"Tôi nghĩ biến chủng Omicron chắc chắn sẽ dẫn đến những thách thức liên quan phòng ngừa và kiểm soát", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay, khi đề cập những thách thức biến chủng Omicron có thể gây ra với Thế vận hội Mùa đông tháng 2/2022.
"Nhưng Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm ứng phó Covid-19. Tôi tin Thế vận hội mùa đông sẽ diễn ra suôn sẻ", ông Triệu nhấn mạnh, thêm rằng Bắc Kinh đánh giá cao nỗ lực của Nam Phi khi cung cấp thông tin kịp thời về biến chủng mới.
Trong Thế vận hội sắp tới, hàng nghìn vận động viên, phóng viên và những người tham dự đến từ nước ngoài đều được yêu cầu ở trong khu vực cách ly nghiêm ngặt với bên ngoài. Các nhà tổ chức tháng trước thừa nhận virus sẽ là "thách thức lớn nhất" đối với Thế vận hội.
Trong khi đó, giới chức y tế Trung Quốc cho biết có đủ phương thức đối phó biến chủng mới. Xu Wenbo, người đứng đầu Viện kiểm soát Virus tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, nói rằng nước này đã "làm tốt công tác chuẩn bị kỹ thuật" để đối phó biến chủng Omicron.
"Chúng tôi có nhiều hướng nghiên cứu kỹ thuật, trong đó có nghiên cứu kỹ thuật sơ bộ về vaccine bất hoạt, vaccine dựa trên protein và vaccine dựa trên vector", Xu nói.
Biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana, quốc gia láng giềng của Nam Phi, vào ngày 9/11. Giới chức y tế Nam Phi hôm 23/11 phát hiện biến chủng mới trong mẫu bệnh phẩm thu ngày 14-16/11, sau đó thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
WHO cho biết Omicron có số lượng đột biến chưa từng có, có nguy cơ lây lan ở cấp độ toàn cầu và gây hậu quả nghiêm trọng. Biến chủng mới được cho là ảnh hưởng tới người ở nhóm tuổi dưới 25 và lây lan nhanh hơn chủng Delta.
Trung Quốc đại lục hiện chưa ghi nhận ca nhiễm chủng Omicron, nhưng đặc khu hành chính Hong Kong đã báo cáo ba ca nhiễm biến chủng mới. Quốc gia láng giềng của Trung Quốc là Nhật Bản cũng đã ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên, là người đàn ông đến từ Namibia.
Huyền Lê (Theo AFP)