Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature hôm 29/11, các nhà khoa học Trung Quốc nhận định biện pháp phong tỏa trong 7 tháng đầu năm 2020 đã mang lại lợi ích y tế to lớn, với 60% nhân mạng được cứu khỏi các bệnh liên quan đến tim mạch.
Nghiên cứu được các nhà khoa học từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CCDC) Trung Quốc thực hiện, trong đó có cựu giám đốc CCDC George F. Gao cùng các chuyên gia từ Đại học Bắc Kinh, Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong cùng Đại học Hong Kong.
Theo đó, lệnh phong tỏa ở Trung Quốc đã khiến giao thông cùng các hoạt động công nghiệp ít đi, giúp không khí sạch hơn, trong khi các thói quen tốt như đeo khẩu trang, vệ sinh tay, giãn cách xã hội và ít tai nạn giao thông đã góp phần làm giảm số người chết vì các nguyên nhân không liên quan tới đại dịch.
"Trước những tranh luận ngày càng sôi nổi liên quan đến những chính sách chống Covid-19 trên khắp thế giới, nghiên cứu của chúng tôi cung cấp những dữ liệu để hiểu được tác động sức khỏe rộng lớn hơn từ các chính sách chống dịch nghiêm ngặt", nhóm các nhà khoa học nói, đề cập lệnh phong tỏa của Trung Quốc.
Nghiên cứu được công bố trong bối cảnh chiến lược "không Covid" của Trung Quốc cùng các biện pháp chống dịch cứng rắn vấp phải nhiều hoài nghi và một số chuyên gia thúc giục Bắc Kinh nên thay đổi cách tiếp cận và học cách chung sống với Covid-19.
"Có ý kiến cho rằng các biện pháp phong tỏa có thể ảnh hưởng sức khỏe của người dân trong ngắn hạn, do hạn chế đi lại cản trở khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cũng như gây gián đoạn hoạt động kinh doanh và thất nghiệp tăng. Tuy nhiên, phân tích của chúng tôi chỉ ra những tác động tích cực về mặt y tế của lệnh phong tỏa, ít nhất là ở Trung Quốc trong ngắn và trung hạn", nhóm nghiên cứu kết luận.
Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách "không Covid", quyết tâm đưa ca nhiễm nCoV về 0, cũng như duy trì các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt. Trưởng nhóm dịch tễ học CCDC từng nhận định Trung Quốc đã ngăn được 200 triệu ca nhiễm và ba triệu người chết vì nCoV nhờ chiến lược "không Covid".
Từng là nơi đầu tiên bùng phát dịch nghiêm trọng, Trung Quốc được đánh giá đang kiểm soát tốt tình hình, với hơn 98.000 ca nhiễm và hơn 4.600 ca tử vong do nCoV. Các cụm dịch bùng phát lẻ tẻ ở nước này, nhưng nhanh chóng được khống chế nhờ biện pháp phong tỏa cục bộ, xét nghiệm và truy vết quyết liệt.
Ngọc Ánh (Theo SCMP)