Quốc hội Trung Quốc hôm nay nhất trí bầu ông Tập Cận Bình, 69 tuổi, giữ chức Chủ tịch và sẽ lãnh đạo đất nước trong 5 năm tới. Đây là nhiệm kỳ Chủ tịch thứ ba của ông Tập, sau 10 năm ông lãnh đạo đất nước.
Kể từ khi được bầu làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012 và nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc năm 2013, ông Tập đã triển khai loạt chính sách cả về xã hội, kinh tế và quốc phòng, góp phần thúc đẩy vị thế của quốc gia này trên trường quốc tế.

Ông Tập Cận Bình tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ ba tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 10/3. Ảnh: AFP
Ông Tập đã phát động chiến dịch "đả hổ diệt ruồi", mạnh tay trấn áp tham nhũng, với hàng triệu trường hợp đảng viên, công chức, viên chức vi phạm bị xử lý, trong đó hình phạt nặng nhất là tử hình. Ông cũng không ngừng kêu gọi đất nước thực hiện các mục tiêu "cân bằng giữa phát triển với an ninh" và "hiện đại hóa theo phương cách Trung Quốc".
Giới quan sát cho rằng trong 10 năm dưới sự lãnh đạo của ông Tập, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu ấn tượng trên nhiều lĩnh vực, nhưng cũng đối mặt với một số thách thức nhất định.
GDP
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc năm 2021 là 17.730 tỷ USD, tăng hơn 100% so với năm 2012, theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB). Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sau đó giảm tốc, phần nào do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những biến động trên thị trường bất động sản.

GDP Trung Quốc kể từ năm 2012, đơn vị nghìn tỷ USD. Đồ họa: Guardian.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc tháng 1 cho biết GDP nước này tăng 3% năm 2022, nhưng không đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% do Bắc Kinh đặt ra trước đó.
Trung Quốc năm nay đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 5%, mức thấp nhất trong hơn 30 năm qua.
Thu nhập
Thu nhập trung bình tại Trung Quốc cũng tăng lên gấp đôi trong hai nhiệm kỳ Chủ tịch của ông Tập. Theo số liệu từ WB, Tổng Thu nhập Quốc gia (GNI) trên đầu người của Trung Quốc là 5.910 USD vào năm 2012 và tăng dần lên 11.890 USD vào năm 2021.
Thu nhập khả dụng bình quân cũng tăng trong cùng giai đoạn, từ 2.599 USD lên 5.308 USD.

Thu nhập trung bình tại Trung Quốc kể từ năm 2012, đơn vị USD. Đồ họa: Guardian.
Trung Quốc năm 2021 tuyên bố đã đạt mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nghèo đói cùng cực, một phần trong mục tiêu thịnh vượng chung cho người dân. Tuy nhiên, Covid-19 đã làm phức tạp các vấn đề người lao động Trung Quốc phải đối mặt, đặc biệt là lao động nhập cư từ nông thôn vào thành phố, và bất bình đẳng thu nhập vẫn còn tồn tại.
Giới phân tích cho rằng Trung Quốc cần thiết lập các mục tiêu cụ thể hơn nữa để hạ thấp Hệ số Gini, một thước đo bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, nếu muốn tầng lớp trung lưu mở rộng hơn và đạt mục tiêu thịnh vượng chung.
Tỷ lệ thất nghiệp
Do tăng trưởng kinh tế giảm tốc, tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc luôn ở trên mức 5% kể từ năm 2019. Tỷ lệ này ở nhóm thanh niên còn tệ hơn, lên mức cao chưa từng thấy 19,9% trong nhóm tuổi từ 16 đến 24, theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Ông Tập hồi tháng 10 cam kết sẽ "giải quyết tình trạng thất nghiệp, tạo thêm việc làm bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp, điều tiết sự phát triển của các hình thức việc làm mới".
Trung Quốc năm nay đặt mục tiêu giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức 5,5% tại các thành phố, đồng thời tạo thêm khoảng 12 triệu việc làm mới tại đô thị, nhiều hơn so với mục tiêu năm ngoái là hơn 11 triệu.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc qua các năm. Đồ họa: Guardian.
Dân số
Tương tự nhiều quốc gia Đông Á, Trung Quốc đang đối mặt cuộc khủng hoảng nhân khẩu học khi dân số bắt đầu đà suy giảm.
Năm 2021, tỷ lệ sinh của Trung Quốc là 7,52 trẻ em trên 1.000 dân, thấp nhất nhiều thập kỷ, khi giới trẻ ngại sinh con vì chi phí sinh hoạt tăng, triển vọng việc làm ảm đạm và thiếu các dịch vụ hỗ trợ thai sản. Năm 2022, tỷ lệ sinh tiếp tục giảm còn 6,77 và dân số Trung Quốc chứng kiến lần suy giảm đầu tiên kể từ năm 1961.
Các thay đổi chính sách của Bắc Kinh vẫn chưa thể đảo chiều đà giảm trong tỷ lệ sinh, khiến cơ cấu dân số ngày càng già và đe dọa vị thế kinh tế của Trung Quốc trên thế giới trong tương lai. Số lượng người kết hôn hàng năm cũng ngày càng giảm.
Các nhà nhân khẩu học nhận định dân số Trung Quốc đã đạt đỉnh sớm hơn vài năm so với dự báo. Tỷ lệ người lớn tuổi trong dân số tăng kéo theo gánh nặng an ninh xã hội, trong khi quy mô lực lượng lao động giảm, gây sức ép lên nền kinh tế.
Ngân sách quốc phòng

Ngân sách quốc phòng Trung Quốc qua các năm, đơn vị tỷ USD. Đồ họa: Guardian
Dưới thời ông Tập, Trung Quốc đã mạnh tay đầu tư cho nỗ lực hiện đại hóa quân đội, hướng tới mục tiêu xây dựng lực lượng vũ trang "đẳng cấp thế giới". Ông đã giám sát quá trình tái cấu trúc quy mô lớn của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), cắt giảm vai trò của lục quân, chú trọng đầu tư khí tài, công nghệ cho hải quân và không quân.
Trung Quốc năm 2023 quyết định tăng 7,2% ngân sách quốc phòng, lên mức hơn 1.500 tỷ tệ (gần 225 tỷ USD), duy trì đà tăng liên tiếp trong gần ba thập kỷ qua. Số tiền Trung Quốc chi cho quốc phòng năm nay cao hơn gấp đôi so với ngân sách năm 2013.
Theo Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh, sau 29 năm liên tục tăng ngân sách quốc phòng, quân đội Trung Quốc hiện có hơn hai triệu quân nhân thường trực, trở thành lực lượng vũ trang đông đảo nhất thế giới.
Tuy nhiên, do cấu trúc lục quân quá cồng kềnh, Trung Quốc đã tìm cách thu gọn quy mô quân đội, cắt giảm gần 300.000 quân nhân hồi năm 2019 và đổ hàng tỷ USD cho nỗ lực cải thiện sức chiến đấu. Dù vậy, IISS cho rằng quân đội Trung Quốc vẫn thiếu kinh nghiệm chiến đấu thực tế,
Hải quân Trung Quốc sở hữu đội tàu đông đảo nhất thế giới với hơn 500 chiếc, trong khi không quân nước này lớn nhất châu Á và có quy mô thứ ba trên toàn cầu, sau Mỹ và Nga.
Phần lớn là các tàu chiến trong biên chế hải quân Trung Quốc là tàu cỡ nhỏ, không được trang bị những hệ thống tác chiến hiện đại như trên các chiến hạm Mỹ. Trung Quốc đã biên chế ba tàu sân bay, nhưng vẫn sử dụng các công nghệ cũ và chưa được trang bị máy phóng, vốn là công nghệ phổ biến trên tàu sân bay Mỹ để tăng hiệu quả hoạt động cho máy bay trên hạm.
Ông Tập ngày 9/3 kêu gọi quân đội nước này "tối đa hóa năng lực chiến lược quốc gia" để tăng cường sức mạnh tổng thể, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa để trở thành lực lượng quân sự đẳng cấp thế giới nhằm "bảo vệ lợi ích chiến lược quốc gia".
Như Tâm (Theo Guardian, AFP)