Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cuối tuần qua đã gửi một thông điệp rõ ràng tới châu Âu rằng dù thế giới có thay đổi thế nào, Trung Quốc vẫn sẽ "nhất quán và ổn định".
Tuyên bố của ông Vương trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hôm 17/2 được đưa ra trong bối cảnh các lãnh đạo châu Âu đang thận trọng theo dõi cuộc bầu cử sắp tới tại Mỹ, lo ngại khả năng cựu tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ đối tác giữa họ với Washington.
Những lo ngại đó càng bùng lên sau khi cựu tổng thống Trump nói rằng ông sẽ không bảo vệ các đồng minh NATO không chi đủ tiền cho quốc phòng, một lời cảnh báo nguy hiểm đối với nhiều người ở châu Âu khi xung đột Nga - Ukraine vẫn căng thẳng.
Bình luận từ cựu tổng thống Mỹ đã tạo ra bối cảnh không thể tốt hơn cho Ngoại trưởng Trung Quốc khi Bắc Kinh đang cố gắng tìm cách sửa chữa mối quan hệ với châu Âu. Nỗ lực này càng trở nên cấp bách hơn bởi những khó khăn kinh tế trong nước và những xích mích đang diễn ra với Mỹ.
"Cho dù thế giới thay đổi thế nào, Trung Quốc, với tư cách là một quốc gia lớn có trách nhiệm, sẽ giữ các nguyên tắc và chính sách chính của mình nhất quán và ổn định, đồng thời đóng vai trò là sức mạnh bền bỉ giữ vững ổn định trong một thế giới hỗn loạn", ông Vương nói tại Munich, khẳng định Trung Quốc và châu Âu cần "tránh xa những phiền nhiễu về địa chính trị cũng như ý thức hệ" để hợp tác cùng nhau.
Lời kêu gọi của ông Vương có thể được một số lãnh đạo châu Âu lắng nghe, nhưng để thực sự hàn gắn rạn nứt không phải nhiệm vụ dễ dàng với Trung Quốc. Một trong những thách thức lớn nhất là mối quan hệ kiên định giữa nước này với Nga.
"Thông điệp ông Vương gửi tới các chủ nhà châu Âu là không được phép để những khác biệt về địa chính trị cản trở hợp tác", Noah Barkin, chuyên gia cấp cao tại tổ chức tư vấn Quỹ German Marshall của Mỹ (GMF), nhận xét. "Nhưng điều không được nói ra là Trung Quốc chưa sẵn sàng thay đổi những quan điểm và chính sách khiến người châu Âu lo lắng nhất, cụ thể là mối quan hệ ngày càng sâu sắc với Nga và các hoạt động thương mại của nước này".
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch tại Ukraine hai năm trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tích cực tăng cường quan hệ song phương khi cả hai đều phải đối mặt căng thẳng gia tăng với phương Tây. Trung Quốc cũng nổi lên như một huyết mạch quan trọng cho nền kinh tế Nga đang bị trừng phạt.
Ở châu Âu, điều này làm dấy lên mối lo ngại về tham vọng toàn cầu của Trung Quốc và thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) điều chỉnh lại chính sách với Bắc Kinh.
Ông Vương đã nỗ lực trấn an những lo ngại của châu Âu vào cuối tuần qua, mô tả mối quan hệ giữa Trung Quốc với Nga là một phần trong nỗ lực nhằm hợp tác "cùng các nước lớn" để giải quyết những thách thức toàn cầu.
"Nga là nước láng giềng lớn nhất của Trung Quốc", ông nói, lặp lại những tuyên bố lâu nay rằng quan hệ giữa họ không phải là liên minh và không "nhắm vào bất kỳ bên thứ ba nào".
"Mối quan hệ Trung - Nga phát triển ổn định, đáp ứng lợi ích chung của hai nước" và "phục vụ cho sự ổn định chiến lược của khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như thế giới", ông cho biết thêm.
Khi được chủ tịch hội nghị Christoph Heusgen hỏi rằng liệu Trung Quốc có nên làm nhiều hơn để kiềm chế Nga không, Ngoại trưởng Vương đã phản bác lại điều mà ông cho là những nỗ lực "đổ lỗi cho Trung Quốc hoặc chuyển trách nhiệm về cuộc khủng hoảng Ukraine sang Trung Quốc". Ông nói rằng Bắc Kinh vẫn làm việc "không ngừng nghỉ" để kết thúc các cuộc đàm phán hòa bình.
Giới quan sát đánh giá với bối cảnh như hiện nay, những nỗ lực của ông Vương nhằm xoa dịu những lo ngại của châu Âu khó lòng tác động tới EU.
"Chừng nào xung đột ở Ukraine còn tiếp diễn, các chính sách của EU đối với Trung Quốc vẫn sẽ có mối liên kết chặt chẽ với cách hành động của Mỹ. Rất có thể, châu Âu sẽ cùng với Mỹ tăng cường các hạn chế xuất khẩu các công nghệ quan trọng vì họ coi an ninh kinh tế của liên minh là điều tối quan trọng", Yu Jie, chuyên gia cấp cao về Trung Quốc tại tổ chức nghiên cứu Chatham House ở London, bình luận.
EU đang xem xét một loạt biện pháp giúp khối giảm rủi ro cho chuỗi cung ứng, bảo vệ các công nghệ quan trọng và giữ thị trường của mình khỏi những gì họ coi là hàng hóa Trung Quốc "rẻ tiền một cách giả tạo". Trong khi đó, Bắc Kinh đánh giá chính sách của châu Âu bị ảnh hưởng quá mức bởi Washington.
Ông Vương cũng lên tiếng phản đối các biện pháp như vậy ở Munich, cảnh báo rằng "những ai cố gắng đóng cửa với Trung Quốc dưới danh nghĩa 'giảm rủi ro' sẽ mắc phải một sai lầm lịch sử".
Theo giới chuyên gia, bài phát biểu của ông Vương khó có thể tác động đến khối EU nói chung nhưng Trung Quốc sẽ đạt được nhiều thành công hơn khi nỗ lực ổn định quan hệ với một số quốc gia EU riêng lẻ, những nước muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế và đang hoài nghi về cuộc bầu cử sắp tới tại Mỹ.
Theo Liu Dongshu, phó giáo sư tại Đại học Thành phố Hong Kong, trong các cuộc họp ở châu Âu, ông Vương có thể "sử dụng 'nhân tố Trump' để chỉ ra rằng việc hoàn toàn đứng về phía Mỹ không mang lại lợi ích tốt nhất cho các nước châu Âu".
Khi còn là tổng thống, ông Trump không chỉ bày tỏ hoài nghi về mạng lưới các đồng minh của Mỹ ở châu Âu mà còn áp đặt thuế quan đối với thép và nhôm châu Âu, khiến EU phải đáp trả bằng những biện pháp tương tự.
"Ông Vương Nghị có thể chỉ ra rằng nếu ông Trump trở thành tổng thống thì châu Âu sẽ gặp vấn đề nếu không có mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Ông ấy muốn thuyết phục các nước châu Âu trung lập hơn", Liu nói.
"Các quốc gia châu Âu sẽ tập trung nhiều hơn vào việc giữ mối quan hệ với Trung Quốc ổn định, một phần để tránh nguy cơ xảy ra xung đột thương mại trên hai mặt trận với cả Bắc Kinh và Washington, nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng", Barkin từ Quỹ German Marshall, nhận định. "Cơn ác mộng tồi tệ nhất của Trung Quốc là một mặt trận thống nhất xuyên Đại Tây Dương về các vấn đề thương mại, công nghệ và an ninh. Trung Quốc sẽ sử dụng những lời nói của ông Trump để củng cố thông điệp tại các thủ đô châu Âu rằng Washington không phải đối tác đáng tin cậy".
Vũ Hoàng (Theo CNN, AFP, Reuters)