"Tôi nghĩ mình không đáng phải xin lỗi, nhưng tôi xin lỗi vì thực tế là chính quyền tiền nhiệm đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris và đặt chúng ta vào tình thế bất lợi hiện nay", Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Hội nghị thứ 26 giữa Các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) hôm qua.
Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh một trong những hành động đầu tiên sau khi nhậm chức hồi tháng 1 là đưa Mỹ trở lại hiệp định này, bác bỏ quan điểm của người tiền nhiệm Donald Trump và cho rằng ứng phó biến đổi khí hậu sẽ mang lại việc làm, thay vì gây hại cho nền kinh tế.
"Tôi tin có cơ hội tuyệt vời ngay trong thảm họa đang hiện hữu, không chỉ với Mỹ mà còn với tất cả thế giới. Chúng tôi sẽ hành động, chứ không chỉ có lời nói. Mỹ không chỉ quay lại bàn đàm phán mà hy vọng sẽ là tấm gương đi đầu. Tôi biết điều này chưa xảy ra và đó là lý do nội các của chúng tôi đang cố gắng hết sức", Biden nói thêm.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được 195 nước, trong đó có Mỹ, thông qua tại Pháp hồi tháng 12/2015. Các quốc gia nhất trí cắt giảm lượng khí CO2 và khí thải khác từ đốt nhiên liệu hóa thạch, nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu.
Donald Trump thông báo rút Mỹ khỏi hiệp định vào tháng 6/2017 sau khi trở thành Tổng thống Mỹ với lý do hiệp định này làm suy yếu nền kinh tế, khiến nhiều người mất việc làm, gây xói mòn chủ quyền quốc gia và đặt Washington vào thế bất lợi so với các nước khác trên thế giới.
Tổng thống Biden muốn thuyết phục các nước đặt mục tiêu tham vọng hơn và cụ thể hơn về cắt giảm khí thải carbon. Đòn bẩy đàm phán là cam kết hỗ trợ tài chính hấp dẫn hơn từ Mỹ và phê duyệt chính sách cải cách quyết liệt làm gương. Đầu năm 2021, ông cam kết sẽ đưa nước Mỹ đến năm 2025 giảm khoảng 50-52% khí thải so với thống kê năm 2005.
Tuy nhiên, thông điệp đoàn kết quốc tế từ Biden tại COP26 khó tránh ánh mắt hoài nghi của cộng đồng quốc tế. Trọng trách lãnh đạo toàn cầu đòi hỏi sự nhất quán, trong khi giới lãnh đạo Mỹ suốt thập kỷ qua liên tục thay đổi lập trường về chính sách chống biến đổi khí hậu.
Giới hoạt động môi trường cũng không quá hy vọng COP26 với sự trở lại của Tổng thống Mỹ sẽ mở ra một thỏa thuận thay đổi cục diện cuộc chiến biến đổi khí hậu, trong khi chính khách các nước cũng quá quen với một nước Mỹ thiếu nhất quán về chính sách môi trường.
COP26 là hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lớn nhất, quan trọng nhất hành tinh, được Liên Hợp Quốc tổ chức thường niên từ năm 1995, quy tụ đại diện của hầu hết các quốc gia trên thế giới thảo luận về những mục tiêu khí hậu cũng như tiến trình giảm phát thải. Những cuộc họp chính thức được gọi là "hội nghị các bên" (COP) và có hơn 190 thành viên đã ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) năm 1992 tham dự.
Vũ Anh (Theo AFP)