quốc, nhất là các vùng thành thị.
Ở nhiều nước châu Á, đeo khẩu trang là hành động "hợp tình, hợp lý". Có thể là chuyến tàu điện ngầm đông đúc, hay trong một lớp học, một hội trường hay nơi công cộng..., những nơi mọi người có thể trò chuyện, lên cơn ho, làm bắn nước bọt... Tất cả đều là kịch bản lý tưởng cho sự lây lan của virus. Tại một số quốc gia như Nhật Bản, đeo khẩu trang nếu cảm thấy mình bị bệnh hoặc không khỏe, chính là phép lịch sự tối thiểu trong văn hoá giao tiếp.
Cùng với các nỗ lực dập dịch của chính quyền, thói quen đeo khẩu trang của người dân đã góp phần giúp các nước châu Á chiến thắng dịch SARS, MERS năm nào, và hiện tại, Trung Quốc hay Việt Nam là một minh chứng cho những thành công bước đầu của việc phòng chống Covid-19.
Và từ đây, ta xoay trục sang châu Âu và Mỹ, nơi mà dịch bệnh đang bùng phát vô cùng dữ dội. Ở đây hội tụ nhiều yếu tố: khí hậu, dân số già, tâm lý chủ quan, chủ trương miễn dịch cộng đồng,.. và tất nhiên một phần không thể thiếu là việc người dân không đeo khẩu trang. Nhiều nước thực hiện chính sách, nếu người khỏe mạnh, không có bệnh lý thì không cần phải đeo khẩu trang.
Trong văn hoá của nhiều nước phương Tây, đeo khẩu trang là thể hiện mình có bệnh tật, bị mọi người xa lánh. Tôi có đứa cháu du học ở Paris (Pháp), vừa trở về được ba ngày sau khi hoàn thành cách ly tập trung, kể rằng ở đó, nhiều nhân viên, cảnh sát khi tiếp xúc với người dân cũng không đeo khẩu trang. Đến siêu thị, có nơi còn cấm nhân viên bán hàng đeo khẩu trang, chỉ vì lý do là dễ gây tâm lý lo sợ khiến khách hàng bỏ đi.
Một lập luận khác, có những nơi yêu cầu không đeo khẩu trang vì lo ngại thiếu hụt vật tư bảo hộ cho ngành y tế. Lại có vùng, chính quyền còn kêu gọi không đeo khẩu trang, vì "khẩu trang không có hiệu quả trong việc giúp cộng đồng phòng ngừa sự lây lan của virus". Nhiều người gốc Á ở Mỹ đã nhận lại những cái nhìn thiếu thiện cảm, bị tránh xa hoặc thậm chí bị kỳ thị từ dân bản địa khi họ đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Đúng là thể chất của người châu Âu hay Mỹ tốt hơn châu Á rất nhiều, nhưng họ cũng không nhiều lần phải đối mặt với dịch bệnh nguy hiểm. Do vậy, trong bộ phận giới chức, dân chúng có tâm lý rất chủ quan, không xem trọng việc đeo khẩu trang, vẫn tự do đi lại, tập trung đông người như bình thường. Chỉ đến khi Covid-19 xâm nhập vào nội địa, cộng hưởng với các yếu tố nội tại sẵn có như dân số già, khí hậu lạnh... nên đã tạo nên đợt bùng phát dịch bệnh rất dữ dội ở châu Âu và Mỹ.
Khi dịch bệnh đã bùng phát mạnh với con số tử vong lên đến hàng chục nghìn người, giới chức nhiều nước phương Tây mới thực sự suy nghĩ lại về tầm quan trọng của chiếc khẩu trang. Cuối cùng, ngoài việc thực hiện cách biệt cộng đồng, lãnh đạo nhiều nước buộc phải khuyên người dân nên đeo khẩu trang khi ra đường, đến những nơi công cộng. Tuy nhiên, phần lớn quốc gia mới dừng ở mức khuyến khích. Mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng lên tiếng khuyến cáo về việc người dân nên đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng, tiếp xúc đông người, nhưng trên tinh thần "tự nguyện".
Có lẽ để thay đổi quan điểm và cách nhìn nhận của nhiều người phương Tây về văn hoá đeo khẩu trang là rất khó, chỉ trừ khi chính quyền các nước có biện pháp mạnh tay hơn giống nhiều nước phương Đông như Việt Nam hay Trung Quốc. Nếu mỗi người dân có ý thức hơn trong việc đeo khẩu trang, thì chính chúng ta đã góp một phần không hề nhỏ trong việc đẩy lùi đại dịch Covid-19, đồng thời là bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và cho cộng đồng.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho mục Ý kiến tại đây.