"Hành động quan trọng hơn lời nói. Những gì chúng ta cần để đối phó với biến đổi khí hậu là hành động cụ thể chứ không phải lời nói suông", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm nay. "Những hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Trung Quốc là thực chất".
Tuyên bố được ông Uông đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích Trung Quốc và Nga không thể hiện vai trò dẫn dắt chống biến đổi khí hậu khi lãnh đạo hai nước không tới dự hội nghị COP26.
"Trung Quốc đang cố gắng khẳng định vai trò mới trên thế giới với tư cách lãnh đạo toàn cầu, nhưng lại không xuất hiện", Biden nói với phóng viên trước khi rời hội nghị tại Glasgow, Scotland, hôm 2/11. "Đây là một vấn đề to lớn mà họ thì không tới dự. Tại sao có thể cư xử như vậy rồi tuyên bố có khả năng lãnh đạo? Trung Quốc không xuất hiện là một sai lầm. Cả thế giới nhìn vào Trung Quốc và tự hỏi họ đang mang lại giá trị gì".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, không thực hiện chuyến công du nước ngoài nào từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, và cũng không cùng các lãnh đạo thế giới tham dự COP26.
Trong cuộc họp báo, ông Uông cho rằng việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris dưới thời tổng thống Donald Trump đã làm tổn hại đến ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như việc thực hiện thỏa thuận. Biden đã xin lỗi thế giới vì quyết định này của Trump.
Biden thậm chí tỏ thái độ gay gắt hơn về Tổng thống Nga Vladimir Putin, lãnh đạo nước phát thải carbon lớn thứ tư thế giới. "Lãnh thổ của ông ấy đang cháy theo nghĩa đen. Ông ấy đang đối mặt vấn đề khí hậu nghiêm trọng, nhưng lại im lặng, không nói sẵn sàng làm điều gì", Tổng thống Mỹ nói, đề cập đến người đồng cấp Nga.
Điện Kremlin hôm nay bác bỏ chỉ trích của Biden, nói rằng Moskva nghiêm túc về vấn đề biến đổi khí hậu. "Chúng tôi chắc chắn không hạ thấp tầm quan trọng của sự kiện ở Glasgow, hành động của Nga là nhất quán, chu toàn và nghiêm túc", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được 195 nước, trong đó có Mỹ, thông qua tại Pháp hồi tháng 12/2015. Các quốc gia nhất trí cắt giảm lượng khí CO2 và khí thải khác từ nhiên liệu hóa thạch, nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu.
Biden muốn thuyết phục các nước đặt mục tiêu tham vọng và cụ thể hơn về cắt giảm khí thải carbon. Đầu năm nay, ông cam kết sẽ đưa nước Mỹ đến năm 2025 giảm khoảng 50-52% khí thải so với thống kê năm 2005.
Tại hội nghị thượng đỉnh hôm 2/11, gần 100 quốc gia tham gia sáng kiến của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm cắt giảm ít nhất 30% lượng khí thải metan, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính, trong thập kỷ này, đặc biệt ở Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng sáng kiến này có thể có tác động mạnh mẽ trong ngắn hạn đến tình trạng nóng lên toàn cầu.
Huyền Lê (Theo AFP)