Khi Trung Quốc thông qua luật an ninh Hong Kong hồi cuối tháng 6, hai tuyên bố trái chiều xuất hiện ở Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Tuyên bố thứ nhất do Cuba soạn thảo, ủng hộ động thái của Trung Quốc, đã nhận được sự đồng thuận của 53 quốc gia. Tuyên bố chung bày tỏ lo ngại của Anh chỉ có 27 nước ủng hộ.
Đây chỉ là thành quả ngoại giao mới nhất trong chiến dịch nâng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ở các tổ chức quốc tế. Khi chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày càng rút khỏi trật tự đa phương được thiết lập sau Thế chiến II, Trung Quốc được xem là bên hưởng lợi nhiều nhất.
Bắc Kinh đang nỗ lực đưa quan chức của mình, cũng như của các nước đối tác vào vị trí lãnh đạo của nhiều tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc (LHQ), chuyên thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu về du lịch hàng không, viễn thông và nông nghiệp. Hồi tháng 3, Trung Quốc đã giành được một ghế trong hội đồng 5 thành viên phụ trách lựa chọn báo cáo viên của LHQ về lạm dụng nhân quyền, các quan chức từng chỉ trích Bắc Kinh về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ. Washington đã phản đối quyết định này, nhưng không mang lại nhiều tác động.
Thành công của Trung Quốc đặt ra câu hỏi hóc búa cho Mỹ và đồng minh. Sau khi Liên Xô sụp đổ, các quốc gia này đều trông đợi Mỹ trở thành cơ chế thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Nhưng giờ đây, khi nguy cơ về Chiến tranh Lạnh mới ngày càng lớn, tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Liên Hợp Quốc có thể giúp Trung Quốc hợp pháp hóa tuyên bố trở thành giải pháp thay thế ưu việt cho nền dân chủ phương Tây.
"Cảm giác của Trung Quốc lúc này là 'đây là thời điểm của chúng ta và chúng ta cần kiểm soát các cơ quan này'", Ashok Malik, cố vấn chính sách cấp cao của Bộ Ngoại giao Ấn Độ. "Nếu bạn nắm được đòn bẩy quan trọng của các tổ chức đó, bạn có thể ảnh hưởng tới các quy chuẩn hay chính sách quốc tế".
Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tháng trước, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi cơ quan này đóng "vai trò trung tâm trong các vấn đề quốc tế", đặc biệt giữa đại dịch Covid-19. "Hệ thống quản lý toàn cầu nên tự thích ứng với các động lực kinh tế và chính trị toàn cầu đang tiến triển", ông Tập ngầm nói tới ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh và sự suy giảm của Washington.
Chính quyền Trump cho rằng các cơ quan LHQ đang tồn tại nhiều vấn đề và Mỹ cần phải nỗ lực để sửa chữa. Hồi tháng 7, Washington bắt đầu rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi cáo buộc cơ quan này "gần như bị kiểm soát" bởi Trung Quốc, khiến Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới.
Nhiều đồng minh Mỹ nói rằng việc Washington rút khỏi các tổ chức như WHO không khác gì "tặng quà" cho Trung Quốc. "Mỹ rút khỏi chủ nghĩa đa phương là điều rất đáng tiếc đối với chúng tôi và Trung Quốc đang tiến vào", Hans Blix, cựu quan chức ngoại giao Thụy Điển và từng phụ trách chương trình giám sát vũ khí của LHQ ở Iraq, nói.
Đối với Bắc Kinh, động thái của Mỹ mang tới cho họ cơ hội, theo Lanxin Xiang, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sáng kiến Vành đai Con đường ở Thượng Hải. "Nếu bạn tự nguyện rút chứ không phải do chúng tôi, việc lấp khoảng trống đó không thể được xem là hành động khiêu khích", Lanxin nói.
Trung Quốc đã có đại diện lãnh đạo 4 trong 15 cơ quan chuyên môn của LHQ, sau khi đánh bại các ứng viên được phương Tây hậu thuẫn vào năm ngoái để giành vị trí đứng đầu Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực LHQ (FAO). Ba cơ quan còn lại do Trung Quốc lãnh đạo gồm Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, Liên minh Viễn thông Quốc tế và Tổ chức Phát triển Công nghiệp LHQ.
Nỗ lực có đại diện ở cơ quan thứ 5, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) hồi tháng 3 đã bị cản trở bởi Mỹ và các đồng minh. Hầu hết quốc gia khác chỉ có tối đa một đại diện đứng đầu một cơ quan của LHQ.
"Bắc Kinh có thể khiến LHQ trông giống Trung Quốc hơn", Moritz Rudolf, người sáng lập Moritz Rudolf, công ty tư vấn Đức chuyên nghiên cứu về sáng kiến Vành đai Con đường, nói.
Giới chuyên gia nhận định Trung Quốc từ lâu đã có chiến lược để tìm cách nâng tầm ảnh hưởng ở các cơ quan LHQ. Năm ngoái, các nước thành viên của FAO nhóm họp ở Rome, thủ đô Italy, để lựa chọn người thay thế vị trí tổng giám đốc. Bắc Kinh đã đề cử Khuất Đông Ngọc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc.
Bắc Kinh đã nỗ lực tìm kiếm ủng hộ từ nhóm nước đang phát triển. Tại Uganda, nhân viên ngoại giao Trung Quốc đã cùng xuất hiện ở nông trại của Tổng thống Yoweri Museveni và cam kết xây dựng lò giết mổ thịt bò trị giá 25 triệu USD cùng một nhà máy dệt nếu chính phủ của ông ủng hộ ứng viên Khuất Đông Ngọc.
Cameroon đã đề cử nhà kinh tế học Médi Moungui, một ứng viên tiềm năng có thể thu hút ủng hộ ở khu vực Tây Phi, cho vị trí tổng giám đốc của FAO. Khi Trung Quốc đồng ý hủy khoản nợ 78 triệu USD cho Cameroon, ông Moungui lập tức rút lui. Cả ứng viên này và quan chức Cameroon đều từ chối trả lời bình luận.
Trong khi đó Mỹ và châu Âu lại mâu thuẫn với nhau. Châu Âu ủng hộ kỹ sư nông nghiệp người Pháp Catherine Geslain-Lanéelle, trong khi Mỹ hậu thuẫn cho Davit Kirvalidze, cựu bộ trưởng nông nghiệp của Cộng hòa Gruzia.
Trung Quốc đã cử phái đoàn khoảng 80-100 người tới cuộc họp ở Rome, nhiều hơn hẳn một phái đoàn hơn chục người thường thấy, theo quan chức Mỹ. Các đại biểu Trung Quốc đã mang theo máy chụp ảnh với ống kính lớn và ghi hình cuộc bỏ phiếu kín này. Trong một số trường hợp, họ còn yêu cầu đại diện các quốc gia khác chụp ảnh phiếu bầu để chứng minh đã ủng hộ ông Khuất, theo quan chức châu Âu và Mỹ. Các phái bộ của Trung Quốc ở Rome và Geneva từ chối bình luận về thông tin này.
Cuối cùng, chiến thắng đã thuộc về ứng viên Trung Quốc. Phát biểu sau khi đắc cử vị trí tổng giám đốc FAO, ông Khuất nói "Tôi rất biết ơn quê hương mình".
Wang Huiyao, cố vấn Quốc vụ viện Trung Quốc và là người đứng đầu Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa ở Bắc Kinh, nói rằng vận động hành lang để ông Khuất chiến thắng bởi vì "Trung Quốc đã làm rất tốt trong lĩnh vực nông nghiệp và thế giới đều công nhận điều đó".
Chiến thắng của ứng viên Khuất Đông Ngọc được xem là lời cảnh tỉnh cho Mỹ và đồng minh. Tháng 11 năm ngoái, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien đã tới New York để gặp gỡ các đại diện thường trực của LHQ đến từ châu Âu, Nhật Bản và nhiều nền dân chủ khác, đề xuất liên minh chống Trung Quốc.
Phản ứng của đại diện châu Âu là "Chắc chắn rồi, nhưng các bạn đã ở đâu cho đến giờ?", theo một người giấu tên biết rõ về cuộc gặp mặt.
Quan chức châu Âu nói rằng họ đồng tình với sự lo ngại của Mỹ về Trung Quốc nhưng có cách nhìn nhận vấn đề khác. Đối với Mỹ, Trung Quốc là đối thủ đe dọa truất ngôi cường quốc hàng đầu thế giới của Mỹ. Đối với châu Âu, Trung Quốc là mối đe dọa khi tìm cách thay đổi trật tự thế giới, điều mà họ cho rằng chính quyền Trump cũng muốn làm.
Gérard Araud, người từng là đại sứ Pháp tại Washington và là đặc phái viên LHQ, cho biết cách Trung Quốc nâng tầm ảnh hưởng hiện nay là điều mà Mỹ từng làm cách đây hàng thập kỷ trước, đó "tặng quà" hoặc gây áp lực đối với các quốc gia khác.
"Trung Quốc đang làm điều này một cách quyết liệt, nhưng điều đó không có gì bất thường. Lỗi sẽ không thuộc về người thắng, mà chỉ thuộc về kẻ thua cuộc", Araud nói.
Thanh Tâm (Theo WSJ)